|
Người dân mua đi mua sắm tại một siêu thị ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 4/4/2022. (Ảnh: Xinhua) |
Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 6/4 cho thấy, hiện toàn thế giới có 429.170.871 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 99% tổng số ca mắc). Trong số 58.337.569 ca bệnh đang điều trị có 58.282.171 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,9%) và 55.398 ca (chiếm 0,1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.
Dù cho tới nay, hầu hết nhiều nước trên thế giới đã mở cửa trở lại và coi COVID-19 là căn bệnh đặc hữu, song sau hơn 2 năm hoành hành, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều rủi ro trong dài hạn mà theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ cần tới 15 tỷ USD để có thể khắc phục.
Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF Gita Gopinath cho rằng do nhiều kịch bản khác nhau từ nhẹ đến nghiêm trọng của dịch COVID-19 có thể xảy ra và các quốc gia trên thế giới cần một chiến lược mới. Chuyên gia của IMF nhận định, tình trạng gián đoạn chung và cuộc xung đột tại Ukraine sẽ gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, do vậy thiệt hại do COVID-19 gây ra sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa. Đại dịch vẫn chưa kết thúc và tình trạng chuỗi cung ứng gián đoạn vẫn tiếp diễn cùng các chi phí khác sẽ vẫn tăng. Trong khi đó, các nước vẫn cần vaccine, bộ kit xét nghiệm, liệu pháp điều trị và cơ sở hạ tầng y tế được cải thiện để ứng phó với đại dịch và một số bệnh nghiêm trọng khác.
Còn xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 181.446.113 trường hợp, trong đó có 1.770.048 ca tử vong và 160.371.682 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 625.398 ca mắc COVID-19. Dịch bệnh có chiều hướng cải thiện là yếu tố khiến thêm nhiều nước trong khu vực nới lỏng biện pháp phòng dịch, coi COVID-19 là căn bệnh đặc hữu.
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach ngày 5/4 thông báo nước này sẽ không áp dụng biện pháp cách ly bắt buộc đối với những người mắc COVID-19 kể từ ngày 1/5 tới. Ông Lauterbach cho biết việc cách ly vẫn được khuyến khích, nhưng không bắt buộc và từ tháng tới, biện pháp này sẽ được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.
Theo Bộ Y tế Đức, hiện số ca mắc COVID-19 ở nước này vẫn ở mức cao, nhưng hầu hết các trường hợp được báo cáo là nhẹ và các bệnh viện hiện đều không bị quá tải. Do đó, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã bãi bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế để chống dịch bệnh và yêu cầu đeo khẩu trang trong các cửa hàng hoặc trường học cũng không còn bị bắt buộc.
Tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 6/4 là 96.742.915 trường hợp, trong đó có 1.444.971 ca tử vong. Hiện Mỹ vẫn là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 81.887.957 ca nhiễm và 1.009.094 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại.
Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 141.691.855 trường hợp, với 1.406.521 ca tử vong và 121.729.287 ca điều trị khỏi.
Tại Singapore, sau 2 năm tạm dừng do đại dịch COVID-19, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí về đêm ở nước này sẽ được phép mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 19/4, với các biện pháp an toàn phòng dịch được áp dụng.
Ngày 5/4, Tập đoàn sản xuất thép POSCO của Hàn Quốc cho biết phần lớn nhân viên của công ty này đã quay lại văn phòng làm việc kể từ ngày 1/4 vừa qua. Đây là một trong những doanh nghiệp lớn đầu tiên của Hàn Quốc triển khai kế hoạch cho phép nhân viên quay lại văn phòng làm việc. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang xem xét dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội và tìm cách sống chung an toàn với COVID-19 khi số ca nhiễm đang giảm dần.
Trong 24 giờ qua, châu Phi có thêm 1.945 ca nhiễm mới và 18 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tính tới sáng 6/4 lần lượt là 11.771.754 và 252.960 trường hợp. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.725.177 ca nhiễm COVID-19 và 100.067 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 72.558 ca nhiễm COVID-19, trong đó riêng Australia chiếm tới 58.178 ca. Hiện khu vực này có tổng số 5.778.728 trường hợp ca mắc COVID-19, với 9.427 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 4.785.679 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 717.650 ca./.