Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc bản thông điệp liên bang trước Quốc hội ngày 13/1/2016 (Ảnh: AFP)
Vào thời điểm một năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ, bản thông điệp cuối cùng vừa được Tổng thống thứ 44 của Mỹ đưa ra với giai điệu lạc quan, tin tưởng về một tương lai tươi sáng của quốc gia này.
Trong thông điệp liên bang năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama không trực tiếp nhắc tới tên của các ứng viên đảng Cộng hòa đang chạy đua vào Nhà Trắng, song vẫn dễ dàng nhận ra “bóng dáng” của ứng viên đang dẫn đầu của đảng Cộng hòa Donald Trump, hay các Thượng Nghị sỹ Marco Rubio và Ted Cruz.
Nền kinh tế Mỹ không hề suy giảm
Kinh tế chắc chắn là điểm tích cực nhất của chính quyền Obama. Nếu như ông Donald Trump cũng như các thành viên của đảng Cộng hòa đánh giá rằng nước Mỹ đang ở trong “một quả bong bóng sẵn sàng nổ bất cứ lúc nào” thì Tổng thống Mỹ lại nhấn mạnh kết quả đáng khích lệ khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong lịch sử và ngành công nghiệp ô tô phục hồi trở lại.
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng đồng thời dẫn chứng năm 2014 và 2015 là hai năm tăng trưởng khả quan nhất của thị trường việc làm ở Mỹ kể từ những năm 1990. Trong vòng 70 tháng qua, kinh tế Mỹ đã tạo thêm 14,1 triệu việc làm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp xuống 5%, mức thấp nhất kể từ hơn 7 năm qua. Ngoài ra, nền công nghiệp ô tô cũng ghi nhận một năm thành công nhất. Công nghiệp chế tạo máy đã tạo ra gần 900.000 việc làm trong 6 năm qua. Và nước Mỹ đã đạt được tất cả những thành tựu trên trong khi vẫn cắt giảm được gần 3/4 lượng thâm hụt ngân sách.
“Tôi đã nói với các vị rằng rất cả các ý kiến thảo luận về sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ là một ảo tưởng chính trị (…) Mỹ là dân tộc mạnh nhất trên thế giới” – ông Obama cho biết. “Trong 7 năm qua, mục tiêu của chúng ta là một nền kinh tế phát triển và có lợi hơn cho tất cả mọi người. Chúng ta đã có những bước tiến nhất định trong việc đạt được mục tiêu ấy” – Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng cam kết thúc đẩy các nỗ lực phát triển năng lượng sạch để bảo đảm nền kinh tế lớn nhất thế giới không còn phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm.
Những vấn đề an sinh xã hội của người dân Mỹ
Trong thông điệp cuối cùng trên cương vị Tổng thống, ông Obama đã công bố một "nỗ lực quốc gia" mới chống lại bệnh ung thư, đặt tên là Joe Biden, Phó Tổng thống đương nhiệm đã mất một đứa con trai vì căn bệnh này vào ngày 30/5/2015. “Tối nay, tôi công bố một nỗ lực quốc gia mới để làm điều phải làm (chống lại bệnh ung thư). Vì những người rất quý giá với chúng ta và chúng ta đã mất đi, vì những gia đình mà chúng ta vẫn có thể cứu sống, hãy khiến Mỹ trở thành quốc gia tận diệt bệnh ung thư một lần và cho tất cả" – ông Obama kêu gọi.
Về vấn đề giáo dục, Tổng thống Barack Obama kêu gọi cắt giảm học phí cho sinh viên và miễn học phí cho các học viên trường cộng đồng. Ông cho biết tiếp tục nỗ lực để đấu tranh cho vấn đề này trong năm nay nhằm bảo đảm mọi người dân Mỹ đều có thể đến trường.
Ngoài ra, theo người đứng đầu Nhà Trắng, “một nền giáo dục phát triển không phải là tất cả những gì chúng ta cần trong nền kinh tế hiện nay”. Nước Mỹ “còn cần những lợi ích, sự bảo vệ, như một hình thức đảm bảo cơ bản cho tương lai”. Phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Mỹ nêu bật những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực y tế, trong đó ông Barack Obama nhấn mạnh tầm quan trọng của Bảo hiểm Xã hội và Medicare cũng như yêu cầu cải thiện hai hệ thống này trong thời gian tới.
Tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng không phải là “mối đe dọa hiện hữu”
Về cuộc chiến chống khủng bố, Tổng thống Mỹ cho rằng những phần tử khủng bố của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng là "những kẻ giết người và cuồng tín" và chắc chắn chúng sẽ bị truy lùng và tiêu diệt. Tuy nhiên, ông Obama đánh giá IS không phải là mối đe dọa đối với sự tồn tại của nước Mỹ; đồng thời lên tiếng phê phán ý kiến của các nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng chiến dịch chống IS là một cuộc chiến dân sự. Theo Tổng thống Obama, ưu tiên số một của Mỹ là bảo vệ người dân trước mối đe dọa của các mạng lưới khủng bố.
Tổng thống Obama nêu rõ Mỹ đang đứng đầu liên quân gồm 60 quốc gia tham gia cuộc chiến chống IS bằng cách cắt đứt nguồn tài chính, dập tắt mọi âm mưu, ngăn chặn các tay súng gia nhập và đập tan nhưng “tư tưởng nguy hiểm” của chúng thông qua hơn 10.000 cuộc không kích được tiến hành cho đến thời điểm này. Theo ông Obama, người dân Mỹ cần hiểu rằng dù Quốc hội có hành động hay không thì IS vẫn sẽ học được bài học giống như những nhóm khủng bố trước từ Mỹ. “Nếu chúng nghi ngờ cam kết của nước Mỹ, hoặc của tôi về việc công lý được thực thi thế nào, hãy hỏi Osama bin Laden (trùm khủng bố al-Qaeda đã bị Mỹ tiêu diệt – PV)” – ông Obama tuyên bố.
Dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba và đóng cửa vĩnh viễn Guantanamo
Hơn một năm sau khi Mỹ bắt đầu bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba, một vài tháng sau khi hai nước mở lại Đại sứ quán tại thủ đô của họ, Tổng thống Obama tiếp tục đề cập trở lại các mối quan hệ vẫn chưa hoàn toàn thành công với đảo quốc Caribê. Phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Mỹ một lần nữa nhắc lại ý kiến về việc dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Cuba.
"50 năm cô lập Cuba đã không thành công trong việc thúc đẩy dân chủ và làm cho chúng ta trở lại châu Mỹ Latinh. Các bạn muốn tăng cường sự lãnh đạo và uy tín của chúng ta ở châu lục này? Hãy thừa nhận rằng cuộc chiến tranh lạnh đã kết thúc. Hãy dỡ bỏ cấm vận" – Tổng thống Mỹ kêu gọi. Kể từ nhiều tháng qua, các biện pháp dỡ bỏ cấm vận này bị cản trở bởi đa số thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội thù địch với thiện chí chia sẻ của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro.
Về một chủ đề khác có liên quan: nhà tù quân sự gây tranh cãi ở Guantanamo, mặc dù đã thông báo đóng cửa nhà tù này như cam kết hồi năm 2007 song Tổng thống Barack Obama vẫn chưa thể hoàn thành kế hoạch của mình. Trong bài phát biểu này, ông Obama cho biết đang nỗ lực để đóng cửa nhà tù Guantanamo gây tranh cãi: “Việc duy trì nhà tù này rất tốn kém, không cần thiết và chỉ phục vụ việc tuyển mộ các tay súng của những kẻ thù nước Mỹ”.
Hướng tới tương lai với 4 câu hỏi lớn
Theo Tổng thống Barack Obama, nước Mỹ đã có những thay đổi lớn sau khi vượt qua các cuộc chiến tranh và suy thoái kinh tế. Đặc biệt, người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh điều quan trọng là người Mỹ biết vượt qua sự sợ hãi. “Thời nào cũng có những kẻ nói về sự sợ hãi tương lai. Họ nói rằng chúng ta nên kìm hãm sự thay đổi và vẽ vời về việc lấy lại hào quang trong quá khứ nếu chúng ta chỉ có nhóm người nào đó, hay họ vẽ vời những ý tưởng sẽ đe dọa sự tự do của nước Mỹ” – Tổng thống Obama nhấn mạnh – “Nhưng lúc nào chúng ta cũng vượt qua những nỗi sợ hãi đó”.
Theo ông Barack Obama, "tương lai mà chúng ta mong muốn – những cơ hội kinh tế và an ninh cho gia đình chúng ta, điều kiện sống được cải thiện và một hành tinh có phát triển bền vững và hòa bình – tất cả điều này là có thể ", nhưng chỉ khi nước Mỹ “có thể quay trở lại các cuộc thảo luận mang tính xây dựng hợp lý”.
Về tương lai của nước Mỹ, thông điệp của Tổng thống Obama nhấn mạnh 4 câu hỏi lớn mà theo ông toàn nước Mỹ phải cùng nhau trả lời, bất kể vị Tổng thống kế tiếp là ai, hay đảng nào sẽ kiểm soát Quốc hội sau cuộc bầu cử tới. Đó là: Làm cách nào để trao cơ hội bình đẳng và một sự đảm bảo tài chính cho tất cả mọi người trong bối cảnh kinh tế mới hiện nay? Làm cách nào để có thể tận dụng công nghệ, thay vì để nó gây ảnh hưởng tiêu cực tới chính mình, nhất là trong việc giải quyết những thách thức cấp bách như biến đổi khí hậu? Làm cách nào để bảo đảm an toàn cho nước Mỹ, và nước Mỹ có thể dẫn dắt thế giới mà không trở thành "cảnh sát" của nhân loại? Làm cách nào để thay đổi phương cách chính trị nhằm thể hiện những gì tốt đẹp nhất của nước Mỹ, thay vì phơi bày ra những gì tồi tệ nhất?
Kết thúc thông điệp, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ tin tưởng vào tương lai nước Mỹ khi nhìn vào những người công nhân sẵn sàng làm tăng ca để phát triển công ty, hay các nhà khoa học không ngừng cống hiến, binh sỹ sẵn sàng làm tất cả để cứu giúp đồng đội, hay một phụ nữ trung niên xếp hàng chờ bỏ phiếu… “Đó là những người Mỹ mà tôi biết. Đó là đất nước mà chúng ta yêu quý. Điều này khiến tôi lạc quan vào tương lai của chúng ta. Bởi vì có các bạn. Tôi tin tưởng ở các bạn. Đó là lý do tại sao tôi đứng đây và tự tin rằng Thông điệp liên bang này đủ mạnh mẽ” – ông nêu rõ.
Ngoài ra, trong bản thông điệp liên bang, Tổng thống Obama cũng bày tỏ những tiếc nuối đối với một số vấn đề còn tồn tại trong những năm ông cầm quyền, đặc biệt là những mâu thuẫn và hoài nghi giữa các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ nỗ lực cải thiện mối quan hệ này trong thời gian còn tại nhiệm./.
Khánh Linh (Tổng hợp theo báo chí nước ngoài)