Ổn định kinh tế - Chìa khóa cầm quyền của ông Shinzo Abe

Thứ hai, 06/11/2017 14:17
(ĐCSVN) - Ông Shinzo Abe đã được bầu lại làm Thủ tướng trong phiên họp đặc biệt ngày 1/11 vừa qua của Quốc hội Nhật Bản. Trở thành Thủ tướng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử chính trị Nhật Bản, ông Shinzo Abe sẽ có thêm một nhiệm kỳ để thực hiện chính sách Abenomics của mình.

Kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội Nhật Bản cho thấy, ông Abe nhận được 312 phiếu bầu tại Hạ viện (trên tổng số 465 ghế) và 150 phiếu bầu tại Thượng viện (trên tổng số 242 ghế), vượt xa các đối thủ còn lại và chính thức trở thành Thủ tướng Nhật Bản nhiệm kỳ mới.           

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Abe đã chỉ định các thành viên nội các và công bố một số nét cơ bản về các chính sách kinh tế và những định hướng đối nội, đối ngoại.

Kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế

Theo đánh giá của giới phân tích, ổn định kinh tế là yếu tố góp phần không nhỏ trong việc củng cố quyền lực của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ít nhất là cho đến năm 2021. Trong bối cảnh trên thế giới đang tồn tại nhiều vấn đề bất ổn như hiện nay thì chính sách cải tổ mang tên Abenomics được Thủ tướng Abe tiến hành trong 5 năm qua cũng đã và đang cho phép Nhật Bản duy trì ổn định về mặt kinh tế.

Chính sách Abenomics với “ba mũi tên” chủ trương sử dụng cùng lúc ngân sách nhà nước để bơm thêm tiền vào guồng máy kinh tế quốc gia, huy động Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) mở van tín dụng với hai dụng ý: phá giá đồng yen để kích thích xuất khẩu và đẩy giá hàng hóa, nhằm chặn đứng vòng luẩn quẩn của hiện tượng giảm phát. Tokyo muốn đẩy lạm phát lên mức 2%. Mũi tên thứ ba của chính sách này là nhằm cải tổ cơ cấu để giúp Nhật Bản tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời giải quyết núi nợ đã tương đương với gần 250% GDP.

Abenomics đã đem lại một số kết quả cụ thể trong 5 năm qua. Cung và cầu trên thị trường lao động Nhật Bản từ 2013 tới nay đang trong giai đoạn “cân đối” nhất tính từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Khi ông Abe trở lại cầm quyền năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật vốn đã rất thấp (6%) nay lại càng xuống thấp hơn, chỉ còn là 3,3%. Abenomics đã giúp Nhật Bản tạo thêm 3 triệu việc làm từ 2013 tới nay. Thành quả rõ rệt nhất của “hiệu ứng Abenomics” là chỉ số công nghiệp của Nhật Bản đã tăng hơn 5% riêng trong tháng 8/2017. Trên thị trường tài chính, cổ phiếu của các tập đoàn Nhật tăng đều đặn trong lúc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục áp dụng chính sách “tiền rẻ” để khuyến khích tiêu thụ và đầu tư. Bên cạnh đó, Nhật Bản đã bắt đầu thoát khỏi vòng luẩn quẩn của hiện tượng giảm phát đã kéo dài suốt hơn 2 thập niên qua. Chỉ số giá cả tại Nhật Bản không còn ở số âm, và từ 2014 tới nay, các chính trị gia ở Tokyo đã sử dụng lại cụm từ “lạm phát” khi giá cả trung bình tăng từ 0,1-0,7% một năm.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng những thành quả mà Nhật Bản có được còn “rất mong manh” bởi sau 5 năm chính sách Abenomics mới chỉ đẩy chỉ số giá cả lên được có 0,7%. Trên bình diện xã hội, Thủ tướng Abe chưa xóa bỏ được những bất bình đẳng và tình trạng bấp bênh của một phần dân số Nhật Bản. Mức lương trung bình tại Nhật Bản không được tăng thêm kể từ 15 năm qua. Do vậy, có thể khẳng định ổn định kinh tế tiếp tục là mục tiêu quan trọng và được đặt vào vị trí ưu tiên trong nhiệm kỳ mới của Thủ tướng Abe.

Sửa đổi Hiến pháp hòa bình

Việc được bầu lại làm Thủ tướng Nhật Bản, theo các nhà quan sát, sẽ thúc đẩy hơn nữa hy vọng của ông Abe về việc sửa đổi bản Hiến pháp hòa bình.

