Vụ tấn công kinh hoàng tại trung tâm chăm sóc trẻ em ở Thái Lan
Cảnh sát Thái Lan cho biết vụ tấn công bằng súng và dao xảy ra tại một trung tâm chăm sóc trẻ em vào lúc 12 giờ 10 phút trưa 6/10 ại tỉnh Nong Bua Lamphu, Đông Bắc Thái Lan. Tổng cộng 36 người, trong đó có 24 trẻ em, đã bị sát hại trong vụ tấn công và 10 người bị thương, trong đó có 6 người bị thương nặng. Các nạn nhân bao gồm cả trẻ em và giáo viên trung tâm.
|
Một cảnh sát đứng bên ngoài hiện trường vụ thảm sát tại tỉnh Nong Bua Lampu, Thái Lan (Ảnh: Reuters). |
Nghi phạm đã mang theo 2 khẩu súng và 1 con dao khi đến trung tâm chăm sóc trẻ em nói trên, sau đó đã trốn khỏi hiện trường trên một chiếc xe mà y đánh cắp. Cảnh sát tỉnh Nong Bua Lamphu cho biết, thủ phạm là cựu cảnh sát Panya Khamrab, 34 tuổi, đã tự sát sau khi sát hại cả vợ và con trai 3 tuổi của mình.
Cảnh sát Thái Lan chưa công bố động cơ gây án của thủ phạm. Panya được biết đến là kẻ nghiện ma tuý nặng và có tính cách hung hãn. Đối tượng này đã bị sa thải khỏi ngành từ ngày 15/6 vì sở hữu ma tuý. Mẹ của y cho biết Panya đã đến toà án vào buổi sáng cùng ngày để nghe xét xử về vụ án liên quan ma tuý trước khi thực hiện vụ xả súng trên.
Kẻ thủ ác không còn, nhưng nỗi đau của các gia đình có người thiệt mạng vì vụ tấn công thì còn mãi. Đặc biệt, trong số những người thiệt mạng có 24 em nhỏ. Đây là vụ xả súng nghiêm trọng nhất tại Thái Lan kể từ sau một vụ tương tự xảy ra ngày 8/2/2020, khi một quân nhân xả súng bừa bãi vào Trung tâm thương mại Terminal 21 và một số địa điểm khác thuộc tỉnh Nakhon Ratchasima, Đông Bắc Thái Lan, làm 29 người thiệt mạng và 58 người bị thương trước khi bị cảnh sát tiêu diệt.
Sau khi xảy ra vụ tấn công kinh hoàng nói trên, ngày 7/10, Bộ Nội vụ Thái Lan đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để tìm biện pháp giải quyết vấn đề lạm dụng ma tuý và sở hữu súng ở Thái Lan. Cuộc họp cũng đưa ra hướng dẫn về việc bồi thường cho gia đình các nạn nhân và những người bị ảnh hưởng trong vụ xả súng.
Có ý kiến cho rằng, vụ xả súng nghiêm trọng vừa qua tại Đông Bắc Thái Lan sẽ không phải là vụ bạo lực cuối cùng và đã đến lúc xã hội Thái Lan phải suy nghĩ lại về việc sở hữu súng và vấn đề lạm dụng ma túy.
Ukraine ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky vừa kích hoạt một sắc lệnh của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia (NSDC) Ukraine nhằm loại trừ mọi khả năng tổ chức các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là thông tin được công bố trên trang web chính thức của Văn phòng Tổng thống Ukraine ngày 4/10, đánh dấu sự leo thang căng thẳng mới trong quan hệ giữa Moscow và Kiev.
Tài liệu được công bố trên trang web của Tổng thống Ukraine nhấn mạnh lập trường của NSDC cho rằng việc tổ chức các cuộc đàm phán với ông Putin là "không thể”. Với sắc lệnh này, ông Zelensky cũng chỉ thị Chính phủ chuẩn bị các đề xuất về việc thành lập một hệ thống đảm bảo an ninh đa cấp được thiết kế để tăng cường tiềm lực quốc phòng của Ukraine. Bên cạnh đó, ông Zelensky cũng kêu gọi Quốc hội đẩy nhanh quá trình thông qua các dự thảo luật liên quan về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Ngày 30/9, NSDC đã thông qua một quyết định nhằm đảm bảo an ninh và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukaine, sau khi Nga chính thức công nhận 4 khu vực ở Ukraine (gồm: Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk và Donetsk, Kherson, Zaporizhzhia) là lãnh thổ của Nga.
Vòng đàm phán trực tiếp gần đây nhất giữa Nga và Ukraine diễn ra tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 29/3 vừa qua. Trong buổi lễ ký Hiệp ước về sáp nhập 4 vùng lãnh thổ mới vào Nga, ngày 30/9, Tổng thống Putin kêu gọi Kiev chấm dứt ngay các hành động thù địch và quay trở lại bàn đàm phán. Việc ông Zelensky ký sắc lệnh bác bỏ khả năng đàm phán với Tổng thống Putin đã khiến triển vọng cải thiện quan hệ giữa hai láng giềng thông qua con đường đàm phán cấp cao, vốn đã nhiều trắc trở lại càng trở nên mờ nhạt.
Phản ứng sau khi Tổng thống Ukraine ký sắc lệnh chính thức tuyên bố loại trừ mọi khả năng đàm phán với Tổng thống Putin, ngày 4/10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định sẽ không thể đạt các thỏa thuận về Ukraine nếu Kiev từ chối đối thoại, bởi "đàm phán cần có hai bên".
Indonesia truy tố hình sự 6 người do vụ bạo loạn sân cỏ
Cảnh sát trưởng quốc gia Indonesia cho biết, có 6 người đang đối mặt với việc bị truy tố hình sự liên quan đến thảm kịch cuối tuần qua trên sân vận động ở tỉnh Đông Java, khiến ít nhất 131 người thiệt mạng.
|
Sự việc đáng tiếc trên sân vận động ngày 1/10 khiến ít nhất 131 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương (Ảnh: AFP) |
Cảnh sát đã xác định 6 đối tượng, dựa trên kết quả điều tra và bằng chứng đầy đủ. Các đối tượng này bao gồm 3 cảnh sát bị cáo buộc sử dụng hơi cay, 3 người chịu trách nhiệm về trận đấu và an ninh. Theo cảnh sát, các quan chức của câu lạc bộ Arema FC đã không tuân thủ các quy định an toàn, cho phép số lượng khán giả đến xem vượt sức chứa của sân vận động.
Các đối tượng trên sẽ bị truy tố với tội danh vô ý làm chết người, với mức án tối đa 5 năm tù nếu bị kết tội.
Trước đó, vào tối 1/10, vụ việc xảy ra sau khi trận thi đấu giữa hai CLB Arema FC và Persebaya Surabaya kết thúc với tỷ số 2-3. Do thất vọng vì đội nhà thua cuộc, các cổ động viên của CLB Arema FC đã lao vào sân, buộc cảnh sát phải bắn hơi cay vào cả đám đông trên sân lẫn trên khán đài để kiểm soát tình hình, dẫn đến việc đám đông giẫm đạp lên nhau và nhiều người bị ngạt thở. Ít nhất 131 người thiệt mạng và 323 người bị thương. Giới chức Indonesia cho biết trong số những người thiệt mạng có 17 trẻ em và thanh thiếu thiên, trong đó có trẻ 5 tuổi. Đây được coi là một trong những thảm họa kinh hoàng, cơn ác mộng bóng đá của những người yêu thể thao trên toàn thế giới.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo yêu cầu mở cuộc điều tra toàn diện liên quan đến vụ việc. Trong chỉ đạo được phát trực tiếp trên truyền hình, ông Widodo yêu cầu bộ trưởng các bộ thể thao, thanh niên và cảnh sát Indonesia vào cuộc rà soát, đánh giá lại việc đảm bảo an ninh trong các trận đấu bóng đá. Nhà lãnh đạo Indonesia cũng ra lệnh đình chỉ tất cả trận đấu thuộc giải bóng đá vô địch quốc gia Indonesia (BRI Liga 1) cho đến khi công tác đánh giá an toàn, an ninh hoàn tất.
IMF cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu
Ngày 6/10, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu đang ngày một gia tăng do các cú sốc kinh tế liên tiếp.
IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ mất 4.000 tỷ USD từ nay đến năm 2026. “Con số này tương đương GDP của cả nước Đức. Đây là bước lùi khổng lồ với nền kinh tế thế giới”.
|
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva. (Ảnh: AP) |
Người đứng đầu IMF cũng cảnh báo quá trình này sẽ khó khăn và nếu các Ngân hàng trung ương hành động quá quyết liệt để giảm áp lực về giá, có thể gây ra một cuộc suy thoái kinh tế "kéo dài".
Bà Georgieva cho biết, tại hội nghị thường niên dự kiến diễn ra vào tuần tới tại Washington (Mỹ), IMF có thể tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023. Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống còn 3,2% và năm 2023 xuống còn 2,9%. IMF đồng thời kêu gọi phối hợp hành động nhằm ngăn chặn những “điều không mong muốn” có thể xảy ra.
Bà Kristalina Georgieva cho biết, tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới là châu Âu, Trung Quốc, Mỹ đều đang giảm tốc. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga. Trung Quốc phải hứng chịu những gián đoạn liên quan đến đại dịch và sự suy thoái ngày càng sâu sắc của thị trường bất động sản, trong khi đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ cũng đang chậm lại...
Bà Kristalina Georgieva nhận định, thế giới đang ở trong giai đoạn "rất mong manh", trải qua nhiều cuộc khủng hoảng gồm đại dịch, xung đột tại Ukraine, thời tiết khắc nghiệt. Những sự kiện này đã khiến giá cả tăng vọt. "Chỉ trong chưa đầy 3 năm, chúng ta đã đi qua hàng loạt cú sốc liên tiếp", bà cho biết.
Lãnh đạo IMF thúc giục các nhà hoạch định chính sách tiếp tục chống lạm phát. Tuy nhiên, bà cảnh báo thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức sẽ đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái kéo dài.
Nhiều nguy cơ hiện hữu từ dịch bệnh
*Làn sóng dịch COVID-19 có nguy cơ quay trở lại châu Âu khi thời tiết khu vực này trở nên mát mẻ hơn, trong khi các chuyên gia y tế cho rằng chiến dịch tiêm liều tăng cường đang chậm lại.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 5/10 vừa qua, số ca nhiễm mới ở Liên minh châu Âu (EU) trong tuần trước là 1,5 triệu ca, tăng 8% so với tuần trước đó dù số lượt xét nghiệm giảm mạnh. Số ca nhập viện ở nhiều nước EU cũng như ở Anh cũng tăng lên trong những tuần gần đây. Theo số liệu của tổ chức nghiên cứu Gimbe, trong tuần kết thúc ngày 4/10, tại Italy, số ca nhập viện vì COVID-19 có triệu chứng đã tăng gần 32%, trong khi số ca nguy kịch tăng khoảng 21% so với tuần trước đó. Trong cùng thời gian này, số ca nhập viện tại Anh cũng tăng 45% so với tuần trước đó.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết số liều vaccine được tiêm chủng hằng tuần trong tháng 9 vừa qua tại EU chỉ từ 1 triệu đến 1,4 triệu liều, ít hơn rất nhiều so với khoảng từ 6-10 triệu liều/tuần ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái, ngay cả khi EU đầu tháng trước đã cấp phép cho 2 loại vaccine tăng cường ngừa COVID-19 được điều chỉnh để chống lại các dòng phụ của biến thể Omicron là BA.1, BA.4 và BA.5. Hiện Anh cũng mới chỉ cấp phép cho loại vaccine tăng cường ngừa dòng phụ BA.1.
Trong khi đó, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện đã lên tới con số gần 626 triệu ca, trong đó hơn 6,5 triệu người đã tử vong vì COVID-19.
|
Hình minh họa virus gây bệnh đậu mùa khỉ (Nguồn: .freepik.com) |
* Về bệnh đậu mùa khỉ, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ trên trang https://www.cdc.gov, tính đến ngày 4/10, cả thế giới ghi nhận 69.244 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 68.835 ca ở các nước chưa từng ghi nhận dịch bệnh này trong lịch sử.
Cho đến nay, bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở 107 nước, với 26 ca tử vong đã được xác nhận. Mỹ là nước có số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ cao nhất thế giới. Theo CDC Mỹ, California là bang có số ca mắc đông nhất của nước này với 5.010 ca, tiếp sau là New York 3.964 ca, Florida 2.55843 ca.
CDC Mỹ khẳng định trong tương lai gần, dịch bệnh này chưa thể xóa sổ tại Mỹ, song hiện nay mức độ lây lan đang dần chậm lại nhờ chương trình tiêm chủng vaccine phòng bệnh được mở rộng và người dân được nâng cao nhận thức về cách phòng tránh bệnh.
Trong khi đó, theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh châu Âu (ECDC), kể từ khi bắt đầu bùng phát bệnh đậu mùa khỉ và tính đến ngày 5/10, có 20.248 trường hợp xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo từ 29 quốc gia châu Âu. Trong đó, năm quốc gia báo cáo nhiều ca bệnh nhất kể từ khi bắt đầu bùng phát là: Tây Ban Nha (7.209 ca), Pháp (3.998 ca), Đức (3.631 ca), Hà Lan (1.215 ca) và Bồ Đào Nha (855 ca).
Mặc dù virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm từ động vật sang người, song các chuyên gia y tế nhấn mạnh sự lây lan toàn cầu gần đây là do tiếp xúc gần với người bệnh. Các triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, sưng hạch bạch huyết, phát ban hoặc tổn thương da./.