Thế giới có hơn 237 triệu ca nhiễm COVID-19

Thứ sáu, 08/10/2021 09:02
(ĐCSVN) – Tính đến sáng 8/10, thế giới ghi nhận 237.518.093 ca nhiễm COVID-19, với 4.848.625 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu Âu là khu vực có thêm nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất, với 172.660 ca; thấp nhất là châu Đại dương, với 2.765 ca.
Người dân Israel xuất trình "thẻ xanh COVID-19" khi tới một nhà hàng ở thành phố Modiin, miền Trung Israel, ngày 7/10/2021. (Ảnh: Xinhua)

Về diễn biến cụ thể, số liệu thống kê trên worldometers.info sáng 8/10 cho thấy, hiện toàn thế giới có 214.610.809 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 10.058.659 ca bệnh đang điều trị thì có 17.974.473 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,5%) và 84.222 ca (chiếm 0,5%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan sang 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất. 

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 59.972.364 trường hợp, trong đó có 1.238.432 ca tử vong và 54.933.671 ca được điều trị khỏi.

Hiện Bắc Mỹ có 54.117.112 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.099.731 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 45.020.294 ca nhiễm và 730.206 ca tử vong vì COVID-19.

Trong một nỗ lực nhằm đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh, ngày 7/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đã trở thành cần thiết và là một công cụ hiệu quả nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19. Trong bài phát biểu khi tới thăm bang Illinois, Tổng thống J.Biden khẳng định: “những yêu cầu này đã cho thấy tác dụng”. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, thông báo quy định tiêm chủng bắt buộc mà ông đưa ra đã khuyến khích các doanh nghiệp cảm thấy họ có thể đến và yêu cầu nhân viên của họ điều tương tự. Chính vì vậy, hiện có nhiều người hơn đang được tiêm chủng cũng như đang được cứu sống.

Tính đến sáng 8/10, Nam Mỹ có 37.966.237 ca nhiễm COVID-19, với 1.159.373 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 21.532.558 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Dù số ca mắc mới theo ngày đã có dấu hiệu thuyên giảm, song châu Á vẫn tiếp tục là “điểm nóng dịch bệnh trên thế giới”, với 76.766.753 ca nhiễm COVID-19. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia trong khu vực soạn thảo lộ trình mở cửa trong điều kiện “bình thường mới’.

Ngày 7/10, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết chính phủ nước này đang chuẩn bị lộ trình “bình thường mới” để triển khai khi đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng trước COVID-19. Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã đánh giá cao thành tích tiêm chủng tại Indonesia với hơn 100 triệu liều vaccine đã được cung cấp tính đến nay. Như vậy, hiện Indonesia đang đứng thứ 5 thế giới về số người được tiêm liều thứ nhất và thứ 6 về tổng số liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Airlangga khuyến cáo người dân tiếp tục nâng cao cảnh giác để có thể duy trì thành tích chống COVID-19 hiện nay, để có thể nhanh chóng chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh đặc hữu.

Tính đến sáng 8/10, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.447.581 trường hợp, trong đó có 213.760 ca tử vong và 7.730.425 ca bình phục.

Hiện châu Đại Dương có 247.325 ca nhiễm COVID-19, với 3.126 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 120.043 ca, tiếp theo sau là Fiji với 51.386 ca.

Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 8/10, hiện 46,1% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 6,41 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 22,81 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp chỉ được cải thiện khiêm tốn, hiện ở mức 2,4%.

Nhằm đảm bảo sức khỏe của cộng đồng trong bối cảnh đại dịch, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi tài trợ 8 tỷ USD để tiêm chủng một cách công bằng cho 40% dân số thế giới cho đến cuối năm nay. Ông Guterres nhấn mạnh nếu không có một cách tiếp cận công bằng và được điều phối, việc giảm số ca mắc COVID-19 ở bất kỳ một quốc gia nào sẽ không được duy trì theo thời gian. Qua đó, người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi các nước giàu trong Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đưa ra cam kết "cả thế giới đều được tiêm chủng" tại Hội nghị thượng đỉnh của G20 sắp diễn ra vào cuối tháng này tại Rome (Italy)./.

T.Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực