Đối thoại chính sách phụ nữ và kinh tế APEC lần thứ 2 (Ảnh: apec2017.vn)
Hội nghị Đối tác chính sách phụ nữ và kinh tế APEC lần thứ 2
Trong 4 ngày, từ 26 đến 29/9, tại TP.Huế (Việt Nam) đã diễn ra Hội nghị đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế APEC lần thứ hai (PPWE) với 3 sự kiện chính thức gồm: “Hội nghị đối tác chính sách phụ nữ và kinh tế APEC lần thứ 2 (PPWE), “Đối thoại công - tư về phụ nữ và kinh tế (PPDWE)” và “Chương trình đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và kinh tế”. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của hơn 700 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC, bao gồm các Bộ trưởng/Trưởng đoàn, lãnh đạo các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trong và ngoài khu vực, các chuyên gia, học giả và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam.
Với việc đăng cai tổ chức Diễn đàn, Việt Nam mong muốn cùng các thành viên APEC khẳng định cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và coi đây là trung tâm của phát triển kinh tế và nguồn vốn con người, cũng như đóng góp thiết thực vào các nỗ lực toàn cầu về thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030. Diễn đàn cũng cho thấy kỳ vọng cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam với tư cách chủ nhà của Năm APEC 2017.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Hồng Lan, nhấn mạnh: “Mục đích nhằm đảm bảo bình đẳng giới vẫn phải là vấn đề xuyên suốt và cần phải được thực hiện trong mọi lĩnh vực, các diễn đàn của APEC nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ, thúc đẩy tiềm năng kinh tế của phụ nữ trong bối cảnh thế giới đang thay đổi. Việc xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình có trách nhiệm giới trong APEC cần phải được thực hiện để tăng cường mạnh mẽ hơn nữa việc cộng tác và phối hợp lồng ghép vấn đề bình đẳng giới giữa các diễn đàn, trong mỗi diễn đàn hướng tới vì sự tiến bộ về kinh tế xã hội của phụ nữ và bình đẳng giới của khu vực”.
Phát biểu tại Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế APEC - sự kiện chính thức quan trọng nhất của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017, diễn ra ngày 29/10/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017, cho rằng, sau gần 30 năm kể từ khi thành lập, đến nay, APEC đã khẳng định vai trò là một cơ chế hợp tác kinh tế - thương mại lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. APEC cũng khẳng định bình đẳng giới là trung tâm của phát triển kinh tế và nguồn vốn con người. Sự hội nhập và nâng cao quyền năng cho phụ nữ đã có tác động tích cực, tạo sự lan tỏa đối với khu vực. Nhiều nền kinh tế APEC đã thành công trong việc giảm đáng kể sự bất bình đẳng về thu nhập và phi thu nhập thông qua sự kết hợp các chính sách tiến bộ về kinh tế và xã hội. Do đó, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững là xu hướng chung mà các nền kinh tế APEC đã và đang hướng tới.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các nền kinh tế APEC sẽ chú trọng hơn nữa đến đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công, cải thiện khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng cho phụ nữ và trẻ em gái để giảm bớt và tái phân phối các công việc gia đình và chăm sóc không được trả lương của phụ nữ, giảm khoảng cách giới trong việc làm, thúc đẩy việc làm và tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng tin tưởng rằng, với những gì APEC đang có, đó là nguồn năng lượng, sức sáng tạo, tính kiên cường và sự năng động của mỗi người dân, bao gồm phụ nữ và nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai, APEC chắc chắn sẽ được chứng kiến một tương lai tươi sáng - bình đẳng, thịnh vượng, không ai bị bỏ lại phía sau.
Kết thúc Đối thoại, Hội nghị đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế APEC lần thứ hai đã thông qua các văn bản mang tính định hướng dài hạn đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ trong khu vực APEC, bao gồm:
Tuyên bố của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 đưa ra những khuyến nghị chính sách quan trọng cho 21 nền kinh tế APEC về ba nội dung ưu tiên lớn của năm 2017, gồm: thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; và thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực. Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn nhất trí sẽ trình Tuyên bố lên các nhà Lãnh đạo Kinh tế tại Hội nghị Cấp cao APEC vào tháng 11 tới tại thành phố Đà Nẵng.
Văn kiện “Hướng dẫn lồng ghép giới trong APEC”. Đây là sáng kiến của Việt Nam, được các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đánh giá là công cụ quan trọng để thực hiện các chương trình và chính sách bình đẳng giới tại APEC. Các thành viên cũng cam kết sẽ phối hợp với các ủy ban, nhóm công tác khác của APEC để thúc đẩy “lồng ghép giới” trong hoạch định chính sách và triển khai các dự án, chương trình hợp tác của APEC ở tất cả các cấp.
Văn bản về Tiêu chí và hướng dẫn tiếp cận Quỹ về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC. Quỹ này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018, và hứa hẹn mang đến cơ hội và nguồn lực nhiều hơn cho các nền kinh tế thực hiện các dự án, sáng kiến thúc đẩy quyền năng của phụ nữ.
Bầu cử Quốc hội liên bang Đức
Ngày 24/9, cuộc bầu cử Quốc hội liên bang Đức đã diễn ra với chiến thắng thuộc về đảng Liên minh CDU của Thủ tướng Merkel và Liên minh CSU, với 33% phiếu bầu. Mặc dù giành chiến thắng song liên minh CDU/CSU đã giảm 8,5% phiếu bầu so với mức 41,5% của 4 năm trước.
Đứng thứ hai sau liên minh CDU/CSU là đảng Xã hội Dân chủ (SPD) với 20,5%, giảm so với mức 25,7% của năm 2013. Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu và dân túy đứng thứ ba với 12,6% phiếu ủng hộ…
Cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức được đánh giá có ý nghĩa quan trọng hàng đầu tại châu Âu trong năm 2017, bên cạnh cuộc bầu cử Quốc hội Hà Lan hồi tháng 3-2017 và cuộc bầu cử Tổng thống Pháp hồi tháng 5-2017. Không chỉ quan trọng đối với nước Đức, cuộc bầu cử này còn góp phần định hình tương lai của Liên minh châu Âu (Liên minh châu Âu), nhất là khi những vấn đề mà Liên minh châu Âu đang phải đương đầu cũng tác động mạnh mẽ tới đời sống chính trị-xã hội của nước Đức và sẽ là thách thức liên minh cầm quyền CDU/CSU sau cuộc bầu cử.
Hiện liên minh CDU/CSU đang gấp rút tìm kiếm liên minh hậu bầu cử, bởi đảng SPD đã tuyên bố rút khỏi liên minh cầm quyền để trở thành đảng đối lập. Các nhà phân tích nhận định, nhiều khả năng sau khi giành thắng lợi, liên đảng CDU/CSU sẽ bắt tay với các đảng FDP và đảng Xanh để thành lập liên minh mới mà người Đức gọi là Liên minh Jamaica.
Trưng cầu dân ý về độc lập của người Kurd ở Iraq
Ngày 25/9, bất chấp sự phản đối quyết liệt của chính phủ Iraq cũng như cộng đồng quốc tế, chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) ở miền Bắc Iraq đã tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về độc lập. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, bất luận kết quả ra sao, cuộc trưng cầu dân ý trên cũng không thể giúp Khu tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq trở thành một “nhà nước độc lập”, bởi sự kiện này đơn thuần là động thái mang tính tham khảo, không ràng buộc về mặt pháp lý.
Ngay sau đó, cuộc trưng cầu đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của chính phủ Iraq, vốn coi đó là việc làm trái hiến pháp. Quốc hội Iraq đã công bố một gói biện pháp mới, yêu cầu chính quyền trung ương tái triển khai lực lượng an ninh tại các vùng tranh chấp giáp KRG, giành lại quyền kiểm soát các mỏ dầu trong khu vực, ủng hộ đề xuất các nước đóng cửa cơ quan lãnh sự tại KRG…
Trong khi đó, công đồng quốc tế cũng phản đối mạnh mẽ cuộc trưng cầu trên, nhất là hai nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Liên hợp quốc, các nước Arab, Mỹ, Nga… đều tuyên bố ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ Iraq, chỉ trích cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd có thể gây thêm bất ổn ở khu vực.
Mỹ tăng cường trừng phạt CHDCND Triều Tiên trong lĩnh vực ngân hàng
Ngày 26/9, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 8 ngân hàng và 26 nhân viên ngân hàng của CHDCND Triều Tiên, nhằm tiếp tục gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng.
Biện pháp trừng phạt mới sẽ ngăn chặn khả năng tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế của 8 ngân hàng CHDNCD Triều Tiên, trong đó có những ngân hàng lớn như Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp và Ngân hàng Công nghiệp Quốc tế. Trong số, 26 nhân viên ngân hàng CHDCND Triều Tiên bị liệt vào “danh sách đen” có 19 người đang làm việc tại Trung Quốc, 3 người làm việc tại Nga, 2 người ở Lybia và 2 người ở Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE).
Động thái trên của Mỹ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Liên hợp quốc thông qua một gói trừng phạt mới cứng rắn hơn nhằm vào CHDCND Triều Tiên liên quan tới các hoạt động phát triển hạt nhân và tên lửa của nước này.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, việc Mỹ tăng cường trừng phạt CHDCND Triều Tiên nằm trong chiến lược tăng cường cô lập quốc gia này để hướng tới mục tiêu quan trọng hơn, đó là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và mang lại hòa bình cho khu vực. Tuy nhiên, Mỹ cũng xác định, giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thông qua con đường ngoại giao vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất cải tổ Liên minh châu Âu
Ngày 26/9, trong bài phát biểu tại Đại học Sorbonne ở thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra một tầm nhìn đối với tương lai châu Âu, bao gồm các đề xuất nhằm "cải cách sâu rộng" Liên minh châu Âu cũng như thúc đẩy đoàn kết và hợp tác nội khối.
Những đề xuất của nhà lãnh đạo Pháp được cho là khá táo bạo và tham vọng, với các điểm nhấn về quốc phòng-an ninh, thể chế, tăng thuế, chính sách nhập cư. Nổi bật như đề xuất một ngân sách quốc phòng riêng của châu Âu nhằm sẵn sàng phản ứng trước mọi mối đe dọa. Hay việc ông Macron công khai ủng hộ quan điểm “một châu Âu, đa tốc độ”, chủ đề vốn gây nhiều tranh cãi và chia rẽ giữa các nước Tây và Đông Âu…
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, những đề xuất của Tổng thống Macron cũng mới chỉ đang ở mức độ khởi đầu và còn không ít nội dung cần cụ thể hóa. Trong quá trình thảo luận, phương án này khó tránh khỏi phải có những điều chỉnh nhằm dung hòa lợi ích của tất cả các thành viên.
Nhật Bản giải tán Hạ viện, công bố kế hoạch bầu cử sớm
Ngày 28/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chính thức giải tán Hạ viện, mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử sớm tại Nhật Bản được ấn định vào ngày 22/10 tới. Chiến dịch vận động tranh cử sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 10/10.
Động thái trên của Thủ tướng Abe được đánh giá là một bước đi khôn khéo của ông Abe nhằm tận dụng lợi thế về sự tín nhiệm cao của người dân dành cho ông trong thời gian gần đây. Sau giai đoạn uy tín bị xuống thấp nhất hồi tháng 7/2017, tỷ lệ ủng hộ chính phủ của thủ tướng Abe đã tăng lên tích cực trong thời gian gần đây. Điều này có được là nhờ những đối sách trong vấn đề Triều Tiên, phần khác do tình hình kinh tế Nhật Bản đã khá lên.
Trong các cuộc khảo sát những ngày gần đây, có đến khoảng hơn 40% tỷ lệ cử tri nói sẽ ủng hộ đảng LDP của ông Abe trong cuộc tổng tuyển cử sớm tới đây, trong khi đó đảng Dân chủ đối lập chỉ nhận được khoảng 8% tỷ lệ ủng hộ. Các nhà phân tích cho rằng, khi phe đối lập chưa thực sự có đủ sức mạnh để cạnh tranh quyền lực với đảng cầm quyền, thì quyết định giải tán Hạ viện vào thời điểm này của ông Abe chính là cơ hội để ông có thể xây dựng lại nền tảng chính trị tại Hạ viện nhằm hỗ trợ thuận lợi cho đảng cầm quyền điều hành đất nước.
Làn sóng khủng bố điện thoại tiếp diễn ở thủ đô Moskva (Nga)
Làn sóng khủng bố điện thoại tiếp diễn tại Nga khiến hàng nghìn người phải sơ tán khỏi các địa điểm công cộng ở thủ đô Moskva trong ngày 28/9.
Theo hãng tin TASS của Nga, gần 2.000 người đã phải sơ tán khỏi câu lạc bộ Glаvclub Green Concert ở phía Nam thủ đô Moskva sau khi có thông báo nặc danh về nguy cơ địa điểm này bị đặt bom. Vào thời điểm nhận được thông báo đe dọa này, tại Green Concert đang diễn ra buổi biểu diễn của nghệ sĩ Thomas Mraz.
Ngoài ra, gần 100 người khác cùng ngày cũng đã phải sơ tán khỏi khu phức hợp thể thao Olympisky tại Moskva do có một cuộc gọi nặc danh đe dọa đặt bom tại đây. Một cuộc gọi nặc danh khác lại đe dọa đặt bom một tòa nhà tại đường Bryusov ở trung tâm thủ đô Moskva, bên cạnh trụ sở Hội nhạc sĩ Moskva.
Trong vòng hơn 2 tuần qua, hơn 1.000 địa điểm tại thủ đô Moskva và các thành phố khác của Nga liên tiếp nhận được các thông báo nặc danh bằng điện thoại đe dọa đặt bom khiến số người phải sơ tán lên đến hàng nghìn người. Tuy nhiên, sau đó nhà chức trách Nga lại không phát hiện có mối đe dọa nào.
Nguồn tin riêng của hãng tin RBK (Nga) trước đó cho biết Cơ quan An ninh liên bang (FSB) hiện đang xem xét giả thiết có một nhóm tin tặc quốc tế đứng sau các cuộc gọi nặc danh nói trên. FSB cho rằng nhóm này đã viết một chương trình riêng để tạo nên dòng các cuộc gọi sử dụng điện thoại IP đến các địa chỉ lựa chọn là các địa điểm công cộng. Đồng thời, FSB cũng xác định được rằng một số cuộc gọi được thực hiện từ Brussels (Bỉ). Trước đó, có thông tin cho rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng hoặc những phần tử từ Ukraine có thể là những đối tượng thực hiện các cuộc gọi khủng bố./.