Tân Tổng thống Myanmar trước những cơ hội và thách thức lớn

Thứ năm, 17/03/2016 13:24
(ĐCSVN) - Đúng như dự đoán, ứng cử viên Htin Kyaw thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) cầm quyền đã được bầu làm Tổng thống mới của Myanmar trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Myanmar. Với chiến thắng này, ông Kyaw đã trở thành Tổng thống dân sự đầu tiên tại Myanmar kể từ năm 1962.

Chân dung ứng cử viên Tổng thống Myanmar của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ


Tân Tổng thống Myanmar và bà Suu Kyi. (Ảnh: Washington Post)

Kết quả không bất ngờ

Ngày 15/3/2016, các nghị sỹ trong Quốc hội Myanmar gồm Thượng viện và Hạ viện đã bầu ông Kyaw, một người thân cận của lãnh đạo đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD), bà Aung San Suu Kyi, làm Tổng thống Myanmar. Trong cuộc bầu chọn được xem là có ý nghĩa lịch sử đối với Myanmar này, ông Htin Kyaw, 69 tuổi, đã giành được 360/652 phiếu bầu từ Hạ viện và Thượng viện. Kết quả này đã mở đường cho ông Kyaw thay thế vị trí của bà Suu Kyi – người theo quy định của Hiến pháp Myanmar không thể trở thành tổng thống do bà có chồng và con mang quốc tịch Anh. Dự kiến, Tổng thống Myanmar mới đắc cử sẽ nhậm chức vào ngày 1/4 tới.

Trong khi đó, ông U Myint Swe  - thủ hiến khu vực Yangon, đồng thời là một trợ tá thân tín của Thống tướng Than Shew, được bầu làm Phó Tổng thống thứ nhất. Ông U Myint Swe là ứng cử viên của đảng Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP), do quân đội đề cử.

Vị trí Phó Tổng thống thứ hai thuộc về ông U Henry Van Htee Yu - cũng là một ứng cử viên thuộc đảng NLD và do Thượng viện đề cử.

Phát biểu sau khi giành chiến thắng, ông Kyaw cho biết: “Đây là chiến thắng của người dân, là chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi”.

Trước khi giành được chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội Myanmar, ông Kyaw đã chiến thắng áp đảo trước ứng cử viên Sai Mauk Kham của Đảng USDP, với tổng số phiếu 274/317 trong cuộc đua chọn ứng cử viên Tổng thống duy nhất của Hạ viện ngày 11/3 vừa qua.

Đối mặt thách thức

Kể từ khi giành độc lập từ Anh năm 1948, Myanmar đã liên tục chìm trong các biến cố chính trị và xung đột sắc tộc. Những giai đoạn ổn định để phát triển rất ngắn ngủi và thường xuyên bị gián đoạn.

Năm 2011 được nhìn nhận là năm chứng kiến những chuyển biến sâu sắc và có ý nghĩa đột phá trong đời sống chính trị và kinh tế ở Myanmar. Đây là kết quả của một kế hoạch cải cách lâu dài của Myanmar trong việc thực hiện "Lộ trình dân chủ 7 bước" được công bố và triển khai từ đầu năm 2003.

Những chương trình cải cách, mở cửa này đã tạo điều kiện thuận lợi cho công nghệ và đổi mới, nâng cao năng suất, tiêu dùng nội địa và phúc lợi cộng đồng. Mở cửa kinh tế cũng tạo ra triển vọng đa dạng hóa kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hướng tới các hoạt động kinh tế trong nông nghiệp, chế tạo và dịch vụ. Việc kết hợp giữa mở cửa kinh tế và cải cách trong nước đã giúp Myanmar tăng thu nhập của đa số người dân.

Thu hút đầu tư nước ngoài cũng đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình cải cách này. Trong ba năm qua, chính quyền Myanmar đã có những động thái tích cực để chào đón các nhà đầu tư quốc tế, đồng thời định hướng cho cộng đồng kinh doanh trong nước chấp nhận cạnh tranh tự do trên thị trường. Myanmar cũng đã có những bước đi nhằm phát triển thị trường tài chính bằng cách tiến hành đàm phán với các nhà cho vay để bắt đầu quy trình xếp hạng tín nhiệm. Các chuyên gia kinh tế nhận định, tuy chưa có thị trường chứng khoán thực sự và chưa được xếp hạng tín nhiệm nhưng Myanmar vẫn được coi là một trong những nước tăng trưởng ở khu vực châu Á. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Myanmar tăng trưởng 8,3% trong năm 2015 và dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ tương tự trong năm 2016.

Những chuyển động tích cực tại Myanmar đang nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ của các nước láng giềng khu vực và cộng đồng quốc tế. Với tư cách là thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Myanmar đang có nhiều thuận lợi trong các hoạt động ngoại giao thương mại và thu hút đầu tư, giúp nước này nắm bắt những cơ hội quan trọng của khu vực và quốc tế để củng cố cải cách trong nước. Trong khi đó, các nước phương Tây cũng từng bước dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế, tạo điều kiện cho Myanmar hội nhập tốt hơn với khu vực và thế giới.

Bên cạnh sự phát triển về kinh tế, Myanmar đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong tiến trình xây dựng hòa bình quốc gia. Lần đầu tiên kể từ khi Myanmar tuyên bố độc lập năm 1948, chính phủ và 8 trong số 15 nhóm sắc tộc thiểu số có vũ trang đã ký Thỏa thuận Ngừng bắn toàn quốc (NCA) vào ngày 15/10/2015, hướng tới kết thúc hơn 60 năm xung đột dân sự, mở đường xây dựng hòa bình, góp phần tăng cường ổn định và phát triển tại quốc gia Đông Nam Á này. Việc ký kết NCA đã giúp khép lại tiến trình đàm phán phức tạp, kéo dài liên tục hơn hai năm qua, đáp ứng mong mỏi của đông đảo người dân. 

Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng, chính phủ mới của Myanmar sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức như nâng cao chất lượng y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm tình trạng quan liêu, chống tham nhũng và cải thiện nền giáo dục, thu hút đầu tư, xây dựng các quy định pháp luật đầy đủ về đầu tư, khai mỏ, quyền sở hữu trí tuệ... Ngoài ra, chính phủ mới cũng cần nỗ lực để chấm dứt các mâu thuẫn sắc tộc và xây dựng sự đoàn kết giữa các chính đảng và lực lượng vũ trang ở Myanmar bởi đây sẽ là yếu tố quan trọng quyết định tương lai của Myanmar.

Bên cạnh đó, Myanmar phải thành lập được một chính phủ thực sự phục vụ lợi ích của nhân dân. Đây cũng chính là mong muốn và kỳ vọng của người dân Myanmar bởi mặc dù đã đạt được những tiến bộ nhất định về kinh tế - xã hội, song mức sống của phần lớn người dân Myanmar vẫn chưa được cải thiện. Myanmar vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á với gần 1/3 trong tổng số 60 triệu dân sống trong cảnh nghèo đói. Ngoài ra, việc đưa ra những quyết sách trong quan hệ đối ngoại, cân bằng lợi ích giữa ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước phương Tây cũng sẽ không phải là điều dễ dàng. Việc giải quyết thành công và hiệu quả tất cả các vấn đề này nhằm mục tiêu xây dựng một xã hội hòa bình đa sắc tộc được dự báo rất khó khăn và lâu dài đối với chính quyền mới của Myanmar.

Với nhiều vật cản ở phía trước, sự thay đổi sẽ phải từ từ từng bước. Dẫu vậy, việc lựa chọn một Tổng thống dân sự trong vòng nhiều thập kỷ qua vẫn được cho là cơ hội lịch sử đối với Đảng NLD và đất nước Myanmar./.

Tôn Nữ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực