Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk (phải) và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (trái)
tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị tại Brussels. Ảnh: THX/TTXVN.
Từ quan điểm cứng rắn… Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Donald Tusk không ngừng chỉ trích Nga khi cho rằng, chiến lược của nước này đang làm suy yếu EU, đồng thời kêu gọi thống nhất quan điểm nội khối.
Ông Tusk nói: “Rõ ràng là chiến lược của Nga đang làm suy yếu EU. Gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga không phải là mục tiêu của chúng ta. Chúng ta chỉ đơn giản là đang phản ứng trước các bước đi của Nga. EU sẵn sàng cam kết đối thoại, song chúng ta không bao giờ thỏa hiệp các giá trị và nguyên tắc chung. Đó là lý do tại sao chúng ta phải duy trì lập trường và sự thống nhất”.
Khi ra Tuyên bố chung sau ngày họp đầu tiên, các nhà lãnh đạo EU nêu rõ: “EU kịch liệt chỉ trích các vụ không kích của Nga và Syria tại thành phố Aleppo, đồng thời kêu gọi các bên ngừng các hành động thù địch ngay lập tức. EU đang cân nhắc mọi khả năng nếu bạo lực tiếp diễn tại Syria”.
Anh, Pháp, Đức muốn có sức ép tối đa để Nga ngừng tấn công vào phiến quân ở Đông Aleppo. Họ tìm cách cô lập Nga về ngoại giao, ngay từ cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ở New York hồi tuần trước nữa và giờ đây, họ tiếp tục lên án các cuộc tấn công của Nga.
Còn Italy và Slovakia, hai nước Chủ tịch luân phiên tháng này của EU đều bày tỏ miễn cưỡng ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn đối với Nga về vấn đề Syria.
Đến không nên trừng phạt…
Theo giới quan sát, mặc dù các lãnh đạo EU đã có những tuyên bố mạnh mẽ chống Nga trong phiên họp đầu tiên (20/10), tuy nhiên, trong tuyên bố chung tuyệt nhiên không đả động đến vấn đề trừng phạt Nga, trái ngược hẳn với dự thảo tuyên bố được đưa ra trước đó.
Phát biểu trước báo giới sau Hội nghị, Thủ tướng Italy Renzi cho biết, Italy đã yêu cầu không đề cập đến các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nhằm vào Nga trong tuyên bố chung sau ngày họp đầu tiên.
Ông Renzi cho rằng: “Chúng ta nên làm tất cả những gì có thể để đạt được giải pháp hòa bình ở Syria, nhưng khó mà tưởng tượng rằng điều này liên quan đến việc trừng phạt Nga nhiều hơn”.
Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Áo Kern cho biết, không một nước thành viên nào đề nghị áp dụng trừng phạt Nga vì tình hình Syria. Trước đó, Thủ tướng Đức Merkel nói, EU sẽ tính đến biện pháp trừng phạt nếu Nga tiếp tục duy trì cường độ không kích ở Aleppo.
Theo giới phân tích, không giống như Mỹ, EU còn phụ thuộc rất nhiều vào Nga trong đó có lĩnh vực kinh tế, năng lượng. Theo giới chuyên gia, các lệnh trừng phạt đã khiến Nga thiệt hại hàng trăm tỷ USD, trong khi chính EU cũng phải chịu nhiều tổn thất hơn.
Chỉ tính riêng Hungary, do các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga và các biện pháp đáp trả của Nga đã khiến hoạt động thương mại giữa hai nước giảm gần 50% trong năm 2015. Vì thế, có khả năng EU sẽ quyết định làm mới các biện pháp trừng phạt Nga trong cuộc họp thượng đỉnh tiếp theo của khối này vào tháng cuối cùng của năm nay.
Và “bỏ ngỏ” sự lựa chọn…
Bất chấp tuyên bố được cho là định hướng dư luận về giải pháp trừng phạt Nga của ông Tusk, các nước thành viên EU vẫn không thể thống nhất quan điểm trong vấn đề trừng phạt Nga về vấn đề Syria.
Tổng thống Pháp Hollande đưa ra câu hỏi: “Liệu Nga có tiếp tục các cuộc không kích hay không, chúng tôi cũng chưa biết rõ. Chúng tôi vẫn chưa đưa ra được quyết định trừng phạt sau hội nghị. Phía Nga đã quyết định mở rộng lệnh ngừng bắn tại Syria. Do đó, chúng tôi vẫn đang cân nhắc các lựa chọn”.
Được biết, trước đó Nga đã ngừng ném bom Đông Aleppo 11 tiếng mỗi ngày trong 4 ngày liền để dân thường rút khỏi thành phố, đúng thời điểm Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels.
Trong lúc đó, hạm đội tàu chiến Nga chở máy bay ném bom đã lên đường dọc theo bờ biển phía Tây châu Âu tới Syria. NATO cho rằng, hoạt động này có thể nhằm tăng cường cuộc tấn công vào Aleppo và Tổng thư ký NATO đã bày tỏ sự lo ngại.
Thủ tướng Đức Merkel cũng cho rằng, việc trừng phạt vẫn còn để ngỏ. “Nếu Nga tăng cường ném bom như chúng ta đã thấy những ngày gần đây, lúc đó sẽ có lý do để chúng ta nghĩ sẽ làm gì tiếp theo”.
Chủ tịch EC, ông Tusk cho biết, EU để ngỏ mọi lựa chọn, trong đó có các biện pháp trừng phạt. Ông Hollande cũng có quan điểm tương tự khi tuyên bố: “Mọi lựa chọn đều để ngỏ một khi lệnh ngừng bắn không được tôn trọng”.
Thủ tướng Anh - bà Theresa May lần đầu tiên dự Hội nghị, bên cạnh việc trấn an các lãnh đạo EU rằng, hậu Brexit nước Anh vẫn là một “đối tác tin cậy và thân thiết” của EU, bà còn kêu gọi EU đoàn kết trong cách tiếp cận đối với tình hình tại Syria hiện nay.
Như vậy, vì lợi ích chiến lược thiết thân của mình, các nhà lãnh đạo EU đã có cách tiếp cận mới hơn, thay vì gia tăng trừng phạt Nga như trước đây. Nay họ có những bước đi thận trọng, mềm mỏng, nhằm hạn chế sự phân hóa nội khối, tăng cường sự đoàn kết để đối phó với những thách thức trên tinh thần độc lập, tự chủ hơn./.