|
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu nhậm chức tại thủ đô Washington, ngày 20/1/2021 (Ảnh: AFP) |
Theo đó, các sắc lệnh hành pháp vừa được Tổng thống Joe Biden ký trong ngày 20/1 liên quan tới những vấn đề như: đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng giữa các sắc tộc, nhập cư...
Phát biểu trước phóng viên tại Nhà Trắng, ông Joe Biden nói rằng "không có thời gian để lãng phí" trong việc ban hành các sắc lệnh hành pháp, biên bản ghi nhớ và chỉ thị. “Một số sắc lệnh ký hôm nay sẽ giúp thay đổi tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19. Chúng ta sẽ chống lại biến đổi khí hậu theo cách mà chúng ta chưa làm cho đến nay và nâng cao sự bình đẳng chủng tộc và hỗ trợ các cộng đồng khác chưa được quan tâm” – ông Joe Biden nhấn mạnh.
Tân Tổng thống Mỹ cho biết: “Tôi tự hào về các hành động điều hành ngày hôm nay. Tôi sẽ bắt đầu bằng việc giữ những lời hứa mà tôi đã đưa ra với người dân Mỹ”.
Các sắc lệnh nhằm nhanh chóng hiện thực hóa cam kết hành động trong ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ. Cụ thể, ông Joe Biden đã ký lệnh hành pháp chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia - vốn là cơ sở để chuyển một số khoản ngân sách liên bang sang dự án xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico, và chấm dứt cái gọi là “lệnh cấm đi lại đối với người Hồi giáo” do chính quyền ông Donald Trump áp đặt.
Tiếp đó, ông Joe Biden ký sắc lệnh quay trở lại tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và bao gồm quyết định hủy bỏ giấy phép của Tổng thống cho triển khai xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL. Tân Tổng thống Mỹ cũng quyết định tái hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau khi ông Donald Trump hồi tháng 5/2020 tuyên bố Washington chính thức chấm dứt mối quan hệ với WHO và chuyển hướng tài trợ cho các sáng kiến y tế công cộng khác.
Ông chủ mới của Nhà Trắng cũng ra lệnh đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại mọi tòa nhà liên bang và khu vực liên bang, thành lập một văn phòng liên bang mới nhằm điều phối công tác ứng phó với đại dịch COVID-19, và khôi phục lại bộ phận phụ trách quốc phòng và y tế toàn cầu tại Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng, văn phòng từng bị chính quyền tiền nhiệm đóng cửa.
Các biện pháp mà ông Biden đang triển khai sẽ chấm dứt lệnh cấm đi lại mà cựu Tổng thống Trump đặt ra đối với một số quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi. Tân Tổng thống Biden cũng kêu gọi chính quyền của ông đẩy mạnh chương trình DACA dành cho những người nhập cư được đưa tới Mỹ là trẻ em.
Về mặt kinh tế, ông Joe Biden đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đến cuối tháng 3 và Bộ Giáo dục đình chỉ việc thanh toán khoản vay cho sinh viên cho đến cuối tháng 9.
Trong tuyên bố được đưa ra, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh quyết định của tân Tổng thống Mỹ khi cho rằng Washington đang tham gia "liên minh ngày càng tăng của các chính phủ, thành phố, tiểu bang, doanh nghiệp và người dân thực hiện hành động đầy tham vọng để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu". Tổng thư ký mong muốn nhà lãnh đạo Mỹ đẩy nhanh các nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0, bằng cách đề xuất một khoản đóng góp mới do quốc gia xác định với các mục tiêu đầy tham vọng cho năm 2030 và tài chính khí hậu trước thềm Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) sắp diễn ra tại Glasgow vào cuối năm nay. “Tôi cam kết hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo khác để khắc phục tình trạng khẩn cấp về khí hậu và phục hồi tốt hơn sau COVID-19” – Tổng thư ký kết luận.
Ngoài ra, người phát ngôn Stephane Dujarric của Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng cho biết ông Antonio Guterres đã hoan nghênh Mỹ quyết định quay trở lại tham gia WHO. Tuyên bố của người phát ngôn nhấn mạnh WHO đóng vai trò then chốt đối với những nỗ lực của thế giới nhằm hướng đến hành động ứng phó chung hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống COVID-19. Hiện là thời điểm phải cùng thống nhất và hợp tác nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2. “Sự đoàn kết phải chiếm ưu thế và bây giờ là lúc cộng đồng quốc tế cùng nhau đoàn kết để ngăn chặn loại virus này và những hậu quả tàn khốc của nó. Vì vaccine là một công cụ thiết yếu trong cuộc chiến chống COVID-19, nên sự gắn bó và hỗ trợ của Mỹ đối với cơ chế COVAX sẽ tạo động lực cho những nỗ lực bảo đảm tiếp cận công bằng vaccine cho tất cả các quốc gia” – ông nêu rõ.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng hoan nghênh "những bước đi tích cực" mà chính quyền mới của Mỹ công bố về vấn đề di cư và tị nạn. “Tổng thư ký mong muốn được làm việc với chính quyền mới của Mỹ để tăng cường hợp tác đa phương trong các lĩnh vực này” – tuyên bố của người phát ngôn cho biết. “Sự hỗ trợ của Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu của người di cư và tị nạn là rất mạnh mẽ và nhất quán. Sự hợp tác này là cần thiết hơn bao giờ hết khi chúng tôi tìm cách cung cấp hỗ trợ, bảo vệ và các giải pháp lâu dài cho một số lượng kỷ lục những người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột, bạo lực hoặc thảm họa, hoặc di cư với hy vọng tìm được cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình họ” – ông nhấn mạnh.
Dự kiến, Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ký thêm một loạt các sắc lệnh hành pháp khác trong những ngày tới./.