(ĐCSVN) - Sáng 22/8, giao tranh dữ dội đã xảy ra gần tổng hành dinh của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi sau khi lực lượng đối lập tại nước này tuyên bố kiểm soát phần lớn thủ đô Tripoli. Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo quốc tế tiếp tục bày tỏ quan điểm trước những diễn biến mới nhất về tình hình chiến sự tại Libya.
|
Người dân ăn mừng khi phe đối lập tiến vào thủ đô Tripoli (Ảnh: AP) |
Tổng hành dinh của ông Gaddafi nằm trong khu Bab Al-Aziziyah. Đây cũng là nơi thường xuyên hứng chịu các đợt oanh kích của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kể từ khi khối quân sự này phát động chiến dịch tấn công Libya ngày 19/3 vừa qua, khiến đa số các tòa nhà trong khu vực đã bị phá hủy. Theo nguồn tin mới nhất, người ta đã chứng kiến một số xe tăng rời khỏi khu vực Bab Al-Aziziyah, nhưng chưa rõ của lực lượng nào.
Giao tranh bằng vũ khí hạng nặng và súng trường tự động cũng đã xảy ra ở khu vực phía Nam thủ đô vào lúc 4 giờ GMT (tức 13h00 theo giờ Việt Nam). Khoảng 30 phút sau, người ta tiếp tục nghe thấy tiếng súng gần khách sạn Rixos, nơi ở của rất đông phóng viên báo chí nước ngoài.
Phát biểu trên kênh truyền hình Al-Ahrar, một thủ lĩnh hàng đầu của lực lượng chống chính quyền khẳng định, giao tranh vẫn tiếp diễn tại thủ đô và chỉ trong vài giờ tới, lực lượng này sẽ hoàn toàn giành chiến thắng.
Trước những diễn biến chiến sự nhanh chóng tại Libya, đại diện một số quốc gia đã có các phản ứng khác nhau:
Ngày 21/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chế độ "bàn tay sắt" của nhà lãnh đạo Gaddafi đã tới hồi cáo chung và nhà lãnh đạo này cần từ bỏ quyền lực để tránh đổ máu thêm. Ông Obama kêu gọi lực lượng đối lập ở Libya dẫn dắt đất nước qua giai đoạn chuyển tiếp bằng cách tôn trọng quyền của người dân, hạn chế thương vong, bảo vệ các thể chế nhà nước, hướng tới một nền dân chủ công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton cũng tuyên bố, ông Gaddafi đã mất tính hợp pháp trong vai trò lãnh đạo đất nước và đã đến lúc ông này phải ra đi trong hòa bình và không trì hoãn.
Thủ tướng Australia Julia Gillard cũng kêu gọi nhà lãnh đạo Gaddafi từ chức và yêu cầu đưa ông ra trước tòa án quốc tế. “Tình hình tại Libya đang diễn biến rất nhanh, tuy nhiên, có một thực tế hiển nhiên rằng hiện phe đối lập đang hiện diện ở Tripoli…Rõ ràng rằng, phe nổi dậy hiện vẫn chưa đạt được mục tiêu cuối cùng của mình, song từ những thông tin trên các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể đưa ra nhận định rằng điều này sẽ sớm xảy ra…”, nhà lãnh đạo này tuyên bố.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Italia Franco Frattini nhấn mạnh: “Con đường duy nhất dành cho ông Gaddafi là đầu hàng”.
Thủ tướng Anh David Cameron đã cắt ngắn kỳ nghỉ hè ở Cornwall để trở về London dự một cuộc họp khẩn về tình hình Libya, dự kiến diễn ra vào 9 giờ GMT (16 giờ theo giờ Việt Nam) ngày 22/8. Theo nhận định của nhà lãnh đạo Anh, hiện ông Gaddafi đã ở bước đường cùng và “cần ra đi để tránh những tổn thất to lớn hơn đối với người dân Libya”.
Thủ tướng Đan Mạch Lars Loekke Rasmussen khẳng định: “Cuộc chiến giành tự do của nhân dân Libya đã đi tới hồi quyết định”.
Trong khi đó, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton cũng bày tỏ: “Chúng ta đang được chứng kiến những giờ phút cuối cùng của chính quyền Gaddafi. Tôi kêu gọi ông Gaddafi từ chức không trì hoãn và tránh tiếp tục đổ máu. Tôi kêu gọi Hội đồng chuyển giao dân tộc (NTC) và các lực lượng đối lập tại Libya đảm bảo an ninh cho dân thường, tôn trọng quyền con người và các quy định về nhân đạo cũng như hành động có trách nhiệm nhằm duy trì hòa bình và ổn định trên toàn lãnh thổ Libya”.
Đưa ra phản ứng trước những diễn biến mới nhất về tình hình chiến sự Libya, Tổng thư ký NATO Ander Fogh Rasmussen khẳng định: “Nhân dân Libya đã phải gánh chịu quá nhiều tổn thất trong suốt hơn 40 năm cầm quyền của ông Gaddafi. Hiện họ đang có cơ hội cho một sự khởi đầu mới. Giờ đã đến lúc tất cả mọi mối đe dọa chống lại dân thường phải dừng lại theo đúng như yêu cầu của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đã đến lúc tạo nên một Libya mói – một nhà nước dựa trên cơ sở của sự tự do, không sợ hãi, dân chủ, không độc tài…”.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc (Ma Zhaoxu) nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn lưu tâm đến diễn biến tình hình tại Libya. Trung Quốc tôn trọng sự lựa chọn của nhân dân Libya. Trung Quốc hy vọng rằng tình hình tại Libya sẽ ổn định trong thời gian sớm nhất có thể và cuộc sống của người dân quốc gia này sẽ sớm trở lại bình thường. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm đóng một vai trò tích cực trong công cuộc tái thiết trong tương lai tại Libya”.
Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez lên án phương Tây "tàn phá thủ đô Tripoli". “Ngày hôm nay, chúng ta được chứng kiến hình ảnh của những chính quyền dân chủ của châu Âu và Mỹ đang dội bom tàn phá thủ đô Tripoli. Tính đến ngày hôm nay, không biết đã có bao nhiêu quả bom được dội xuống một cách vô tội vạ…vào trường học, bệnh viện, nhà cửa, nơi làm việc, các nhà máy, các trang trại…Họ đang dùng bom phá hủy Tripoli…Chúng ta hãy cầu nguyện Chúa ban phước cho người dân Libya”, ông Chavez nói.
Về phần mình, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cũng chia sẻ quan điểm của người đồng cấp Venezuela khi lên án các vụ không kích của NATO nhằm vào Libya. /.