Tái lập hòa bình tại Colombia - "Thỏa" mà chưa "thuận"

Thứ tư, 05/10/2016 08:47
(ĐCSVN) – Chỉ 6 ngày sau khi Tổng thống Colombia Manuel Santos và thủ lĩnh Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) Timoleon Jimenez ký thỏa thuận hòa bình chấm dứt 52 năm nội chiến, tiến trình hòa bình ở quốc gia Nam Mỹ này lại gặp trắc trở khi không nhận được sự đồng thuận của người dân. Đây là kết quả không chỉ gây bất ngờ đối với chính người dân Colombia mà còn với cộng đồng quốc tế.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngoài mong đợi

Trái với những kỳ vọng sau khi Chính phủ Colombia và FARC đạt được đồng thuận về một thỏa thuận hòa bình, kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 2/10 đã vẽ ra một gam màu xám cho tiến trình hòa bình ở Colombia. Với tỷ lệ 50,21%, phe không ủng hộ thỏa thuận hòa bình đã giành thế thắng so với 49,78% phe ủng hộ.

Tỷ lệ người không ủng hộ thỏa thuận hòa bình (màu đỏ) giành thế thắng so với tỷ lệ người ủng hộ (màu xanh).
(Ảnh: Colombia Reports)

Điều này đồng nghĩa với việc thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ và nhóm vũ trang lớn nhất Colombia đã không được chấp nhận. Giấc mơ hòa bình của quốc gia với hơn nửa thập kỷ nội chiến lại một lần nữa trở thành dang dở. Và những nỗ lực, thiện chí trong suốt 4 năm qua của Chính phủ Colombia cũng như FARC trở nên vô nghĩa.

Phát biểu trên truyền hình sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, Tổng thống Colombia Manuel Santos cho biết, ông tôn trọng quyết định của người dân và hi vọng có thể tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng mới. Ông thông báo sẽ vẫn duy trì lệnh ngừng bắn song phương với FARC, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục các vòng đàm phán mới với FARC nhằm chấm dứt xung đột vũ trang.

Sau thất bại của cuộc trưng cầu dân ý, Tổng thống Santos cũng hoan nghênh việc phe phản đối thỏa thuận hòa bình, do cựu Tổng thống Alvaro Uribe đứng đầu, đã đề cử 3 đại diện để đối thoại với chính phủ về nội dung thỏa thuận hòa bình.

Trong khi đó, FARC cho biết, cũng vẫn sẽ duy trì lệnh ngừng bắn song phương bất chấp các cử tri Colombia hôm 2/10 đã bác bỏ thỏa thuận hòa bình. Ngay trước thềm cuộc trưng cầu dân ý, nhóm này đã thể hiện thiện chí nhằm khích lệ cử tri nước này bỏ phiếu thông qua thỏa thuận hòa bình, bằng việc tuyên bố sẽ bồi thường cho các nạn nhân của cuộc xung đột vũ trang hơn nửa thế kỷ qua. Thủ lĩnh tối cao của FARC Timoleon Jimenez cũng khẳng định lực lượng này vẫn mong muốn tìm kiếm hoà bình dù cho cuộc trưng cầu dân ý không có kết quả như mong đợi, và cam kết trở thành một đảng chính trị ôn hòa.

Colombia lại bắt đầu chặng đường mới tìm kiếm hòa bình

Giới phân tích cho rằng, mặc dù mong muốn về một nền hòa bình là mong muốn của đa số người dân Colombia, nhưng thực tế qua cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, chỉ có 13 triệu người tham gia bỏ phiếu (trong tổng số gần 35 triệu cử tri), tương đương 37%. Trong khi những người phản đối thỏa thuận hòa bình thường quyết liệt hơn trong việc tham gia bỏ phiếu.

Tổng thống Colombia Manuel Santos cam kết sẽ theo đuổi việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình
sau thất bại của cuộc trưng cầu dân ý hôm 2/10. (Ảnh: Colombia Reports)


Theo giới phân tích, Chính phủ Colombia đã chú trọng nhiều hơn việc tuyên truyền về thành công của thỏa thuận hòa bình, thay vì cổ vũ người dân đi bỏ phiếu. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến số lượng người đi bỏ phiếu ít, và tỷ lệ người đồng thuận với thỏa thuận hòa bình khiêm tốn hơn so với phe phản đối. Tỷ lệ 50,21% không ủng hộ và 49,78% ủng hộ là những con số rất sát sao, nếu như tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao hơn, thì có thể kết quả trưng cầu dân ý đã khác!

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 2/10 ở Colombia đã khiến không chỉ người dân Colombia mà cả cộng đồng quốc tế hết sức bất ngờ. Tuy nhiên, Liên hợp quốc và các nước trong khu vực đã cam kết ủng hộ các nỗ lực tìm kiếm hòa bình của chính quyền Tổng thống Juan Manuel Santos và FARC. Ngày 3/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tái khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn với tiến trình hòa bình ở Colombia và sẽ tiếp tục nỗ lực đồng hành cùng quốc gia Nam Mỹ này để đạt được thỏa thuận.

Các chuyên gia cho rằng, bước đi tiếp theo của Chính phủ Colombia và FARC là tiếp tục các nỗ lực để  điều chỉnh và sửa đổi thỏa thuận hòa bình nhằm phù hợp hơn với nguyện vọng của người dân sau thất bại của cuộc trưng cầu dân ý. Song chặng đường mới này sẽ bắt đầu như thế nào và thực hiện ra sao, cần phải có nhiều thời gian hơn nữa để có câu trả lời, bởi cả Chính phủ lẫn FARC đều bất ngờ trước lộ trình mới này.

Thành lập năm 1964, FARC là nhóm vũ trang lớn nhất tại Colombia với khoảng 7.000 thành viên. Trong hơn 50 năm qua, các cuộc xung đột vũ trang tại Colombia đã cướp đi sinh mạng của 260.000 người, khiến 45.000 người mất tích, khoảng 6,6 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa.

Kể từ năm 2012 cho tới nay, qua rất nhiều vòng đàm phán, Chính phủ Colombia và FARC đã đồng thuận được nhiều vấn đề trước khi đi đến một thỏa thuận hòa bình. Các vấn đề này bao gồm: giao đất cho nông dân nghèo, cho phép FARC trở thành một chính đảng, đấu tranh chống buôn bán ma túy, rà phá bom mìn, tìm kiếm người mất tích và cơ chế xét xử đặc biệt cho các đối tượng tham chiến của hai bên./.

Kiều Giang (Tổng hợp theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực