Nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ Nga – phương Tây
|
Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga tại thủ đô Moscow - Ảnh chụp màn hình Tass |
Bộ Ngoại giao Nga ngày 18/5 thông báo trục xuất 85 nhà ngoại giao châu Âu nhằm đáp trả việc phương Tây trục xuất các nhà ngoại giao Nga trước đó.
Theo Hãng thông tấn Tass của Nga, 27 người thuộc Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Moscow và Tổng lãnh sự quán Tây Ban Nha tại thành phố Saint Petersburg có thời gian 1 tuần để rời khỏi Nga. Cùng ngày, Nga thông báo 24 người thuộc Đại sứ quán Italia tại Moscow sẽ phải rời khỏi nước này, trong khi 34 nhà ngoại giao Pháp cũng bị Nga đưa vào danh sách "nhân vật không được hoan nghênh" và phải rời Nga trong thời gian Moscow quy định.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2, các nước phương Tây đã trục xuất hơn 300 nhà ngoại giao Nga. Moscow cũng trục xuất các nhà ngoại giao châu Âu với số lượng tương đương như một hành động trả đũa.
Trước đó, ngày 17/5, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra thông báo về việc chính thức rút khỏi Hội đồng các quốc gia Biển Baltic (CBSS), trong bối cảnh quan hệ Moscow và phương Tây liên tiếp bị kéo căng liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine.Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, để đáp lại những hành động thù địch, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã gửi thông báo tới bộ trưởng các nước thành viên CBSS, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell, cũng như Ban thư ký của Hội đồng ở Stockholm về việc rút khỏi tổ chức. Thông báo trên khẳng định, Quốc hội Nga cũng đã thông qua quyết định rút khỏi Hội nghị Nghị viện Biển Baltic. Bộ Ngoại giao Nga tin tưởng rằng quyết định trên sẽ không ảnh hưởng đến sự hiện diện của nước này trong khu vực Baltic.
Liên hợp quốc hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
|
Đồng euro tại ngân hàng ở Heidelberg (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Liên hợp quốc ngày 18/5 đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 từ 4% xuống 3,1% vì cho rằng cuộc chiến ở Ukraine đã làm tăng giá thực phẩm và hàng hóa toàn cầu và gia tăng sức ép lạm phát, đồng thời ảnh hưởng tới khả năng phục hồi sau đại dịch.
Báo cáo Tình hình kinh tế thế giới và Triển vọng của Liên hợp quốc cho biết, sự sụt giảm trong triển vọng tăng trưởng được dựa trên tình hình của các nền kinh tế lớn nhất thế giới bao gồm: Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu cũng như phần lớn các nước phát triển khác và các nước đang phát triển.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể còn nguy cơ tiếp tục giảm nếu cuộc chiến ở Ukraine gia tăng cũng như xuất hiện các làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới. Theo báo cáo này, tăng trưởng kinh tế chậm và cuộc chiến ở Ukraine vốn đang khiến giá thực phẩm và phân bón gia tăng sẽ ảnh hưởng nặng nề tới các nước đang phát triển, gia tăng tỷ lệ nghèo và mất an ninh lương thực.
Theo Liên hợp quốc, nền kinh tế của Liên minh châu Âu dự kiến sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2022, giảm 3,9% so với mức dự báo trong tháng 1. Kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2022 và 1,8% trong năm 2023, giảm đáng kể so với mức dự báo trong tháng 1 với nguyên nhân chủ yếu do lạm phát cao kéo dài, các biện pháp siết chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang và cuộc chiến ở Ukraine. Trung Quốc dự kiến sẽ có mức tăng trưởng kinh tế 4,5% trong năm 2022, giảm từ 8,1% trong năm 2021. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển được dự báo sẽ tăng 4,1% trong năm nay, giảm từ 6,7% trong năm 2021.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định, cuộc chiến ở Ukraine đang gây ra một cuộc khủng hoảng tàn phá thị trường năng lượng toàn cầu, làm gián đoạn các hệ thống tài chính và gia tăng sự dễ bị tổn thương của các nước đang phát triển. Ông Guterres kêu gọi hành động nhanh và quyết đoán nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm và năng lượng ổn định cho các thị trường mở và làm được điều này cần phải dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu và giải phóng các kho dự trữ cho các nước đang cần.
Hàn Quốc và Mỹ nhất trí thúc đẩy liên minh chiến lược toàn diện toàn cầu
|
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (phải) và người đồng cấp Mỹ J.Biden tham dự một cuộc họp báo chung tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ở Thủ đô Seoul, ngày 21/5/2022. (Ảnh: Yonhap) |
Ngày 21/5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại thủ đô Seoul. Tại hội nghị, hai tổng thống đã thảo luận sâu rộng nhiều vấn đề chiến lược song phương và quốc tế, trong đó có việc tăng cường toàn diện liên minh Hàn – Mỹ, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh, kinh tế và công nghệ cao, bao gồm cả đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu, vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, thách thức an ninh sau các vụ thử tên lửa của gần đây của Bình Nhưỡng. Hai nhà lãnh đạo nhận định liên minh Hàn Quốc-Mỹ đã phát triển thành một mối quan hệ chiến lược sâu sắc và toàn diện, phát triển vượt ra ngoài phạm vi Bán đảo Triều Tiên, phản ánh vai trò quan trọng của cả hai nước với tư cách là các nước hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như kinh tế và công nghệ.
Tại hội nghị, Tổng thống Yoon Seok-yeol nhấn mạnh "liên minh Hàn-Mỹ phải được phát triển phù hợp với kỷ nguyên an ninh kinh tế." Theo ông, trong bối cảnh an ninh và kinh tế có quan hệ chặt chẽ với nhau, những thay đổi trong trật tự thương mại quốc tế và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân. Hội nghị thượng đỉnh lần này là cơ hội rất hữu ích để lãnh đạo hai nước thảo luận về cách thức tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh cũng như trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế.
Về phần mình, Tổng thống Biden cho rằng thông qua chuyến thăm Hàn Quốc lần này, mối quan hệ đồng hành Hàn-Mỹ sẽ được nâng lên một tầm cao mới. Ông khẳng định trong nhiều thập kỷ, liên minh Mỹ-Hàn Quốc đã đóng góp vào sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực và giờ đây hai nước đang cùng nhau ứng phó với những thách thức mới.
Trước đó, ngày 20/5, ông Biden đã đến Hàn Quốc trong chuyến thăm đầu tiên đến nước này kể từ khi lên làm Tổng thống Mỹ và khoảng 10 ngày sau khi ông Yoon lên nắm chính quyền. Sau Hàn Quốc, dự kiến Tổng thống Mỹ sẽ tới Tokyo chiều 22/5 trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản.
Các nước G7 thành lập liên minh vì an ninh lương thực toàn cầu
|
Ảnh: Getty Images |
Trong hai ngày 18 và 19/5, tại thủ đô Berlin (Đức), các bộ trưởng phát triển của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhóm họp để thảo luận về các biện pháp ứng phó với những thách thức toàn cầu hiện nay như khủng hoảng lương thực, tái thiết Ukraine, biến đổi khí hậu, chính sách bình đẳng giới, các biện pháp vượt qua đại dịch COVID-19 cũng như chính sách phát triển chung.
Kết thúc hội nghị, các bộ trưởng phát triển G7 đã quyết định thành lập liên minh vì an ninh lương thực toàn cầu nhằm hỗ trợ thế giới chống lại cuộc khủng hoảng lương thực đang rình rập. Sau khi liên minh lương thực được thành lập, G7 cho hay sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác khác để mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của liên minh nhằm ứng phó một cách nhanh chóng, hiệu quả và bền vững đối với cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay.
G7 cam kết tuân thủ hệ thống đa phương dựa trên luật lệ, tăng cường hợp tác quốc tế, không bỏ sót ai lại phía sau; tái khẳng định các cam kết hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) tương ứng cũng như cam kết đảo ngược xu hướng giảm ODA cho các nước kém phát triển nhất, hướng tới mục tiêu hỗ trợ ODA tốt hơn. G7 cũng thể hiện sự lo ngại đặc biệt về tác động toàn cầu của cuộc chiến tại Ukraine, cho rằng cuộc chiến có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu và các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn cầu.
Quyết định thành lập liên minh an ninh lương thực toàn cầu được G7 đưa ra trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu đang đối mặt với những thách thức chồng chất từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, sau hai năm ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 cũng như tác động kéo dài từ tình trạng nóng lên của trái đất. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, trong vòng 2 năm qua, số người rơi vào cảnh mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng gấp đôi - từ 135 triệu người hồi trước đại dịch lên 276 triệu người tới thời điểm hiện nay. Hơn 500.000 người đang sống trong điều kiện đói kém, tăng hơn 500% kể từ năm 2016.
WMO cảnh báo 4 chỉ số biến đổi khí hậu đều lên mức cao kỷ lục mới
|
Khí thải bốc lên từ một nhà máy điện than ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 18/5, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã cảnh báo bốn chỉ số biến đổi khí hậu chính bao gồm nồng độ khí nhà kính, mực nước biển dâng, nhiệt độ đại dương và axit hóa đại dương đều lên các mức kỷ lục mới vào năm 2021.
Đây là những dấu hiệu rõ ràng nữa cho thấy các hoạt động của con người đang gây ra những thay đổi trên đất, trong đại dương và trong khí quyển trên quy mô toàn cầu với những tác động có hại và lâu dài đối với sự phát triển bền vững và các hệ sinh thái.
Báo cáo "Tình trạng Khí hậu toàn cầu năm 2021" của WMO xác nhận rằng 7 năm qua là 7 năm ấm nhất được ghi nhận. Năm 2021 “chỉ” là một trong 7 thời điểm ấm nhất do sự kiện La Nina diễn ra vào đầu và cuối năm. Điều này có tác dụng làm mát tạm thời nhưng không đảo ngược xu hướng tăng nhiệt độ chung.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2021 cao hơn khoảng 1,11 độ C so với mức trước công nghiệp.
Báo cáo "Tình trạng Khí hậu toàn cầu năm 2021" của WMO bổ sung cho báo cáo Đánh giá lần thứ sáu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Báo cáo sẽ được sử dụng làm tài liệu chính thức tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) sẽ diễn ra tại Ai Cập vào cuối năm nay./.