Trong bài phát biểu chào mừng Năm mới vào ngày 1/1/2014, Thủ tướng Abe từng tuyên bố Hiến pháp hòa bình soạn thảo sau Chiến tranh thế giới thứ 2 vốn hạn chế lực lượng quân sự nước này trong việc tự phòng vệ có thể sẽ được sửa đổi vào năm 2020. Ông Abe cho rằng sau 68 năm kể từ khi có hiệu lực, nay đã đến lúc Nhật Bản cần xem xét sửa đổi bản hiến pháp một cách sâu rộng để phù hợp với sự thay đổi của thời cuộc và nhằm khôi phục hoàn toàn vị thế cũng như đóng góp nhiều hơn của Nhật Bản cho hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Cam kết sửa đổi Hiến pháp hòa bình cũng được đặc biệt lưu ý trong bản cương lĩnh tranh cử 6 điểm cho cuộc bầu cử Hạ viện của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền tại Nhật Bản. Trong các nội dung được Đảng Dân chủ Tự do đề cập, nổi bật là bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi - vốn được Đảng Dân chủ Tự do đặt làm mục tiêu từ khi đảng này thành lập năm 1955. Để được thông qua, văn kiện này cần có được sự ủng hộ của 2/3 số nghị sĩ quốc hội cùng với đa số người dân trong một cuộc trưng cầu ý dân.

Đảng Dân chủ Tự do sẽ hướng mục tiêu tới việc xây dựng bản Dự thảo Hiến pháp lần đầu trên cơ sở các cuộc thảo luận cả trong và ngoài đảng với 4 điểm cụ thể, bao gồm các vấn đề liên quan tới bổ sung một nội dung đặc biệt về quy chế của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Mặc dù Lực lượng Phòng về Nhật Bản đang chịu sự điều chỉnh trực tiếp của đạo luật về tổ chức và hoạt động của lực lượng này, nhưng lại không được đề cập trong Điều 9 Hiến pháp, vốn đặt ra yêu cầu Nhật Bản từ bỏ chiến tranh, không duy trì trạng thái chiến tranh tiềm tàng. Ba nội dung còn lại đó là bản kế hoạch gây tranh cãi cho phép miễn một số điều trong Hiến pháp trong trường hợp đất nước lâm vào tình trạng khẩn cấp; đảm bảo giáo dục miễn phí; và tái sáp nhập một số khu vực bầu cử trong Hội đồng địa phương cũng như cho phép mọi tỉnh đều có ít nhất một đại diện tại các cơ quan lập pháp.

Song song với việc khởi động lại dự án cải cách hiến pháp, đặc biệt là Điều 9 của hiến pháp nhằm chính thức công nhận sự tồn tại của Lực lượng Phòng về Nhật Bản, Thủ tướng Abe đã tuyên bố tiếp tục tăng cường năng lực quân sự của Nhật Bản thông qua việc tăng ngân sách quốc phòng nhằm phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa và duy trì năng lực tấn công giới hạn.

Nỗ lực giữ vững ổn định đất nước

Các nhà quan sát cho rằng, trong lĩnh vực ngoại giao, Thủ tướng Abe sẽ nỗ lực giữ vững sự ổn định cho đất nước.

Sau 5 năm cầm quyền của nhiệm kỳ trước, Thủ tướng Abe chưa giải quyết được mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư vào năm 2012. Tới nay, lãnh đạo hai nước chưa có bất cứ chuyến thăm chính thức nào, bất chấp quan hệ về kinh tế giữa hai nước rất tốt đẹp. Trong nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Abe được dự đoán sẽ áp dụng chính sách xoa dịu nhằm nhận được sự ủng hộ lớn nhất có thể của Trung Quốc để gây sức ép lên Triều Tiên. Nếu hội đủ các điều kiện, mối quan hệ Trung-Nhật có thể sẽ là trọng tâm chi phối nhiệm kỳ mới này của Thủ tướng Abe.

Trong quan hệ với Triều Tiên, dù hai bên đã đạt được thỏa thuận tích cực tại Hội nghị tư vấn liên chính phủ Nhật - Triều (tháng 5/2014) trong giải quyết vấn đề con tin người Nhật bị bắt cóc, tưởng chừng mở ra tương lai tươi sáng hơn trong quan hệ hai nước. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán sau đó bị bỏ dở, tiếp đó chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên càng làm cho triển vọng giải quyết vấn đề này càng mờ mịt. Theo giới phân tích, Thủ tướng Abe sẽ giữ đường lối cứng rắn trước Triều Tiên, đồng thời cũng sẽ tiếp tục đề cập tới vấn đề các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc vào những năm 1970.

Quan hệ với Hàn Quốc cũng tồn tại nhiều vấn đề mà Thủ tướng Abe cần phải lưu tâm giải quyết xung quanh tranh cãi về chủ quyền tại quần đảo Takeshima mà Hàn Quốc gọi là Dokdo cũng như vấn đề "phụ nữ mua vui". Bên cạnh đó, Thủ tướng Abe được cho là sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác với đồng minh Mỹ cũng như các đối tác chiến lược như Australia, Ấn Độ, một số nước Đông Nam Á và châu Âu như Pháp./.

Tấn Vũ (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực