Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Chủ nhật, 10/09/2017 20:43
(ĐCSVN) - Tổng thống Ai Cập thăm cấp nhà nước tới Việt Nam; Quan hệ Nga - Mỹ tiếp tục căng thẳng; Kết thúc Hội nghị cấp cao nhóm nước BRICS; Thủ tướng Anh Theresa May thăm chính thức Nhật Bản, nâng tầm quan hệ song phương... Siêu bão Irma đổ bộ Cuba; Động đất mạnh tại Mexico... là một số tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.

Tổng thống Cộng hòa Ả-rập Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi. Ảnh: TTXVN

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, từ ngày 6-7/9/2017,Tổng thống nước Cộng hòa Ả-rập Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi đã thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Ai Cập kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963. Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi có ý nghĩa lịch sử, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Ai Cập, giúp thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước trên các lĩnh vực. Chuyến thăm cũng là dịp để Lãnh đạo hai nước trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, trong đó đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh, nông nghiệp, văn hóa, du lịch...

Trong thời gian chuyến thăm, Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi đã viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Liệt sỹ.

Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi đã tiếp kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hội kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ai Cập.

Sáng ngày 6/9, sau lễ đón, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi đã tiến hành hội đàm.

Kết thúc cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi đã chứng kiến Lễ ký kết Biên bản Kỳ họp lần thứ năm Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Ai Cập; Biên bản ghi nhớ về thành lập Tiểu ban hợp tác thương mại và công nghiệp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Ai Cập; Biên bản ghi nhớ về vận tải đường biển giữa Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải Ai Cập; Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh quốc gia Ai Cập; Chương trình hợp tác Du lịch giai đoạn 2017 - 2019, Chương trình hợp tác Văn hóa giai đoạn 2017 - 2021 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Du lịch Ai Cập; Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Đầu tư và Hợp tác quốc tế Ai Cập; Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez Ai Cập; Biên bản ghi nhớ về hợp tác nghề cá giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Cải tạo đất đai Ai Cập.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí thông báo về kết quả cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, chuyến thăm của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì đây là lần đầu tiên một Tổng thống Ai Cập thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963. Chuyến thăm này thể hiện quyết tâm của Ai Cập trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đã gắn kết Việt Nam và Ai Cập trong nhiều thập kỷ qua.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, trong không khí tin cậy, cởi mở và hiểu biết lẫn nhau, Lãnh đạo hai nước đã trao đổi, đánh giá về quan hệ song phương và nhất trí về các phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.

Về chính trị, Lãnh đạo hai nước khẳng định sẽ ủng hộ, giúp đỡ nhau phục vụ mục tiêu phát triển vì sự phồn thịnh của nhân dân hai nước, vì hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao; thường xuyên tham vấn về các vấn đề cùng quan tâm; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, phong trào Không liên kết, tổ chức Pháp ngữ...

Cùng đánh giá cơ hội hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ai Cập còn rất lớn và có sự bổ trợ cho nhau, Lãnh đạo hai nước khẳng định quyết tâm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mức 1 tỷ USD trong thời gian tới; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước hợp tác kinh doanh, đầu tư trong các lĩnh vực có thế mạnh, như viễn thông, công nghệ thông tin, cảng biển, đóng tàu, sản xuất hàng tiêu dùng, nông nghiệp, chế biến nông sản...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh các Bộ trưởng và doanh nghiệp Ai Cập tham gia Đoàn đại biểu cấp cao Ai Cập sang thăm Việt Nam lần này và tin tưởng các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước sẽ có các cuộc làm việc hữu ích để mở ra các cơ hội hợp tác mới. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam cam kết ủng hộ và tạo thuận lợi để hàng hóa Ai Cập vào Việt Nam, hoan nghênh sự ủng hộ của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi trong việc Ai Cập nhập khẩu các mặt hàng Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, việc hai nước ký kết Biên bản Kỳ họp lần thứ năm Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Ai Cập và các văn kiện hợp tác về các lĩnh vực đầu tư, văn hóa, du lịch, giao thông, nghề cá, đất đai... nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi, sẽ góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng, với nền tảng vững chắc, không ngừng được vun đắp trong suốt 54 năm qua, cùng với tiềm năng to lớn và nỗ lực của hai bên, quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ai Cập sẽ ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, thiết thực, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, đóng góp vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Về phần mình, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi nhấn mạnh, trong suốt nhiều thập kỷ, Ai Cập và Việt Nam đã duy trì các mối quan hệ tốt đẹp trên cơ sở tôn trọng, phối hợp và hợp tác trên nhiều khía cạnh khác nhau, như chính trị, kinh tế và văn hóa. Với những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trên các lĩnh vực công nghiệp và thương mại, được coi là mô hình để các nước khác học hỏi, Ai Cập mong muốn phát triển và cải thiện mối quan hệ kinh tế cùng có lợi giữa hai nước.

Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi cho biết, Lãnh đạo hai nước đã thảo luận nhằm tăng cường trao đổi thương mại giữa Ai Cập và Việt Nam, chú trọng tới khía cạnh cân bằng trong thương mại. “Tôi cũng đã cập nhật với Ngài Chủ tịch nước về những thành tựu phát triển kinh tế mới nhất ở Ai Cập, bao gồm các dự án lớn của quốc gia nhằm tạo ra một môi trường tốt để thu hút đầu tư và công nghệ, đặc biệt là dự án Khu Kênh đào Suez - được coi là tuyến đường thủy quốc tế quan trọng trong ngành hàng hải cũng như thương mại thế giới”, Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi thông báo.

Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi khẳng định, Ai Cập trông chờ một chân trời mới cho sự hợp tác giữa hai nước, đáp ứng nguyện vọng của hai đất nước Ai Cập và Việt Nam.

Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Thông cáo báo chí chung.

Quan hệ ngoại giao Nga-Mỹ tiếp tục căng thẳng

Quan hệ ngoại giao giữa Nga và Mỹ trong tuần qua đã trở nên căng thẳng khi ngày 31-8, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này đã yêu cầu Nga đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại thành phố San Francisco thuộc tiểu bang California cùng 2 cơ sở Thương vụ tại thủ đô Washington và thành phố New York.

Những động thái trên của Mỹ được cho là nhằm trả đũa cho việc Nga hồi tháng 7-2017 vừa qua đã tịch thu hai khu nhà ngoại giao và trục xuất 755 nhân viên ngoại giao của Mỹ tại Nga, tương đương 60%, xuống còn 455 người. Tuy nhiên phía Nga nói rằng, việc cắt giảm này nhằm đưa số nhân viên ngoại giao hai nước bằng nhau.

Ngay sau động thái ngày 31-8 của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra tuyên bố đánh giá hành động của Mỹ là một việc chưa từng có tiền lệ. Việc Mỹ tước quyền của Nga sử dụng tài sản của chính mình là một sự vi phạm quyền sở hữu tài sản của Nga.

Có thể thấy, trong thời gian qua, Nga và Mỹ liên tiếp có hàng loạt "cú đòn" trả đũa ngoại giao lẫn nhau. Những hành động "ăn miếng trả miếng" giữa Nga và Mỹ không chỉ đẩy Moskva và Washington vào cuộc chiến ngoại giao mới mà còn tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường đối với an ninh, hòa bình và ổn định trên toàn thế giới. Bởi trong bối cảnh thế giới hiện đang phải đối mặt với không ít mối đe dọa như chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, tấn công mạng, tội phạm có tổ chức xuyên biên giới, biến đổi khí hậu… cũng như những thách thức phi truyền thống khác, thì sự hợp tác chặt chẽ giữa Nga và Mỹ để giải quyết các vấn đề của thế giới là rất cần thiết.

Thủ tướng Anh Theresa May thăm chính thức Nhật Bản, nâng tầm quan hệ song phương

Trong 3 ngày từ 30-8 đến 1-9, Thủ tướng Anh Theresa May đã thực hiện chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi năm 2016. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, đồng thời được cho là biểu thị của tình đoàn kết với Nhật Bản trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên vừa phóng một tên lửa đạn đạo bay qua miền Bắc Nhật Bản trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.

Trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước Anh và Nhật Bản đã thảo luận nhiều vấn đề song phương và khu vực, trong đó có tương lai hiệp định tự do thương mại giữa hai quốc gia thời hậu Brexit, bởi theo quy định của EU các cuộc đàm phán chính thức về tự do thương mại giữa Anh với các nước sẽ chỉ được thực hiện khi Anh đã rời khỏi EU. Về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, lãnh đạo Anh và Nhật Bản cam kết sẽ phối hợp hành động nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Có thể thấy, từ lâu Nhật Bản và Anh đã là đối tác, đồng minh trên nhiều phương diện và các hoạt động quốc tế. Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng Anh May đến Nhật Bản lần này được kỳ vọng sẽ là “làn gió mới” làm sâu sắc hơn mối quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia, đồng thời thể hiện cam kết của Anh nhằm tiếp tục duy trì vị thế kinh tế và ảnh hưởng chính trị trên trường quốc tế.

Kết thức Hội nghị cấp cao BRICS với nhiều kết quả quan trọng

Ngày 4 và 5-9-2017, hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 9 đã diễn ra tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, với sự tham dự của 5 nước thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Ngoài ra còn có đại diện của 5 nước khác tham gia sự kiện này, gồm Ai Cập, Mexico, Thái Lan, Guinea và Tajikistan.

Mặc dù chưa thể nói là thành công, nhưng việc tại hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS đạt được nhất trí về những đóng góp hướng đến cải tổ cơ chế quản trị toàn cầu để giải quyết các thách thức về phát triển, đối phó những quan ngại về an ninh mà thế giới đang đối mặt như chống khủng bố hay vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, có thể coi là một kết quả thực chất, nhất là trong bối cảnh sợi dây gắn kết giữa các nước trong nhóm hiện còn khá lỏng lẻo với nhiều tồn tại và khác biệt.

Sau hơn 10 năm được thành lập, đến nay BRICS đã chiếm 43% dân số toàn cầu và 23% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới trong năm 2016, gần gấp đôi so với năm 2006. Trong một thập kỷ qua, BRICS đại diện cho hơn một nửa mức tăng trưởng của cả thế giới. Việc BRICS thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Quỹ dự trữ ngoại tệ với tổng trị giá 200 tỷ USD thực sự là bước tiến trong quá trình khẳng định vị thế của nhóm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới liên tục có những biến động phức tạp, BRICS dường như vẫn chưa thể hiện được hiệu quả vai trò nổi bật của mình như kỳ vọng.

Mỹ chấm dứt chương trình Trì hoãn Hành động đối với Người nhập cảnh (DACA)

Ngày 5-9, bất chấp những lời cảnh báo của các nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố chấm dứt chương trình Trì hoãn Hành động đối với Người nhập cảnh Mỹ khi còn nhỏ, gọi tắt là DACA. Chương trình này vốn có hiệu lực dưới thời chính quyền tiền nhiệm Barack Obama nhằm bảo vệ cho 800.000 người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, trong suốt chiến dịch vận động tranh cử năm 2016, ông Trump đã luôn đưa việc trục xuất người nhập cư trái phép làm trọng tâm và đã đẩy mạnh những vụ trục xuất kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1-2017.

Quyết định hủy bỏ chương trình tạm hoãn trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ khi còn nhỏ của Tổng thống Mỹ Trump ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối của dư luận trong nước và khu vực Mỹ Latinh với quan ngại rằng khoảng 800.000 thanh niên lớn lên ở Mỹ đang đối mặt với một tương lai mù mịt. Hàng trăm người biểu tình đã tụ tập trước Nhà Trắng để phản đối quyết định hủy bỏ DACA của Tổng thống Mỹ Trump. Chính quyền 15 bang của Mỹ và Quận Columbia cũng đã cùng nộp đơn kiện chính quyền liên bang.

Nhiều người quan ngại rằng, việc Tổng thống Trump quyết định bãi bỏ chính sách nhập cư DACA sẽ khiến 800.000 người nhập cư trẻ tuổi không có giấy tờ nhập cư hợp lệ đứng trước nguy cơ bị trục xuất khỏi Mỹ mang theo giấc mơ dang dở và Mỹ mất đi khoảng 9,9 tỷ USD tiền thuế trong 4 năm tới và 433,4 tỷ USD trong Tổng sản phẩm quốc nội trong vòng 10 năm tới.

Diễn đàn kinh tế quốc tế Phương Đông đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng

Ngày 6 và 7-9-2017, Diễn đàn kinh tế quốc tế Phương Đông lần thứ 3 (EEF-3) đã diễn ra tại thành phố cảng Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Liên bang Nga. Diễn đàn kinh tế quốc tế Phương Đông lần thứ 3 có chủ đề: “Viễn Đông: tạo dựng thực tế mới” đã thu hút sự tham gia của gần 5.000 đại biểu là lãnh đạo các quốc gia, đại diện các doanh nghiệp, giới chuyên gia, các nhà kinh tế đến từ 60 nước trên thế giới.

Tại diễn đàn, các nước tham dự đã ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác trị giá lên tới 2.200 tỷ ruble. Đây được cho là kết quả ngoài mong đợi, cho thấy Nga vẫn là điểm thu hút đầu tư hấp dẫn bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Ngoài ra, nhằm cải thiện môi trường đầu tư vùng Viễn Đông, Tổng thống Putin đã quyết định các nhà đầu tư lựa chọn làm ăn tại khu vực phát triển vượt trội và Cảng biển tự do Vladivostok từ nay cho đến năm 2025 sẽ được hưởng các ưu đãi rất lớn về thuế và thủ tục nhập quốc tịch.

Diễn đàn kinh tế quốc tế phương Đông được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015 theo sắc lệnh của Tổng thống Nga Putin, với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Viễn Đông và mở rộng hợp tác quốc tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh nước Nga bị các quốc gia phương Tây gia tăng cấm vận và cô lập về kinh tế. Trải qua 3 năm, diễn đàn đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Siêu bão Irma đổ bộ vào Cuba, đe dọa Florida của Mỹ

Đến 3h GMT (10h giờ Hà Nội) ngày 9/9, bão Irma với sức gió mạnh nhất lên tới 260 km/h đã tràn tới khu vực Camaguey của Cuba và gây ra tình trạng lở đất, trong khi mắt bão chỉ cách thành phố Miami thuộc bang Florida Mỹ 300 km về hướng đông nam. Là siêu bão mạnh nhất từng xuất hiện ở Đại Tây Dương, bão Irma đã càn quét Barbuda rồi đi qua hai đảo của Pháp là St Barts và St Martin vào ngày 6/9, phá hủy các tòa nhà kiên cố nhất, làm tốc mái và mất điện. Ít nhất 24 người chết và nhiều người bị thương.

Với sức gió lên tới 250km/giờ, siêu bão Irma được dự đoán là cơn bão mạnh nhất quét qua vùng biển Caribe trong gần 100 năm qua. Siêu bão đã quét qua một số hòn đảo nhỏ trên biển Caribe, để lại những thiệt hại nặng nề.

Trung tâm Dự báo bão quốc gia Mỹ cho biết với tốc độ di chuyển khoảng 20 km/h, siêu bão Irma đang tiến ngày càng gần tới bang Florida của Mỹ, trong khi tốc độ gió của bão sẽ tăng lên sau khi đi qua Cuba và di chuyển dọc theo quần đảo san hô ngoài khơi bang này.

