Nước Anh trước cuộc trưng cầu dân ý

Thứ năm, 12/05/2016 16:35
(ĐCSVN) - Ngày 23/6 tới, cử tri Anh sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về sự “ra đi” hay “ởlại” Liên minh châu Âu (Brexit). Thời gian đang đi rất nhanh nhưng dường như người dân Anh vẫn chưa sẵn sàng cho bất kỳ phiên bản nào của kịch bản “Brexit”.


Ảnh minh họa của trang mạng masterinvestor.co.uk về cuộc trưng cầu dân ý sắp tới tại Anh.

Cuộc chạy đua giữa "ra đi" và "ở lại"

Ngay sau khi các cuộc bầu cử nghị viện xứ và địa phương kết thúc, các chiến dịch vận động “ra đi” hay “ở lại” Liên minh châu Âu tiếp tục “nóng” trở lại, nhất là trong chính giới Anh. Người đi đầu trong xu hướng ủng hộ nước Anh “ở lại” Liên minh châu Âu là Thủ tướng David Cameron. Trong bài phát biểu ngày 9/5, ông Cameron đã dẫn lại nhiều giai đoạn lịch sử để khẳng định rằng vận mệnh của nước Anh là gắn bó chặt chẽ với châu Âu và bỏ phiếu ở lại Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 tới là sự lựa chọn yêu nước.

Thủ tướng Anh nhấn mạnh rằng, lịch sử đã chứng minh nước Anh không thể đứng “ngoài lề” khi châu Âu đang lâm vào tình trạng bất ổn. Trong nhiều thập kỷ qua, Liên minh châu Âu đã giúp nhiều quốc gia hòa giải những khác biệt và bất đồng, vì vậy Anh cần có trách nhiệm cơ bản trong việc duy trì mục tiêu chung của châu Âu trong việc tránh để xảy ra xung đột giữa các nước thuộc liên minh 28 quốc gia thành viên này. Thủ tướng Cameron cũng nêu rõ, trong giai đoạn hậu Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, cố Thủ tướng Winston Churchill đã luôn cố gắng để đoàn kết châu Âu khi vận động mạnh mẽ Tây Âu cùng thúc đẩy thương mại tự do, lập nên các thiết chế bền vững để châu lục không bao giờ phải trải qua thảm cảnh đẫm máu đó nữa. Thủ tướng Cameron nhấn mạnh rằng, bất cứ khi nào quay lưng với châu Âu, nước Anh sớm hay muộn cũng hối tiếc về điều đó và việc trở lại luôn đi kèm với cái giá cao hơn. Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu sẽ gây rủi ro cho hòa bình thế giới. Mặc dù trên danh nghĩa, bài phát biểu nói trên của ông Cameron tập trung vào vấn đề an ninh quốc gia, nhưng ai cũng hiểu rằng thực chất đó là một phần của chiến dịch vận động mà ông theo đuổi bấy lâu nay.

Trong khi đó, Ủy ban Thượng viện Anh về Liên minh châu Âu cũng cảnh báo, không ai có thể khẳng định chắc chắn rằng tiến trình thương lượng về việc rút khỏi Liên minh châu Âu để bắt đầu một mối quan hệ mới sẽ mất bao lâu nếu Anh bỏ phiếu rời khỏi liên minh này. Tiến trình này có thể kéo dài nhiều năm, ví dụ như các thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu và các nước không phải thành viên Liên minh châu Âu mất trung bình từ 4 đến 9 năm để hoàn tất. Bên cạnh đó, việc xác định và giải quyết quyền lợi của khoảng 2 triệu công dân Anh đang sinh sống tại các nước Liên minh châu Âu, cũng như khoảng chừng đó công dân Liên minh châu Âu đang sinh sống tại Anh là một công việc hết sức phức tạp bởi nó "động chạm" đến nhiều vấn đề, từ quyền được cư trú, chăm sóc y tế, học hành, duy trì các khoản phúc lợi xã hội... cho tới các dự án nghiên cứu và hợp đồng xuyên biên giới.

Ở bên kia “chiến tuyến”, phe vận động “ra đi” khỏi Liên minh châu Âu cũng đang bước vào giai đoạn “tăng tốc”. Chia sẻ trên một chương trình của BBC, Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove bày tỏ hy vọng Anh sẽ rời khỏi thị trường chung châu Âu sau cuộc trưng cầu ý dân sắp tới, đồng thời bác bỏ những lý lẽ cho rằng Anh sẽ phải chịu thua thiệt khi thương lượng lại các thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, Thị trưởng London vừa mãn nhiệm và cũng là một nhân vật hàng đầu của phong trào vận động "ra đi", ông Boris Johnson cũng có riêng bài phát biểu của mình để bảo vệ lý do rời khỏi Liên minh châu Âu.

Nước Anh trước nguy cơ bị chia rẽ

Giới phân tích cho rằng, mặc dù bị phe đối lập phản đối gay gắt nhưng có vẻ như Thủ tướng David Cameron đang ít nhiều nắm lợi thế hơn, khi kế hoạch “ở lại” Liên minh châu Âu của ông nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo nhiều quốc gia và tổ chức lớn. Theo Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Alexander Vershbow, nếu viễn cảnh “Brexit” trở thành hiện thực sau khi cuộc trưng cầu dân ý kết thúc, thì NATO sẽ phải đối mặt với một thực tế đáng lo ngại. Ông Vershbow nhấn mạnh, việc hợp tác với một Liên minh châu Âu hùng mạnh và thống nhất giờ đây đóng vai trò ngày càng quan trọng. Bởi vậy, bất kỳ vấn đề nào gây ảnh hưởng tới tính thống nhất của Liên minh châu Âu đều khiến NATO quan ngại. Phó Tổng Thư ký NATO còn hy vọng Anh sẽ tiếp tục duy trì vị thế của một thành viên quân sự và chính trị “hết sức quan trọng” trong NATO như hiện nay.

Trước đó, Ủy viên phụ trách kinh tế và các vấn đề tài chính của Liên minh châu Âu, ông Pierre Moscovici bày tỏ mong muốn Anh sẽ “ở lại” Liên minh châu Âu bởi cả Anh và Liên minh châu Âu đều bị tổn thất trong trường hợp London rời khỏi "ngôi nhà chung".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu “chắc chắn sẽ kéo theo những hậu quả không thể lường trước đối với hợp tác của châu Âu”. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ tin tưởng người dân Anh sẽ đưa ra quyết định “hợp lý”, đồng thời khẳng định tất cả các nước Liên minh châu Âu đều mong muốn Anh ở lại “mái nhà chung”. Ông Juncker cũng nhắc lại giữa Anh và các nước thành viên khác trong Liên minh châu Âu đã đạt được “một thỏa thuận công bằng” về cải cách hồi tháng 2 vừa qua nhằm giữ Anh ở lại Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, quan điểm của người dân xứ sở sương mù về kịch bản “Brexit” nhìn chung đang ở mức cân bằng giữa “ra đi” và “ở lại”. Tờ “The Times” mới đây đã đăng tải kết quả cuộc thăm dò dư luận do chuyên trang khảo sát YouGov tiến hành, trong đó cho thấy 42% công dân Anh được hỏi cho biết họ ủng hộ việc nước này ở lại Liên minh châu Âu, trong khi 40% có quan điểm trái ngược. Số còn lại hoặc chưa đưa ra quyết định, hoặc không thể đưa ra quyết định của mình. Giới phân tích cho rằng, “thế trận” cân bằng trên sẽ khiến việc Anh “ra đi” hay “ở lại” Liên minh châu Âu vẫn là một ẩn số lớn, và mọi việc chỉ có thể được xác định sau ngày 23/6 tới.

Bên cạnh đó, tuy vấn đề “Brexit” chưa ngã ngũ, song đã có những tác động lớn đối với châu Âu. Bởi theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do hãng Ipsos-MORI thực hiện, có gần 50% số người được hỏi tại 8 nước thành viên Liên minh châu Âu (gồm Bỉ, Pháp, Đức, Hungary, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển) đã bày tỏ mong muốn có cơ hội được như các cử tri Anh, nghĩa là được tham gia bỏ phiếu về việc nước mình có nên tiếp tục ở lại Liên minh châu Âu hay không.

Người tổ chức cuộc thăm dò, ông Bobby Duffy cho biết, 45% trong số hơn 6.000 người tham gia cuộc khảo sát tại 8 nước trên đều bày tỏ mong muốn được bỏ lá phiếu riêng của mình, hơn 30% khẳng định sẽ lựa chọn giải pháp rời khỏi Liên minh châu Âu nếu có cơ hội. Hiện tỷ lệ cử tri có khả năng nói "có" với quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu khá cao tại Italy và Pháp, với mức lần lượt 48% và 41%. Chỉ có tại Ba Lan và Tây Ban Nha, tỷ lệ này tương đối thấp là 22% và 26%. Cuộc thăm dò cũng cho thấy, 49% số người được hỏi tại 8 nước đều cho rằng Anh sẽ quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới.

Dù kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 tới có như thế nào thì nhìn vào kết quả đó, người ta cũng có thể thấy được mức độ chia rẽ trong nội bộ nước Anh. Chính vấn đề đó mới để lại những hệ lụy lâu dài, khó giải./.

Tấn Vũ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực