Thiên tai, hỏa hoạn xảy ra ở nhiều nước
*Động đất ở Nepal: Theo báo cáo mới nhất của giới chức Nepal, số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất xảy ra vào tối 3/11 ở vùng núi phía Tây của nước này đã lên tới ít nhất 157 người. Hiện các lực lượng an ninh đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường hỗ trợ nhân viên cứu nạn tìm kiếm người mất tích trong những đống đổ nát ở khu vực gần tâm chấn trận động đất.
Hiện các lực lượng an ninh đã được triển khai cả trên bộ và trên không để hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, công tác cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn do có nhiều tuyến đường dẫn tới khu vực bị nạn đã bị phá hủy trong trận động đất. Trong khi đó, bệnh viện địa phương đang trong tình trạng quá tải do nhiều người bị thương được đưa đến cấp cứu.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USSG), các trận động đất tại Nepal tương đối nông, có xu hướng gây ra nhiều thiệt hại và dư chấn hơn so với động đất xảy ra sâu dưới bề mặt Trái Đất.
|
Động đất gây thiệt hại nặng nề về người và của ở Nepal. (Ảnh: Getty Images) |
*Lũ lụt ở Ethiopia: Hơn 20 người đã thiệt mạng và hơn 12.000 gia đình phải đi sơ tán tại vùng Somali của Ethiopia do lũ lụt lớn sau mưa lớn kéo dài. Chính quyền vùng Somali cho biết nhiều cây cầu và đường sá đã bị phá hủy vì mưa như trút nước. Mùa màng và động vật nuôi cùng nhiều tài sản đã bị hư hại. Lực lượng cứu hộ gặp nhiều khó khăn khi nỗ lực tiếp cận với các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Thông báo của cơ quan chức năng cho biết: “Mưa ngày càng nhiều và dự báo cho thấy nguy cơ lụt lội vẫn cao”.
*Bão Otis ở Mexico: Ngày 1/11, Bộ trưởng Tài chính Mexico Rogelio Ramirez De La O cho biết, Chính phủ nước này vừa phê duyệt gói hỗ trợ tài chính trị giá 61,3 tỷ peso (3,4 tỷ USD) nhằm tái thiết thành phố du lịch biển Acapulco, bang Guerrero vừa bị siêu bão Otis tàn phá tuần trước. Siêu bão Otis đã khiến 46 người thiệt mạng và 58 người mất tích; gây thiệt hại kinh tế 15 tỷ USD. Khoảng 273.000 nhà ở, 600 khách sạn và 120 bệnh viện bị hư hại, nhiều nhà hàng và cơ sở kinh doanh bị bão tàn phá. Bão Otis được xem là một trong những cơn bão mạnh nhất tràn vào quốc gia Mỹ Latinh này trong 30 năm.
* Hỏa hoạn tại Iran: Ít nhất 32 người đã thiệt mạng và 16 người khác bị thương trong vụ hỏa hoạn lớn xảy ra vào sáng 3/11 tại trung tâm cai nghiện ma túy ở thành phố Langarud thuộc tỉnh Gilan, miền Bắc Iran. Theo Phó Thống đốc tỉnh trên, kết quả điều tra ban đầu cho thấy một thiết bị sưởi tại trung tâm là nguồn gốc gây ra vụ hỏa hoạn, song không nêu rõ cụ thể.
Nguy cơ lan rộng xung đột ở khu vực Trung Đông
Cuộc xung đột đẫm máu giữa Israel và Hamas phải được chấm dứt ngay lập tức để ngăn chặn nguy cơ lan rộng ra toàn bộ khu vực Trung Đông. Đây là lời cảnh báo của đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya đưa ra trong phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 2/11.
|
Xung đột Hamas-Israel đã bước sang tuần thứ 5 mà không có dấu hiệu hạ nhiệt. (Ảnh: Getty Images) |
Căng thẳng ở Trung Đông đã leo thang đột ngột sau khi phong trào Hamas thực hiện các cuộc tấn công bất ngờ từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel. Phong trào Hamas coi đây là phản ứng trước các hành động gần đây của chính quyền Israel đối với Nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa trên Núi Đền ở Jerusalem. Đáp lại, Israel tuyên bố phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza và bắt đầu thực hiện các cuộc tấn công vào vùng đất này cũng như một số khu vực ở láng giềng Li-băng và Syria. Hiện các cuộc đụng độ ác liệt giữa Hamas và lực lượng Israel vẫn đang tiếp tục diễn ra ở Bờ Tây.
Xung đột Hamas-Israel đã bước sang tuần thứ 5 mà không có dấu hiệu hạ nhiệt. Cơ quan y tế ở Dải Gaza ngày 4/11 thông báo ít nhất 9.488 người Palestine, trong đó có khoảng 3.900 trẻ em, thiệt mạng. Theo số liệu từ Israel, nước này đã ghi nhận khoảng 1.400 người thiệt mạng, hầu hết là dân thường, và khoảng 240 người bị bắt làm con tin.
Trong khi đó, theo số liệu sơ bộ, đã có từ 800.000 đến 1 triệu người dân Palestine di chuyển đến phía Nam Gaza trong khi khoảng từ 350.000-400.000 người vẫn ở lại khu vực phía Bắc.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA) đã kêu gọi gây quỹ hỗ trợ khẩn cấp 1,2 tỷ USD để giúp 2,7 triệu người dân ở Dải Gaza và Bờ Tây. Con số này đã tăng mạnh so với mức kêu gọi tài trợ 294 triệu USD cứu trợ gần 1,3 triệu người mà OCHA đưa ra ngày 12/10 vừa qua. Theo tổ chức này, tình hình đã xấu đi nghiêm trọng kể từ thời điểm nói trên.
Căng thẳng leo thang trong quan hệ giữa Belarus và Ba Lan
Ngày 3/11, Bộ Ngoại giao Belarus thông báo đã triệu Đại biện lâm thời Ba Lan, ông Martin Wojciechowski, sau khi cho rằng một máy bay từ phía Ba Lan đã vi phạm biên giới quốc gia Belarus.
|
Trực thăng Mi-24. (Ảnh minh họa: Sputnik) |
Thông báo trên trang web Bộ Ngoại giao Belarus nêu rõ: "Ngày 3/11, Đại biện lâm thời CH Ba Lan tại CH Belarus, ông Martin Wojciechowski, đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao. Trong cuộc gặp, nhà ngoại giao Ba Lan được thông báo về sự phản đối mạnh mẽ liên quan tới việc một máy bay từ phía CH Ba Lan đã xâm phạm biên giới quốc gia CH Belarus ngày 2/11”. Belarus yêu cầu điều tra kỹ lưỡng vụ việc này và áp dụng các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn những trường hợp tương tự trong tương lai.
Quan hệ giữa Belarus và Ba Lan đã gia tăng căng thẳng sau khi Minsk ngày 1/9 cáo buộc một máy bay trực thăng quân sự của Vácsava vi phạm không phận Belarus. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Belarus cho biết đã triệu Đại biện lâm thời Ba Lan tại Minsk để yêu cầu phía Ba Lan giải thích thỏa đáng và tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về vụ việc này.
Quan hệ giữa Belarus và Ba Lan vốn bị đóng băng trong nhiều năm tiếp tục rơi xuống mức thấp hơn nữa trong thời gian qua. Đầu tháng 8 năm nay, Bộ Quốc phòng Ba Lan tuyên bố sẽ tăng cường điều quân đến biên giới miền Đông, giáp với Belarus, sau khi cáo buộc có 2 máy bay trực thăng của Belarus vi phạm không phận Ba Lan. Tuy nhiên, quân đội Belarus phủ nhận cáo buộc trên và cho rằng Ba Lan đang "tạo cớ" để biện minh cho việc tăng cường quân cũng như phương tiện đến biên giới giữa hai nước.
Du lịch và lữ hành toàn cầu đứng trước thách thức về môi trường
Ngành du lịch và lữ hành trên toàn cầu đang phải đối mặt với thách thức lớn về môi trường khi lượng phát thải khí nhà kính của ngành tiếp tục gia tăng. Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) Julia Simpson đã cảnh báo như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần thứ 23 của WTTC diễn ra ngày 2/11 ở thủ đô Kigali của Rwandan.
|
Giao thông vận tải là nguồn phát thải khí nhà kính cao nhất trong ngành du lịch và lữ hành toàn cầu. (Ảnh minh họa) |
Tại hội nghị, bà Simpson cho biết giao thông vận tải là nguồn phát thải khí nhà kính cao nhất, chiếm khoảng 40% lượng phát thải toàn ngành, tiếp đến là tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là tiêu thụ điện, chiếm khoảng 20%. Để giảm thiểu tác động của ngành du lịch-lữ hành đối với môi trường, bà kêu gọi các nhà lãnh đạo ngành ưu tiên phát triển xe điện và sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).
Lượng khí thải nhà kính của "ngành công nghiệp không khói" trị giá hàng nghìn tỷ USD đang tăng nhanh chóng, chủ yếu do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tiêu hao nhiều năng lượng. Năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành du lịch và lữ hành tạo ra lượng khí thải tương đương 8,1% tổng lượng khí thải trên toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu WTTC lần thứ 23 diễn ra trong ba ngày từ 1-3/11, để thảo luận về tương lai của ngành du lịch và lữ hành toàn cầu. Hội nghị thu hút hơn 1.000 đại biểu tham gia, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia, các nhà hoạch định chính sách, quan chức chính phủ, lãnh đạo ngành du lịch và các nhà hoạt động vì môi trường từ khắp nơi trên thế giới.
Đây là lần đầu tiên WTTC tổ chức hội nghị thượng đỉnh toàn cầu tại châu Phi.
Eurozone có nguy cơ rơi vào suy thoái
Ngày 31/10, Văn phòng Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố các dữ liệu tăng trưởng kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cho thấy, nền kinh tế khu vực đồng Euro có nguy cơ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay sau khi tăng trưởng khu vực được ghi nhận ở mức âm trong quý III/2023.
|
Kinh tế khu vực Eurozone có nguy cơ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay sau khi tăng trưởng khu vực được ghi nhận ở mức âm trong quý III/2023. (Ảnh: shutterstock.com) |
Cụ thể, số liệu cho thấy kinh tế của 20 nước thuộc Eurozone giảm 0,1% trong quý III/2023, sau khi giảm 0,2% trong quý II. Con số này cho thấy những khó khăn kinh tế mà Eurozone đang đối mặt, trong đó có cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và mối lo ngại nhu cầu toàn cầu giảm.
Dữ liệu của Eurostat cũng cho thấy, lạm phát của Eurozone trong tháng 10 vừa qua giảm từ mức 4,3% của tháng 9 xuống mức 2,9%, thấp hơn so với mức dự báo trên 3%. Tỷ lệ lạm phát tháng 10 là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021 khi lạm phát khi đó được ghi nhận ở mức 2,2% và giảm so với mức đỉnh điểm 10,6% của tháng 10 năm ngoái sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra đã đẩy giá năng lượng tăng cao.
Theo Eurostat, giá năng lượng trong tháng 10 vừa qua tiếp tục giảm mạnh xuống mức 11,1% sau khi giảm 4,6% trong tháng trước. Đà tăng giá thực phẩm và đồ uống cũng chậm lại, tăng 7,5% trong tháng 10 so với mức tăng 8,8% trong tháng 9.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến nền kinh tế khu vực đồng Euro sẽ chỉ tăng trưởng 0,7% trong năm nay, 1% vào năm 2024 và 1,5% vào năm 2025.
Vào tuần trước, ECB đã giữ nguyên lãi suất, phá vỡ chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp sau khi lạm phát khu vực Eurozone giảm mạnh trong tháng 9 và nhiều bằng chứng về sự yếu kém của nền kinh tế./.