|
Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh này bùng phát trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lây lan mạnh. (Ảnh: AFP) |
Theo trang thống kê thống kê trực tuyến worldometers.info, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, với 135.480.969 ca nhiễm, trong đó có 1.637.307 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 104.223.367 ca nhiễm và 1.304.799 ca tử vong. Bắc Mỹ ghi nhận 91.418.632 ca nhiễm và 1.341.361 ca tử vong; Nam Mỹ có 50.454.964 ca nhiễm và 1.225.719 ca tử vong.
Hết ngày 6/2, châu Âu ghi nhận 960.451 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó 1.789 ca tử vong vì dịch bệnh. Pháp, Anh, Nga là các quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm COVID-19.
Giới chức Nga ngày 6/2 cho biết nước này ghi nhận 180.071 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh này bùng phát ở Nga, trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lây lan rộng. Bên cạnh đó, giới chức Nga xác nhận có thêm 661 ca tử vong do COVID-19 trong 1 ngày qua, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 335.414 ca trong tổng số 12.810.118 ca nhiễm bệnh.
Tại châu Á, trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 590.028 ca mắc và 2.087 trường hợp tử vong mới vì đại dịch. Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực và thứ 2 thế giới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận 42.271.202 ca mắc COVID-19, trong đó 502.905 ca tử vong vì dịch bệnh.
Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya ngày 6/2 thông báo nhà chức trách nước này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine COVID-19 đơn liều Sputnik Light. Ông Mandaviya khẳng định quyết định này sẽ tăng cường hơn nữa nỗ lực của Ấn Độ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Hiện Sputnik Light đã được đăng ký tại hơn 30 quốc gia với tổng dân số trên 2,5 tỷ dân. Một số quốc gia như Argentina, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), San Marino và Philippines đã cho phép sử dụng Sputnik Light làm liều tăng cường.
Campuchia ngày 6/2 ghi nhận 111 ca nhiễm mới biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Đây là ngày thứ hai liên tiếp nước này ghi nhận số ca nhiễm biến thể này tăng ở mức 3 con số. Bộ Y tế Campuchia cho biết trong số ca nhiễm mới có 16 ca nhập cảnh và 95 ca lây nhiễm trong nước. Bộ này cho biết thêm Campuchia đã không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19 trong 33 ngày qua. Cho đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 1.332 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 544 ca nhập cảnh và 788 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại Bắc Mỹ, khu vực này ghi nhận có 91.418.632 ca nhiễm COVID-19, trong đó 1.341.361 ca tử vong vì dịch bệnh. Các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch tại khu vực bao gồm: Mỹ, Mexico, Canada, Cuba, Guatemala, Costa Rica, Panama…
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh tại châu lục trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 78.002.350 ca nhiễm COVID-19, trong đó 925.832 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất khu vực gồm: Mỹ (35.659 ca); Mexico (35.243 ca); Canada (5.958 ca)…
Tại Nam Mỹ, các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile… lần lượt đứng đầu khu vực vì mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID19. Brazil hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bới dịch bệnh tại khu vực và thứ 3 thế giới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận có 26.533.010 ca nhiễm, trong đó 632.193 ca tử vong vì COVID-19.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này ghi nhận 11.190.321 ca nhiễm, trong đó 241.699 ca tử vong vì dịch bệnh. Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại châu lục. Nước này ghi nhận có 3.623.962 ca nhiễm COVID-19, trong đó 95.835 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm, Morocco, Tunisia, Libya, Ethiopia, Ai Cập...
Châu Đại dương ghi nhận có 2.929.678 ca nhiễm COVID-19, trong đó 6.615 ca tử vong vì dịch bệnh. Australia, Fiji và French Polynesia vẫn đang dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong 24 giờ qua, khu vực có 5 quốc gia ghi nhận có ca nhiễm mới COVID-19, bao gồm Australia (22.839 ca); New Zealand (227 ca); Palau (61 ca); Kiribati (156 ca); và Tonga (2 ca).
Tại Australia, Thủ tướng Scott Morrison cho biết sẽ sớm mở cửa trở lại biên giới nước này để đón khách du lịch quốc tế và Quốc hội sẽ bàn thảo vấn đề này trong tuần. Theo ông Morrison, việc mở cửa biên giới sẽ diễn ra khi Australia có thể đạt được trạng thái an toàn. Ông hy vọng kế hoạch này sẽ nhanh chóng được thực hiện.
Australia đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020, tuy nhiên trong những tháng gần đây nước này đã bắt đầu quá trình mở cửa trở lại một cách thận trọng, theo đó chỉ cho phép nhập cảnh đối với công dân và cư dân Australia người di cư có tay nghề cao, sinh viên quốc tế và một số lao động thời vụ./.