Thế giới tuần qua (22-28/1): Những tín hiệu cảnh báo

Chủ nhật, 28/01/2024 10:47
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Tuần qua (22-28/1), thế giới trải qua nhiều sự kiện đáng chú ý, trong đó việc cơ quan quyền lực Liên hợp quốc nhóm họp về tình hình Trung Đông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực tái thiết hòa bình, thông qua việc phát đi những tín hiệu cảnh báo về những diễn biến bất ổn tại khu vực từ lâu vẫn luôn là tâm điểm của thế giới.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thảo luận về căng thẳng ở Trung Đông

 Khung cảnh đổ nát ở Jabalia sau các cuộc tấn công của Israel. (Ảnh: Emad Gabon/Reuters) 

Chiều 23/1 theo giờ địa phương, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng ở Dải Gaza cũng như toàn bộ khu vực Trung Đông.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực đang lan khỏi Gaza, thương vong gia tăng ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem; các vụ giao tranh giữa lực lượng vũ trang Israel và Liban, các tấn công tại Syria và Iran, cũng như tình hình bất ổn trên Biển Đỏ.

Người đứng đầu Liên hợp quốc tái khẳng định giải pháp hai nhà nước là lối thoát duy nhất cho khủng hoảng, đồng thời kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức và trả tự do vô điều kiện cho các con tin. Ông Guterres hối thúc cộng đồng quốc tế đoàn kết để thúc đẩy một tiến trình hòa bình có ý nghĩa ở khu vực này.

Tại phiên họp, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng, Hội đồng Bảo an đến nay vẫn chưa có phản ứng thích hợp để chấm dứt xung đột hay triển khai các bước đi nhằm ngăn chặn bất ổn leo thang ở Trung Đông. Ông Lavrov đề nghị trao cho người Palestine quyền dân chủ để tự quyết.

Bà Uzra Zeya, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington sẽ tiếp tục tiến hành các nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng, kêu gọi các nhà lãnh đạo Israel hành động nhiều hơn nữa để bảo vệ dân thường, nhân viên nhân đạo và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Trương Quân khẳng định cuộc họp của Hội đồng Bảo an phải phát đi thông điệp đoàn kết. Nhà ngoại giao Trung Quốc nêu rõ phải ưu tên đạt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, mọi thành viên cộng đồng quốc tế cần có những nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy điều này, đồng thời ngăn chặn xung đột lan rộng ra toàn Trung Đông. Đại sứ Trương Quân cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải "hồi sinh" giải pháp hai nhà nước và giờ là thời điểm trao cho Palestine tư cách thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc.

Nga chú trọng phát triển hợp tác với Đông Nam Á

Chủ tịch đảng Nước Nga thống nhất, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. (Ảnh: TASS)

Hãng tin TASS ngày 23/1 dẫn lời Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, Chủ tịch đảng Nước Nga Thống nhất, ông Dmitry Medvedev cho biết Moskva chú trọng phát triển hợp tác với các nước ở Đông Nam Á - khu vực có vai trò quan trọng trong việc hình thành cấu trúc quan hệ quốc tế mới.

Ông Medvedev lưu ý bất chấp tình hình bất ổn trên toàn cầu ngày một gia tăng, hợp tác giữa Nga và ASEAN vẫn diễn ra tốt đẹp vì dựa trên "quan điểm gần gũi giữa hai bên về các vấn đề toàn cầu và khu vực."

Ông lưu ý: “Điều quan trọng là cả Nga và ASEAN đều quyết tâm tiếp tục tăng cường các mối quan hệ này. Chúng tôi quyết tâm mở rộng hợp tác bình đẳng phi chính trị hóa trong khuôn khổ hiệp hội ASEAN.”

Cũng theo ông Medvedev, Nga cam kết tuân thủ các nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng và sẽ phát triển quan hệ hợp tác "đã được ứng dụng" trong Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.

Tại cuộc gặp gặp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cũng nhấn mạnh các nước thành viên ASEAN và Nga cần hợp tác nhằm đối phó với các thách thức đối với an ninh quốc tế.

Theo ông, các chính đảng của các nước ASEAN và đảng Nước Nga Thống nhất cần tăng cường hợp tác hiệu quả hơn nữa dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi.

Hiện, Lào đang giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2024.

Kênh đào Suez vẫn hoạt động bình thường bất chấp căng thẳng ở Biển Đỏ

 Hoạt động hàng hải qua Kênh đào Suez vẫn diễn ra bình thường bất chấp căng thẳng ở Biển Đỏ. (Ảnh: SCA)

Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie ngày 25/1 cho biết, hoạt động hàng hải qua Kênh đào Suez vẫn diễn ra bình thường kể từ khi bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ và eo biển Bab Al-Mandeb.

Tuy nhiên doanh thu bằng đồng USD của Kênh đào Suez trong 2 tuần đầu tháng 1/2024 đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượng tàu di chuyển qua tuyến hàng hải này giảm 30%.

Theo ông Osama Rabie, so với các tuyến đường biển thay thế, Kênh đào Suez giúp các hãng vận tải tiết kiệm được mức tiêu thụ nhiên liệu từ 10-90% tùy thuộc vào cảng đi và cảng đến, qua đó giảm mạnh lượng khí thải carbon. Trong năm 2023, hoạt động vận chuyển qua Kênh đào Suez đã giúp giảm gần 55,4 triệu tấn khí thải carbon và tiết kiệm gần 16,9 triệu tấn nhiên liệu.

Trong thời gian qua, căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ khi lực lượng Houthi tiếp tục tấn công các tàu mà lực lượng này cho là liên quan tới Israel gần eo biển Bab Al-Mandeb. Đáp trả các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào tàu thuyền ở Biển Đỏ, Mỹ và Anh tiến hành không kích các mục tiêu của Houthi ở Yemen. Do lo ngại tình hình an ninh, một số hãng vận tải biển đã dừng vận chuyển qua Biển Đỏ và chọn tuyến đường vòng qua Mũi Hảo Vọng của châu Phi.

Các cuộc tấn công vào tàu thương mại ở Biển Đỏ gần đây đã gia tăng, thổi bùng những rủi ro đe dọa gián đoạn dòng chảy vận tải hàng hải qua Biển Đỏ.

Một báo cáo mới đây của ngân hàng ING đánh giá tình hình Biển Đỏ gây nên nhiều rủi ro về nguồn cung cho các thị trường hàng hóa, trong đó thị trường năng lượng dễ bị tổn thương nhất.

Mối lo ngại được ING ưu tiên đề cập trong báo cáo là sự gián đoạn của thị trường dầu mỏ và năng lượng toàn cầu. Theo ING, khoảng 12% tổng lượng giao dịch dầu mỏ bằng đường biển toàn cầu đi qua Biển Đỏ, khiến nơi đây trở thành tuyến đường quan trọng đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế.

Trung Quốc chính thức bước vào kỳ Xuân vận dự kiến lớn kỷ lục

 Hành khách tại một nhà ga thuộc tỉnh An Huy phía Đông Trung Quốc, ngày 26/1/2024. (Ảnh: Xinhua)

Ngày 26/1, Trung Quốc chính thức bước vào kỳ Xuân vận di chuyển lớn nhất hành tinh.

Trong vòng 40 ngày, đất nước tỷ dân huy động mạnh lượng tàu xe để phục vụ cho việc đi lại dịp Xuân vận, dự báo đạt mức cao kỷ lục với khoảng 9 tỷ chuyến đi liên tỉnh về quê ăn Tết, du lịch.

Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc dự kiến sẽ xử lý kỷ lục 80 triệu chuyến hành khách từ ngày 26/1 đến ngày 5/3, tăng gần 45% so cùng kỳ năm 2023. Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh dự kiến xử lý 7,2 triệu lượt chuyến đi, tăng 60% so với cùng kỳ.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin khoảng 80% trong 9 tỷ lượt người trở về sum họp bên gia đình vào dịp này tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Đây cũng là tỷ lệ cao chưa từng có. Số còn lại sử dụng dịch vụ đường sắt, hàng không và đường thủy. Con số trên cao gần gấp đôi so với 4,7 tỷ lượt người ghi nhận trong kỳ Xuân vận năm 2023 khi các biện pháp phong tỏa phòng dịch COVID-19 cực kỳ nghiêm ngặt được dỡ bỏ.

Theo CCTV, dự kiến chỉ riêng trong ngày 26/1, ngày đầu của kỳ Xuân vận sẽ có khoảng 11 triệu lượt đi lại bằng tàu. Trong vòng 40 ngày quanh dịp Tết Nguyên đán 2024, ước tính có khoảng 480 triệu lượt đi lại bằng tàu trên toàn quốc, tăng 38% so với năm 2023 và 17% so với mức ghi nhận năm 2019, trước khi bùng phát COVID-19.

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý Hàng không Trung Quốc dự kiến số lượt hành khách trong đợt Xuân vận năm nay sẽ tăng lên 80 triệu lượt, cao hơn 9,8% so với năm 2019. Riêng hai sân bay chính tại thủ đô Bắc Kinh có thể ghi nhận kỷ lục 76.000 chuyến cất cánh và hạ cánh trong giai đoạn này, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giới chức hàng không dân dụng Trung Quốc đã bố trí thêm hơn 2.500 chuyến bay quốc tế tới các điểm đến châu Á, trong đó có khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc.

NASA kết thúc sứ mệnh của trực thăng thám hiểm Ingenuity trên Sao Hỏa

Hình ảnh trực thăng thám hiểm Sao Hỏa Ingenuity (trái) được chụp từ camera của tàu thăm dò Perseverance, ngày 6/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Ngày 25/1, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết trực thăng Ingenuity đã chính thức kết thúc sứ mệnh kéo dài gần ba năm trên Sao Hỏa, sau khi bị hỏng cánh quạt trong chuyến bay cuối cùng.

Ingenuity có kích thước bằng chiếc hộp khăn giấy, nặng khoảng 2kg, được đưa lên Sao Hỏa cùng xe tự hành Perseverance vào ngày 19/4/2021.

Mục đích ban đầu của Ingenuity là chứng thực khả năng bay trong bầu khí quyển siêu mỏng của Sao Hỏa thông qua năm chuyến bay thử nghiệm.

Tuy nhiên, trên thực tế, Ingenuity đã tiến hành 72 chuyến bay, với tổng thời gian cất cánh khoảng hai giờ.

Nhiệm vụ của trực thăng Ingenuity sau đó được mở rộng thành hỗ trợ xe tự hành Perseverance tìm kiếm những dấu hiệu sự sống từ cách đây hàng tỷ năm, khi Sao Hỏa còn ẩm ướt và ấm hơn so với ngày này.

Trong chuyến bay cuối cùng ngày 18/1, sự cố mất điện tạm thời đã xảy ra trong lúc Ingenuity chuẩn bị hạ cánh, ở khoảng cách gần 1m so với bề mặt Sao Hỏa và làm gián đoạn liên lạc với trung tâm điều khiển ở Trái Đất.

NASA cho biết nguyên nhân của sự cố vẫn đang được điều tra. Mặc dù đã kết thúc sứ mệnh, song Ingenuity đã mở đường cho các chuyến bay tương lai trong hệ Mặt Trời, đồng thời định hướng cho các sứ mệnh thông minh và an toàn hơn của nhân loại trên Sao Hỏa và xa hơn./.

 
PV (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực