Nguy cơ sụp đổ của hệ thống y tế ở Sudan

Thứ năm, 20/04/2023 16:12
(ĐCSVN) – Ban chỉ đạo Hiệp hội bác sĩ Sudan cho biết, 16 bệnh viện ở Khartoum và ở các thành phố khác trên khắp Sudan đã phải ngừng hoạt động do các cuộc tấn công nổ ra ở nước này trong những ngày qua. Liên hợp quốc cảnh báo hệ thống y tế ở Sudan có nguy cơ sụp đổ.
 Hệ thống y tế ở Sudan có nguy cơ  sụp đổ do các cuộc tấn công nổ ra ở nước này từ ngày 15/4 vừa qua (Ảnh: Sudan Tribune)

Người đứng đầu Ban chỉ đạo Hiệp hội bác sĩ Sudan Heba Omer cho biết, trong số 16 bệnh viện phải ngừng hoạt động, các bệnh viện Al-Shaab, Ibn Sina, Bashaer, và Bahri đã bị đánh bom. Bên cạnh đó, một số bệnh viện như l-Shaab, Ibn Sina, Bashaer, Al-Turki, Al-Zaytouna, Imperial, Al-Shorta, Bahri,… đã phải sơ tán.

Các cuộc đụng độ nổ ra từ ngày 15/4 giữa quân đội và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) ở Sudan qua đã khiến 180 người thiệt mạng và 1.800 người khác bị thương.

Người dân Khartoum đang phải vật lộn để cung cấp viện trợ cho những người bị thương. Tình hình cũng khiến việc chôn cất người chết gặp khó khăn, điều này có thể dẫn đến một thảm họa về môi trường. Các bệnh viện phải đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng nhân viên y tế và các nguồn lực khác.

Trước tình hình ở Sudan, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus  ngày 18/4 đã kêu gọi các bên trong cuộc xung đột ở Sudan cung cấp quyền tiếp cận các cơ sở y tế cho tất cả những người cần được chăm sóc, đồng thời cảnh báo rằng nguồn cung cấp y tế và nhân sự ở thủ đô Khartoum đang cạn kiệt.

Trong khi đó, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã báo cáo về việc hệ thống phản ứng cứu trợ bị cản trở nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi ngừng các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên cứu trợ và cướp bóc tại các cơ sở nhân đạo ở Sudan. OCHA cho rằng các tổ chức nhân đạo phải có khả năng thực hiện công việc của họ và các cơ quan cứu trợ phải được triển khai nhân viên một cách an toàn. Theo OCHA, người dân ở thủ đô Khartoum đã không thể rời khỏi nhà một cách an toàn để mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác trong nhiều ngày nay.

Sudan đã lâm vào tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021. Căng thẳng giữa lực lượng quân đội và RSF đã leo thang trong nhiều tháng nay khiến các đảng phái chính trị ở nước này chưa thể ký kết một thỏa thuận được quốc tế ủng hộ nhằm nối lại quá trình chuyển tiếp chính phủ trong nước.

Căng thẳng âm ỉ kéo dài suốt nhiều tháng qua tại Sudan đã leo thang đỉnh điểm vào ngày 15/4 khi nổ ra các vụ đụng độ dữ dội giữa quân đội và RSF tại nhiều địa điểm trên toàn quốc, trong đó có cả Thủ đô Khartoum./.

PG (theo Sudan Tribune, Arab news, OCHA)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực