Những điểm nhấn trong Thông điệp Liên bang 2015 của Tổng thống Nga V. Putin

Thứ bảy, 05/12/2015 12:00
(ĐCSVN) - Với những điểm nhấn quan trọng, Thông điệp Liên bang năm 2015 của Tổng thống Nga V. Putin đã tạo lên sự khác biệt so với những Thông điệp trước đó.

Sự căng thẳng giữa Nga–Thổ Nhĩ Kỳ

Ngay đầu bản thông điệp, Tổng thống Putin đã đề cập đến vấn đề sự căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Putin cáo buộc nước này tiếp tay cho hoạt động buôn lậu dầu mỏ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Ông Putin nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ đã nhét đầy túi và cho phép các phần tử khủng bố kiếm tiền bằng cách bán dầu mỏ đánh cắp của Syria. Với số tiền thu được này, những kẻ khủng bố tuyển mộ thêm các tay súng, mua vũ khí và tiến hành các vụ tấn công khủng bố tàn bạo nhằm người dân Nga, Pháp, Liban, Mali và nhiều nước khác”.

Tổng thống Nga cũng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ cố tình bắn hạ máy bay Su-24 của Nga tại biên giới Syria, cho rằng đây là hành động “bắn vào lưng các phi công Nga” sau đó biện bạch cho hành động của mình và che giấu tội ác của khủng bố. Nước Nga sẽ có những phản ứng thích hợp song sẽ không đe dọa bằng sức mạnh.

Về vấn đề chống IS, Tổng thống Putin khẳng định một nước đơn độc không thể chiến thắng khủng bố quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh biên giới giữa các nước gần như được mở và thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại châu Âu.

Ông Putin nhấn mạnh rằng, cuộc chiến chống khủng bố là cuộc đấu tranh vì tự do, sự thật và công bằng, vì cuộc sống con người và tương lai của nhân loại. Nhưng theo ông, cuộc chiến chống khủng bố hiện nay càng khó khăn hơn khi các nhóm này được cung cấp nguồn lực tài chính.

Được biết hồi cuối năm 2013, trong chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên đã giải quyết những bất đồng xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, Syria; nâng kim ngạch thương mại từ 33 tỷ USD lên 100 tỷ USD vào năm 2020.

Dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” thay thế “Dòng chảy phương Nam” cũng đã thỏa thuận. Hạn chót cho việc hoàn thành là tháng 12/2016 với công suất vận hành là 63 tỷ mét khối khí, trong đó có 50 tỷ mét khối được trung chuyển qua Ipsala để xuất khẩu tiếp vào EU.

“Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” được xem là một biểu tượng trong mối quan hệ mới, đang phát triển giữa Ankara và Moscow tại thời điểm mà cả hai nước đang có mối quan hệ lạnh nhạt với phương Tây.

Giới phân tích cho rằng, vụ bắn hạ máy bay chiến đấu Nga Su-24 của Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho sự thiệt hại về cả kinh tế - chính trị của hai bên là rất lớn, vì Thổ Nhĩ kỳ là một trong những thành viên NATO đang khó khăn về kinh tế, năng lượng lại được Nga cung cấp công cụ để chủ động bảo đảm an ninh, còn Nga thì mất đi đối tác “thân thiết” ngay trong lòng NATO.

Tìm lại vị thế ở phía Tây, tăng cường hợp tác phía Đông

Thông điệp Liên bang cũng cho biết, Nga đang bất đồng gay gắt với phương Tây trong các vấn đề chủ chốt như: Khủng hoảng ở Ukraine, cuộc chiến chống IS ở Syria, việc NATO “Đông tiến” tìm cách kết nạp các nước thành viên phía Đông, đưa lực lượng đến sát biên giới Nga... 

Tuy nhiên, theo giới quan sát, Nga đã và đang tìm lại vị thế của mình, thông qua việc “ra đòn” tấn công IS với hiệu quả bất ngờ khiến Mỹ và phương Tây buộc phải quan tâm, từ sự lạnh nhạt ban đầu nay Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng cấp Mỹ Kerry (4/11) đã trao đổi cách thức chống IS để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria.

Trước đó, một phái đoàn CIA cũng đã thực hiện chuyến thăm Moscow để hội đàm với đại diện SVR về vấn đề hợp tác giữa 2 nước. “Tổng thống Obama cũng nhận thấy các cuộc đàm phán giữa quân đội 2 nước là một bước đi quan trọng”. Các nước khác như Pháp, Anh, Đức… cũng đang tìm phương thức phối hợp với Nga trong cuộc chiến chống IS.

Về kinh tế, ông Putin khẳng định Nga muốn hợp tác rộng rãi với các đối tác nước ngoài, hoan nghênh các nhà đầu tư. Ông cho rằng cần cải thiện năng lực cạnh tranh của tuyến đường biển phía Bắc và phục hồi kinh tế-xã hội ở khu vực Viễn Đông.

Tổng thống Putin khẳng định, ông ủng hộ sự hợp tác giữa Liên minh kinh tế Á- Âu (EAES), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ông Putin đánh giá cao các tổ chức hợp tác nêu trên vì ba tổ chức này đã chiếm 30% kinh tế thế giới về sức mua và ba khối này sẽ tạo ra những cơ hội mới để tăng xuất khẩu lương thực, năng lượng, các sản phẩm và dịch vụ khác sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD).

Theo Tổng thống Nga, giai đoạn hợp tác ban đầu có thể tập trung vào vấn đề bảo vệ vốn, tối ưu hóa quy trình lưu thông hàng hóa qua biên giới, cùng nhau xây dựng các tiêu chuẩn cho sản phẩm công nghệ cao và cùng nhau mở cửa thị trường dịch vụ và thị trường vốn.

Ông Putin khẳng định hợp tác theo hướng này sẽ mở ra những cơ hội mới cho Nga xuất khẩu sang khu vực CA-TBD thực phẩm, điện năng, vật liệu xây dựng, dịch vụ giáo dục, y tế và du lịch, cho phép Nga đóng vai trò đi đầu trên các thị trường công nghệ mới, cũng như hướng các dòng thương mại lớn toàn cầu sang Nga.

Kinh tế có khó khăn, nhưng xu hướng tích cực đang xuất hiện

Về tình hình kinh tế, Tổng thống Putin thừa nhận khó khăn hiện nay của nền kinh tế Nga, nhưng cho rằng tình hình không quá nguy kịch và vẫn có những xu hướng tích cực như: lạm phát, đồng nội tệ ổn định, sản xuất công nghiệp đang phát triển mạnh.

Theo ông Putin, giá dầu nguyên liệu thô sẽ ở mức thấp trong một thời gian dài và giải pháp là không nên bỏ qua những cơ hội mới, như hình thành khối thương mại mới, cũng như chú trọng tới những công nghệ tiên tiến.

Ông khẳng định Nga cần đi đầu về kinh tế, công nghệ và các lĩnh vực khác. Tổng thống Nga cho biết ngân sách liên bang năm 2016 sẽ không thâm hụt quá 3% GDP ngay cả khi nguồn thu giảm xuống dưới mức mong đợi.

Ông Putin kêu gọi các doanh nghiệp Nga cần nâng cao chất lượng hàng hóa để xuất khẩu. Vì cách đây 10 năm Nga là nước nhập khẩu nông sản, nhưng nay Nga đã trở thành nước xuất khẩu với kim ngạch đạt 20 tỷ USD năm 2014. Ông đặt mục tiêu đến năm 2020, Nga hoàn toàn đảm bảo tự túc về lương thực, thực phẩm.

Tổng thống Nga cũng cho rằng kinh tế Nga đang gặp khó khăn, thiếu vốn đầu tư trong khi giá dầu - nguồn thu ngân sách chính, ở mức thấp, nước Nga bị phương Tây bao vây cấm vận, nạn tham nhũng vẫn còn. Trong khi đó, nước Nga sẽ bước vào cuộc bầu cử Hạ viện vào năm 2016 và tiếp theo đó là cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2018.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Alexei Vedev cho biết dự báo trong quý IV/2015, GDP của Nga sẽ tăng so với cùng kỳ năm trước. Còn theo cơ quan thống kê Rosstat, sản lượng công nghiệp của Nga tháng 9 tăng 3,4% so với tháng trước, sự cải thiện có thể thấy rõ trong ngành công nghiệp chế biến trong tháng 8 và tháng 9.

Như vậy, Thông điệp Liên bang của Tổng thống Nga là văn kiện cơ sở, tổng kết một năm đồng thời đưa ra các đường hướng chính cho đất nước trước mắt và lâu dài. Bức thông điệp liên bang năm nay diễn ra trong bối cảnh nước Nga đang phải đối mặt với nhiều thử thách to lớn.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, qua bản Thông điệp Liên bang 2015 của Tổng thống Nga người ta vẫn thấy toát lên bản sắc và sức mạnh Nga, đang tìm cách vươn lên lấy lại vị thế của mình đã bị mất kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ vào năm 1991./.

Nguyễn Nhâm

 


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực