Thế giới ghi nhận gần 859.000 ca nhiễm COVID-19 chỉ trong một ngày

Thứ bảy, 24/04/2021 06:46
(ĐCSVN) – Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 24/4 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 146.183.332 ca, trong đó 3.097.928 ca tử vong và 124.299.327 ca đã được chữa khỏi.

Trong ngày hôm qua, thế giới ghi nhận thêm 858.693 ca nhiễm mới. Trong đó, Mỹ - nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19 - ghi nhận số ca nhiễm mới là  55.974 ca và số ca tử vong mới là 677, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt là 32.725.095        ca và 584.962    ca.

 Liên tiếp trong những ngày qua, Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong một ngày (Ảnh: The Indian Express)

Ấn Độ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai bởi đại dịch. Với số ca nhiễm mới cao kỷ lục 345.147 ca trong ngày 23/4, tổng số ca nhiễm ở Ấn Độ đã lên tới 16.602.456 ca, trong đó 189.549 ca tử vong Đây là mức cao chưa từng thấy kể từ khi bắt đầu đại dịch ở nước này. Sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc khiến hệ thống y tế của Ấn Độ ở nhiều bang và thành phố đang phải chịu gánh nặng lớn.Trước tình hình dịch bệnh gia tăng, Chính phủ Ấn Độ đã áp đặt các biện pháp mới nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Một số kỳ thi trung học đã phải hoãn hoặc hủy do tình hình dịch bệnh xấu đi.

Brazil trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca mắc với 14.237.078          ca và số ca tử vong là 386.416. Riêng ngày hôm qua, nước này ghi nhận thêm 64.939 ca nhiễm mới.

Châu Âu là  khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (43.656.415 ca). Với 37.825.926 ca mắc, Bắc Mỹ là khu vực bị ảnh hưởng thứ hai. Tiếp đến là châu Á với 36.090.851 ca và Nam Mỹ với 24.023.670 ca. Châu Phi (4.523.778 ca) và châu Đại Dương (61.971 ca) là 2 khu vực ít bị ảnh hưởng nhất.

Tại Bắc Mỹ, Mexico là quốc gia có số ca mắc COVID-19 đứng thứ hai (sau Mỹ - quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về số ca mắc và tử vong). Hiện Mexico ghi nhận 2.319.519 ca nhiễm, 214.095          ca tử vong.

Tại Nam Mỹ, sau Brazil, Argentina là nước chịu ảnh hưởng lớn thứ hai bởi đại dịch với 2.824.652 ca nhiễm, trong đó 64.939  ca đã tử vong.

Tại châu Phi, Nam Phi vẫn là quốc gia đứng đầu khu vực về số ca nhiễm với 1.572.985 ca, trong đó 54.066 ca đã tử vong.

Châu Đại Dương là khu vực bị ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch. Trong đó, Australia ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất với 29.626 ca, trong đó 910 ca đã tử vong.

Tại châu Âu, giới chức y tế Bỉ thông báo ghi nhận sự xuất hiện của biến thể virus tại Ấn Độ ở quốc gia này. Cụ thể, biến thể mới được phát hiện ở 20 sinh viên điều dưỡng từ Paris (Pháp) đến Bỉ hồi giữa tháng 4. Nhóm có tổng cộng 43 sinh viên đã được cách ly ngay khi nhập cảnh. Các chuyên gia cho rằng nhóm đã bị lây bệnh từ một bệnh nhân siêu lây nhiễm, có thể là một thành viên của nhóm hoặc từ một hành khách khác cũng có mặt trên chuyến đi từ Pháp tới Bỉ.

Tại châu Á, trong 24 giờ qua, Campuchia đã ghi nhận thêm 655 ca lây nhiễm mới - mức cao nhất từ trước tới nay. Trong số này, có 1 ca nhập cảnh, còn lại là lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia là 8.848 người, trong đó 8.301 ca liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2. Tổng số ca tử vong do COVID-19 là 61 người. Dù đã ban bố lệnh phong tỏa, song thủ đô Phnom Penh và tỉnh Preah Sihanouk vẫn có số ca nhiễm mới cao nhất trên cả nước. Trước tình hình trên, Campuchia tiếp tục siết chặt lệnh phong tỏa với việc thực thi nghiêm những biện pháp hành chính tại nhiều địa phương. Liên tiếp trong 2 ngày qua, đã có 26 người bị bắt giữ vì vi phạm lệnh phong tỏa cấm đi lại giữa các tỉnh.

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng, chống COVID-19 xác nhận có thêm 65 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tất cả đều là lây nhiễm cộng đồng, bao gồm 60 ca ở thủ đô Viêng Chăn, 2 ca ở tỉnh Champasak, 2 ca ở tỉnh Bokeo và 1 ca ở tỉnh Viêng Chăn. Đây là mức tăng trong ngày cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Lào. Trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, thêm nhiều tỉnh của Lào đã ra lệnh hạn chế đi lại và tạm thời cấm ra, vào tỉnh trong đó có Khammuan, Bolikhamxay, tỉnh Viêng Chăn và Xieng Khouang. Tính tới thời điểm hiện tại, Lào đã ghi nhận tổng cộng 159 ca mắc COVID-19, không có ca nào tử vong. Tuy nhiên, chỉ trong hơn 20 ngày đầu tháng 4, thủ đô Viêng Chăn đã có tới hơn 90 ca lây nhiễm trong cộng đồng, cho thấy tình hình COVID-19 tại Lào đang ở giai đoạn rất căng thẳng, đặc biệt là trong những ngày tới.

Trong khi đó, giới chức Thái Lan vừa đưa ra cảnh báo rằng nếu số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tiếp tục ở mức 1.500 ca/ngày thì tất cả các giường chăm sóc tích cực (IUC) ở thủ đô Bangkok sẽ kín bệnh nhân trong vòng 1 tuần và trên toàn quốc trong vòng 19 ngày. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh ngày 23/4, Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục, với 2.070 ca, đưa tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này tính đến hiện tại là 50.183 ca, trong đó có 121 người không qua khỏi.

Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây gồm: Osaka, Kyoto và Hyogo. Đây là lần thứ 3 Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở 4 tỉnh, thành này. Quyết định trên, có hiệu lực từ ngày 25/4 tới ngày 11/5, được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới, nhất là số ca nhiễm các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, ở các tỉnh, thành này đã tăng mạnh trong những tuần qua, khiến hệ thống y tế ở nhiều địa phương rơi vào tình trạng căng thẳng, trong khi kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng đang tới gần./.

 

Kiều Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực