Thế giới có hơn 273 triệu người nhiễm COVID-19

Thứ sáu, 17/12/2021 08:01
ĐCSVN) – Tính đến sáng 17/12, thế giới ghi nhận 273.175.962 trường hợp mắc COVID-19, với 5.351.916 ca tử vong. Sự lây lan đồng thời của hai biến thể Delta và Omicron đang khiến nhiều nước đứng trước nguy cơ phải đối mặt với một “trận sóng thần COVID-19” khi năm mới 2022 đang tới gần.
Người dân đi ngang qua một bức tranh mô tả nỗ lực của các nhân viên y tế chống lại COVID-19 ở Jakarta, Indonesia, ngày 16/12/2021. Đây cũng là thời điểm Indonesia công bố phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron là một nhân viên dọn dẹp tại một bệnh viện điều trị COVID-19 ở thủ đô Jakarta. (Ảnh: Xinhua)

Trong bài viết đăng trên nhật báo El Pais của Tây Ban Nha, Trưởng nhóm Kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Maria Van Kerkhove cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với một trận sóng thần COVID-19 do hai biến thể Delta và Omicron cùng lây lan. Đề cập tình hình ở châu Âu, nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao, bà Kerkhove cảnh báo Omicron được cho là sẽ tránh dược phản ứng miễn dịch ở một mức độ nào đó. Bà thúc giục chính phủ các nước hãy chuẩn bị kịch bản ứng phó với nguy cơ do các biến thể virus mới gây ra chứ không nên chờ đợi số ca nhập viện tăng rồi mới hành động.

Đồng quan điểm trên, các nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 16/12 đã gọi biến thể Omicron là "mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với nền y tế công cộng toàn cầu", cho rằng điều cấp bách "hơn bao giờ hết" lúc này là các quốc gia phải "hợp tác chặt chẽ".

Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 17/12, hiện 56,5% - tức hơn một nửa dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 8,59 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 36,4 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp chỉ được cải thiện chậm chạp, ở mức 7,5 %.

Còn về diễn biến dịch bệnh, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 17/12 cho thấy, hiện toàn thế giới có 245.270.225 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 22.553.821 ca bệnh đang điều trị thì có 22.464.511 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 89.310 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.

Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 79.648.580 trường hợp, trong đó có 1.477.339 ca tử vong và 69.618.054 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm và tử vong mới vì COVID-19 tại châu Âu cao nhất thế giới, lần lượt là 442.469 và 3.885 trường hợp. Cùng với sự lây lan đáng lo ngại của biến thể Omicron, Châu Âu hiện là tâm dịch của thế giới với số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục.

Sự lây lan của biến thể Omicron tại châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới đã làm gia tăng tính cấp bách cho Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) trong ngày 16/12, khi lãnh đạo các nước EU nỗ lực đưa ra cách tiếp cận thống nhất trong toàn khối.

Trước thềm hội nghị được tổ chức tại Brussels (Bỉ), Thủ tướng Ireland Micheal Martin cho biết Omicron là "mối quan tâm đáng kể do khả năng lây lan nhanh chóng của biến thể này đã đã tạo áp lực đối với xã hội và hệ thống y tế” và do đó các nước thành viên EU “cần có được sự phối hợp tốt hơn trên nhiều phương diện ". Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho rằng EU sẽ phải “có các biện pháp phòng dịch mới”, bên cạnh việc “đẩy nhanh quá trình tiêm chủng ngừa COVID-19”. Theo ông, đây là  "trận chiến chống lại thời gian".

Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo rằng “châu Âu sắp phải đối mặt một mùa Đông Omicron”, khi giới chuyên gia cảnh báo đây sẽ là “biến thể mới thống trị châu Âu” vào giữa tháng 1/2022. Bà cho rằng thời điểm này đặc biệt nguy hiểm, do mặc dù nhiều quốc gia thuộc EU đang dẫn đầu về tỷ lệ tiêm chủng ngừa COVID-19 trên toàn cầu, nhưng việc triển khai tiêm phòng vẫn chưa đồng nhất trên bình diện toàn khối.

Hiện Bắc Mỹ có 61.257.032 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.219.439 ca tử vong vì COVID-19.

Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 51.416.512 ca nhiễm và 824.277 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, Mỹ cũng là nước có số ca nhiễm COVID-19 mới cao nhất thế giới, với 124.221 ca. Các chuyên gia đang cảnh báo các ca nhiễm biến thể Omicron sẽ tiếp tục gia tăng tại Mỹ trong những ngày tới, gây ra làn sóng lớn các ca nhiễm và nhập viện trong bối cảnh nước này vẫn đang vật lộn với biến thể Delta.

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân bên trong một trung tâm thương mại ở thành phố Pasay, Philippines, ngày 16/12/2021. Trước đó một ngày, Philippines đã ghi nhận hai ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, đó là ở hai du khách đến từ Nigeria và Nhật Bản. (Ảnh: Xinhua)

Còn tại châu Á, trên cơ sở đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng, nhiều nước tiến tới việc mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh một cách thận trọng. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn đang hiện hữu cùng với sự xuất hiện của các ca nhiễm biến thể Omicron đã được ghi nhận tại nhiều nước trong khu vực.

Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực này là 83.427.851 trường hợp, với 1.236.868 ca tử vong và 80.649.095 ca điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận 72.300 ca nhiễm mới.

Tính đến sáng 17/12, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 9.174.151 trường hợp, trong đó có 225.990 ca tử vong và 8.311.391 ca bình phục. Trong tổng số 636.770 ca đang điều trị thì có 1.401 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.255.816 ca nhiễm COVID-19 và 90.262 ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 3.502 ca nhiễm COVID-19. Hiện khu vực này có tổng số 400.030 trường hợp ca mắc COVID-19, với 4.382 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 238.945 ca, tiếp theo sau là Fiji với 52.604 ca. Tình hình dịch bệnh tại Australia được dự báo là diễn biến phức tạp khi người dân nước này đang đổ xô đến các trung tâm mua sắm để mua những món quà Giáng sinh vào “phút chót” và chuẩn bị quây quần bên gia đình trong kỳ nghỉ lễ. Australia cũng đồng thời đang đối mặt với làn sóng xuất hiện của biến thể Omicron gây bệnh COVID-19./.

T.Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực