|
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống D.Trump tiến hành Hội nghị thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội, tháng 2/2019. (Ảnh: Doug Mills / Thời báo New York) |
Ngày 8/12, Triều Tiên tuyên bố, trước đó một ngày, nước này đã tiến hành một cuộc thử nghiệm “rất quan trọng” tại trạm phóng vệ tinh Sohae ở miền Tây Bắc. Điều đáng nói, đây là địa điểm từng diễn ra các vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa của Triều Tiên và cũng là nơi mà Bình Nhưỡng đã từng cam kết dỡ bỏ vào năm 2018. Theo quan điểm mà Triều Tiên đưa ra, thì vụ phóng thử này sẽ giúp thay đổi “vị trí chiến lược” của nước này trong một tương lai gần.
Bản tin đăng tải trên hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA không tiết lộ cụ thể nước này đã thử nghiệm thiết bị gì tại Sohae vào cuối tuần trước. Song việc Triều Tiên chủ động đưa ra thông báo về hoạt động tại Sohae là một diễn biến “ít có tiền lệ”, bởi trước đó, các động thái của Triều Tiên thường được Hàn Quốc hay Nhật Bản nắm bắt và đưa ra trước còn Bình Nhưỡng sẽ xác nhận theo sau.
Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury có trụ sở tại Monterey cho rằng những hình ảnh vệ tinh chụp ngày 7/12 tại bãi phóng Sohae đã cho thấy sự xuất hiện của một số vật thể giống như giống như xe chuyên chở. Trong khi đó, Giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân tại khu vực Đông Á thuộc Middlebury – ông Jeffrey Lewis lại nhận định về khả năng Triều Tiên có thể đã phóng thử một động cơ tên lửa. Một số chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên có thể đã phóng thử một động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, vốn được cho là mất ít thời gian để nạp nhiên liệu hơn là nhiên liệu lỏng và có thể nâng cao khả năng bí mật tấn công. Triều Tiên cũng được cho là đã cải thiện được tầm bắn tên lửa thông qua vụ thử nghiệm. Trong khi đó, cũng có thông tin cho rằng, vụ thử thiết bị do Triều Tiên thực hiện vào cuối tuần trước đã sử dụng nhiên liệu lỏng.
Bình luận về những thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo cho biết, các quan chức tình báo của Hàn Quốc đang phân tích chặt chẽ tình huống, dựa trên sự phối hợp với Mỹ và chưa thể xác nhận bất cứ chi tiết nào liên quan tới vụ việc này.
Chỉ vài giờ sau khi thông tin về vụ thử nghiệm thiết bị của Triều Tiên được phát đi, Tổng thống D.Trump đã đưa ra lời cảnh báo cứng rắn về những hành vi khiêu khích của Triều Tiên. Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un “rất thông minh và sẽ có quá nhiều điều để mất, thậm chí là tất cả, nếu như theo đuổi các hành vi thù địch”. Ông D.Trump nhắc lại lập trường rằng, dưới vai trò của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên đã trở thành một nước có tiềm năng kinh tế to lớn, song Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa như đã cam kết.
Mới đây, Tổng thống Mỹ cũng đã lặp lại lời cảnh báo về kịch bản sử dụng vũ lực chống lại Triều Tiên, sau khi Triều Tiên nhắc lại thời hạn chót là cuối năm nay đang tới gần và việc nhận được món quà Giáng sinh nào là điều phụ thuộc vào phía Mỹ.
Trả lời phỏng vấn hãng tin tức Fox News, ngày 8/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, quân đội Mỹ đã sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa. Quan chức này tin tưởng rằng Mỹ có thể ngay lập tức giành phần thắng trong một cuộc chiến tranh với Triều Tiên, song khẳng định rằng Mỹ luôn để ngỏ cánh cửa đối thoại.
Sau những tín hiệu nồng ấm ghi nhận được trong năm 2018, quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên đã trở nên lạnh nhạt sau sự đổ vỡ của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai diễn ra vào tháng 2/2019 do bất đồng chưa thể thu hẹp liên quan tới các nước phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và các biện pháp hồi đáp từ phía Mỹ.
Tháng 10/2019, Mỹ và Triều Tiên đã nối lại vòng đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên tại Thụy Điển song cũng không mang lại tiến triển, sau khi Triều Tiên cáo buộc Mỹ đã “tay trắng” tới bàn đàm phán.
Những diễn biến mới trong quan hệ Mỹ -Triều Tiên trong những ngày cuối cùng của năm 2019 đã khiến nhiều nhà phân tích lo ngại về khả năng tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ quay trở lại ngưỡng căng thẳng như năm 2017 trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng cũng có ý kiến cho rằng, Triều Tiên có thể sẽ không khiến cho tiến trình đối thoại trở nên phức tạp hơn bằng những hành động khiêu khích vội vàng bởi Triều Tiên nhận thức được các cơ hội ngoại giao từ chính sách đối ngoại của Tổng thống D.Trump và nỗ lực thúc đẩy hòa bình của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Những chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, trạng thái nguội lạnh trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên, đã một lần nữa trở thành phép thử đối với vai trò trung gian và ngoại giao của ông Moon Jae-in trước mục tiêu phi hạt nhân hóa và tái thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên./.