Quân đội Mỹ cũng đã huy động hàng chục nghìn binh sỹ và triển khai một số tàu thuyền lớn để hỗ trợ công tác sơ tán và cứu trợ nhân đạo khi bão Irma đổ vào nước này trong khi lực lượng không quân đã di chuyển hàng chục máy bay chiến đấu ra khỏi khu vực phía Nam.

Chính quyền Puerto Rico, Virgin và Florida đã huy động khoảng 14.000 nhân viên thuộc lực lượng Vệ binh để sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu hộ và sơ tán khi bão đổ về. Nhiều đơn vị quân sự tại khu vực cũng được đặt trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu và hỗ trợ trước, trong và sau bão.

Không chỉ riêng siêu bão Irma, châu Mỹ còn đang phải chuẩn bị đối phó với hai cơn bão khác là Katia và Jose. Bộ Hải quân và Vũ trang nước này (Semar) đã kích hoạt Kế hoạch Hải quân ở giai đoạn dự phòng đối với các bang Veracruz và Tamaulipas nhằm giảm thiểu rủi ro và thiệt hại có thể gây ra khi bão Katia đổ bộ vào 2 địa phương trên trong vài giờ tới.

Theo Cơ quan khí tượng thủy văn Mexico, bão Katia đã mạnh lên cấp 2 và đang di chuyển về phía bờ biển bang Veracruz. Hiện tại, bão Katia đang di chuyển với sức gió lên đến 255 km/giờ cách Veracruz 205km về phía Đông Bắc và cách Tamaulipas 255km về phía Đông-Đông Nam. Đây sẽ là cơn bão thứ 2 đổ bộ vào Mexico trong vòng 1 tháng qua.

Trước đó, ngày 2/9, bão nhiệt đới Lidia đổ vào bang Baja California Sur, phía Bắc Mexico, đã khiến 20 người thiệt mạng và mất tích.

Động đất mạnh tại Mexico

Ngày 8/9, sau khi thị sát các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất do trận động đất mạnh 8,2 độ richter làm rung chuyển đất nước Mexico đêm 7/9 (giờ địa phương), Tổng thống Enrique Peña Nieto đã tuyên bố quốc tang 2 ngày để tưởng niệm các nạn nhân.

Nhà lãnh đạo Mexico cho rằng trận động đất mạnh 8,2 độ richter nêu trên là trận động đất mạnh nhất ghi nhận được ở nước này trong ít nhất 100 năm qua, thậm chí còn mạnh hơn trận động đất hủy diệt năm 1985, làm trên 10.000 người thiệt mạng ở Mexico City. Theo các con số mới nhất, trận động đất đến nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 61 người và trên 330 người bị thương. Động đất còn gây ảnh hưởng tới ít nhất 50 triệu người tại 12 bang ở Mexico, đặc biệt là tại 2 bang miền Nam Oaxaca và Chiapas.

Cơ quan địa chấn quốc gia Mexico thông báo tới thời điểm hiện tại đã ghi nhận trên 260 dư chấn, trong đó cao nhất là 6,1 độ richter và nhiều khả năng sẽ có dư chấn lên đến 7 độ richter. Cảnh báo sóng thần đã được dỡ bỏ trong khi công tác cứu hộ và sơ tán người dân tại các khu vực ven biển đang được tiến hành hết sức khẩn trương. Hiện lực lượng cảnh sát, binh sĩ và cứu hộ đang nỗ lực hết sức để tìm kiếm và giải cứu những người còn may mắn sống sót trong đống đổ nát.

Chính phủ Mexico cho biết trận động đất không phá hủy hoàn toàn các con đường ở bang Chiapas, Oaxaca và Tabasco, và việc sửa chữa có thể được tiến hành nhanh chóng. Ngoài 3 bang nêu trên, tất cả các sân bay, bến cảng, hệ thống đường sắt và viễn thông liên lạc trên cả nước vẫn hoạt động bình thường./.

Tô Chu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực