|
Chính phủ Pháp ngày 25/11 đã công bố lệnh nới lỏng phong tỏa do COVID-19 để mọi người dân có thể đoàn tụ gia đình khi mùa lễ hội đang tới gần. (Ảnh: Xinhua) |
Cụ thể, số liệu do trang web thống kê worldometers công bố sáng 26/11 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 576.828 ca mắc và 11.497 ca tử vong mới vì COVID-19. Toàn cầu có 41.925.150 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số 17.321.762 ca bệnh đang điều trị, có 17.218.127 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 103.635 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 218 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong những ngày qua, tình hình dịch bệnh tại Mỹ đã chuyển biến xấu hơn, với số ca mắc COVID-19 gia tăng nhanh chóng và hiện đã tiến tới 13.118.560 trường hợp, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 161.501 ca nhiễm và 2.117 ca tử vong vì dịch bệnh. Tình hình được dự báo là sẽ còn diễn biến nghiêm trọng nếu như các nhà chức trách không thực hiện các biện pháp phù hợp do nhu cầu đi lại của người dân đang gia tăng vào thời điểm ngày Lễ tạ ơn, Noel và năm mới… đang tới gần. Trong khi đó, tình hình tại Ấn Độ - vùng dịch lớn thứ 2 trên thế giới cũng không mấy khả quan hơn khi số ca nhiễm COVID-19 tại đây đang tiến sát tới con số hàng chục triệu. Các nước gồm Đức, Peru, Ba Lan… đang trên đà gia nhập các nước có triệu ca nhiễm COVID-19.
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 16.256.851 trường hợp, trong đó có 371.148 ca tử vong và 6.548.757 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 216.426 ca nhiễm và 5.469 ca tử vong mới vì COVID-19.
Trong 24 giờ qua, Bắc Mỹ ghi nhận thêm 178.224 ca nhiễm COVID-19 và 3.040 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 15.295.887 và 398.993 trường hợp.
Tính đến sáng 26/11, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 16.098.425 trường hợp, với 283.312 ca tử vong và 14.427.723 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.387.390 ca bệnh đang điều trị thì có 26.466 ca trong tình trạng nghiêm trọng.
Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 56.072 ca nhiễm và 903 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 10.855.649 trường hợp, với 320.146 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Argentina, Colombia, Peru… với lần lượt 6.166.898; 1.381.795; 1.270.991; 954.459… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 26/11, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 2.120.338 trường hợp, trong đó có 50.736 ca tử vong và 1.791.345 ca bình phục. Trong tổng số 278.257 ca đang điều trị, có 2.549 ca trong tình trạng nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 283 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 5 ca ở Australia; 266 ca ở French Polynesia; 8 ca ở New Zealand; 3 ca ở Fiji và 1 ca ở Wallis and Futuna. Hiện khu vực này ghi nhận 44.402 ca nhiễm và 1.011 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 27.854 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 13.783 ca.
|
Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn sàng các xe đông lạnh chuyên dụng chở vaccine cung cấp cho người dân. (Ảnh: Xinhua) |
Sự bùng phát chưa có điểm dừng của đại dịch COVID-19 trên quy mô toàn thế giới đã kéo theo một cuộc đua phát triển vaccine ngừa COVID-19 giữa các nước ở mức độ nhanh chóng được đánh giá là “chưa từng có tiền lệ”. Hiện vaccine của Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) và vaccine của Moderna (Mỹ), đều được phát triển bằng công nghệ RNA thông tin (mRNA), có hiệu quả thử nghiệm lần lượt là 95% và 94,5%, mở ra hi vọng chấm dứt đại dịch cho tới nay đã giết chết hơn 1,4 triệu người và tàn phá các nền kinh tế trên thế giới.
Cùng với những thông tin tích cực về điều chế vaccine chống COVID-19 được các hãng dược phẩm công bố, nhiều nước trên thế giới cũng đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị để sẵn sàng tiêm đại trà vaccine cho người dân.
Tại Mỹ, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar cho biết, nước này có thể bắt đầu phân phối các loại vaccine ngay sau ngày 10/12.
Tại Nga, Phó Thủ tướng Tatyana Golikova cho biết, nước này dự kiến triển khai một chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đại trà vào năm 2021, ưu tiên đội ngũ nhân viên y tế, giáo viên và những người có nguy cơ cao.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, nước này sẽ triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 sớm nhất là vào cuối năm nay và đầu năm tới, nếu nhà chức trách phê duyệt việc sử dụng vaccine. Nhóm người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có người lớn tuổi, sẽ được ưu tiên tiêm trước, song việc tiêm phòng sẽ không bắt buộc./.