Thế giới tuần qua: Những quyết định cứng rắn

Chủ nhật, 25/09/2022 14:41
(ĐCSVN) – Tuần qua (19 – 25/9), sau hai năm gián đoạn, lần đầu tiên kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc quy tụ sự góp mặt trực tiếp của nhiều lãnh đạo thế giới. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế còn chứng kiến những quyết định cứng rắn khi Tổng thống Nga ký sắc lệnh tổng động viên quân đội; 4 khu vực ở Ukraine trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga; Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo; hay các quốc gia tăng tốc nhằm kiềm chế lạm phát…

Kỳ họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc: Việt Nam lần đầu tiên chủ trì Phiên thảo luận chung trên cương vị Phó Chủ tịch

 Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khai mạc phiên thảo luận chung khóa họp thứ 77 của ĐHĐ LHQ. (Ảnh: UN)

Ngày 20/9, kỳ họp Đại hội đồng (ĐHĐ) Liên hợp quốc (LHQ) bước vào tuần làm việc quan trọng tại New York (Mỹ) với các phiên họp toàn thể. Sau hai năm gián đoạn, đây là lần đầu tiên kỳ họp ĐHĐ LHQ quy tụ sự góp mặt trực tiếp của nhiều lãnh đạo thế giới. Sức hút của cuộc gặp năm nay càng tăng khi thế giới đối mặt nhiều thách thức, từ tình hình lạm phát, khủng hoảng lương thực cho tới tâm điểm là cuộc chiến ở Ukraine. Bên cạnh đó, cuộc họp thường niên năm nay có thể là lúc câu chuyện về "cải cách LHQ" trở thành tâm điểm.

Phiên thảo luận chung ĐHĐ LHQ khóa 77 đã khai mạc với chủ đề “Thời khắc bước ngoặt: Các giải pháp chuyển đổi trước những thách thức kết nối”. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Chủ tịch ĐHĐ khóa 77 Csaba Korosi và đông đảo lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ các nước thành viên LHQ đã tham dự phiên khai mạc chính thức ngày 20/9.

Tổng thư ký LHQ Gutteres cho rằng, tuy tình hình thế giới ngày càng chia rẽ, đầy thách thức nhưng vẫn tràn đầy hy vọng nếu cộng đồng quốc tế có thể chung tay góp sức, cùng hành động. Các thách thức toàn cầu như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, tiến độ thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), an ninh mạng đòi hỏi các nước cùng hợp tác, đối thoại để hướng tới tương lai. Ông Guterres cũng tuyên bố khởi động một Gói kích thích cho SDGs do G20 (Nhóm 20 nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) dẫn đầu nhằm đẩy mạnh phát triển bền vững tại các nước đang phát triển; đồng thời, kêu gọi các nước thực hiện các sáng kiến trong Báo cáo Chương trình nghị sự chung của chúng ta.

Về phần mình, Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 77 Csaba Korosi nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy các giải pháp thông qua đoàn kết, bền vững và khoa học. Ông cũng cho biết, sẽ tích cực thúc đẩy các cuộc họp lớn của LHQ dự kiến diễn ra trong thời gian tới như Hội nghị thượng đỉnh SDGs 2023, Hội nghị về nước của LHQ vào năm 2023 và Thượng đỉnh Tương lai vào năm 2024.

Vấn đề giải quyết khủng hoảng lương thực và nạn đói cũng là một chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của Tuần lễ cấp cao lần này. Hiện đã có hơn 200 tổ chức phi chính phủ (NGOs) kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới có mặt tại kỳ họp ĐHĐ LHQ lần này nỗ lực ngăn chặn nạn đói trên khắp thế giới bởi số liệu báo cáo cho thấy khoảng 50 triệu người ở 45 nước có nguy cơ rơi vào nạn đói; và có gần 20 ngàn người chết đói mỗi ngày.

Trong vai trò Việt Nam làm Phó Chủ tịch ĐHĐ LHQ khóa 77, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã tham gia điều hành khai mạc. Đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch ĐHĐ khóa 77, cơ quan lớn nhất của LHQ có thẩm quyền rộng khắp trong các lĩnh vực hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, là cơ hội lớn để Việt Nam góp phần vào trách nhiệm chung thúc đẩy hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu.

 Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Phiên thảo luận cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 77. (Ảnh: TTXVN)

Trong khuôn khổ ĐHĐ LHQ khóa 77 tại New York, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã tham dự tiệc chiêu đãi do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì và có các cuộc tiếp xúc song phương với một số quốc gia và tổ chức quốc tế. Ngày 24/9, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 77. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhận định thế giới đang ở thời khắc "bước ngoặt của lịch sử" khi tình trạng đối đầu, xung đột và các hành động vi phạm luật pháp quốc tế tiếp tục gia tăng, phản ánh cạnh tranh giữa các nước lớn và chủ nghĩa đơn phương. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần có những thay đổi căn bản về tư duy, định hình lại cách tiếp cận đối với các vấn đề toàn cầu, trong đó cần đặt con người vào trung tâm của mọi nỗ lực phát triển. Những trải nghiệm của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua cho thấy đoàn kết và hợp tác quốc tế chính là "chìa khóa" quan trọng cho quá trình này. Phó Thủ tướng Thường trực đề xuất cần loại bỏ xu hướng đối đầu, tư duy "được - mất" và thay vào đó cần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế một cách cởi mở, bao trùm, công bằng và cùng có lợi…

Tổng thống Nga ký sắc lệnh tổng động viên 300.000 quân

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình Nga ngày 21/9. (Ảnh: AP)

Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo ông đã ký sắc lệnh về động viên một phần quân đội, bắt đầu từ ngày 21/9.

Trong bài phát biểu được phát sóng truyền hình ngày 21/9, Tổng thống Putin khẳng định ông ủng hộ đề xuất của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang tiến hành động viên một phần trong nước và đã ký một sắc lệnh tương ứng.

Nhà lãnh đạo Nga chỉ rõ rằng lệnh động viên một phần sẽ liên quan tới nhân viên các cơ quan thực thi pháp luật, những công dân hiện đang trong diện dự bị cũng như các cựu quân nhân.

Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện hiện có để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và người dân của mình.

Tổng thống Putin cũng cho biết việc huy động quân sự một phần trong số 2 triệu quân dự bị của nước này là để bảo vệ Nga và các vùng lãnh thổ của nước này, đồng thời khẳng định phương Tây không muốn hòa bình ở Ukraine.

Tổng thống Putin khẳng định lại mục tiêu của mình là "giải phóng" khu vực trung tâm công nghiệp Donbass ở miền Đông Ukraine và hầu hết người dân trong khu vực không muốn chịu sự kiểm soát của chính quyền trung ương Kiev.

Đây là lần đầu tiên Nga ban bố lệnh động viên quân nhân kể từ sau Thế chiến II.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Putin, Bộ Quốc phòng Nga cho biết sẽ huy động 300.000 quân dự bị trong lệnh động viên một phần. Các binh sĩ được huy động đều từng phục vụ trong quân đội Nga hoặc các chuyên gia quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu cho biết 300.000 quân dự bị sẽ được huy động và huấn luyện trước khi triển khai lực lượng.

Ngay lập tức, Ukraine và các nước đã có những phản ứng với các động thái và tuyên bố mới nhất của Nga.

Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết, việc Nga ban bố lệnh động viên là bước đi có thể dự đoán được, do những khó khăn trên chiến trường mà Moscow gặp phải.

Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đã lập tức triệu tập họp khẩn giữa các Ngoại trưởng EU tại New York, Mỹ.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada và Phó Thủ tướng Đức cho rằng bước đi mới của Nga sẽ làm leo thang hơn nữa cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã nhấn mạnh lập trường nhất quán của nước này trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, kêu gọi tất cả các bên tham gia đối thoại, tham vấn và tìm cách giải quyết các mối lo ngại về an ninh của nhau.

4 khu vực ở Ukraine trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga

 Bỏ phiếu trực tiếp tại điểm tiếp nhận sẽ diễn ra duy nhất vào ngày 27/9. (Ảnh minh họa: EPA/TASS)

Ngày 23/9, người dân của tỉnh miền Đông Ukraine đã bắt đầu tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga. Đó là các khu vực Donetsk, Luhansk và 2 khu vực Kherson và một phần Zaporizhzhia, mới nằm trong tầm kiểm soát của Nga. Theo hãng thông tấn Nga TASS, các cuộc trưng cầu dân ý bắt đầu tại khu vực Lugansk từ ngày 23/9 và sẽ kéo dài đến ngày 27/9.

4 khu vực này sử dụng phương pháp truyền thống bầu trên giấy và không bỏ phiếu kỹ thuật số. Vì lý do an ninh, việc bỏ phiếu trực tiếp sẽ diễn ra vào duy nhất ngày 27/9. Trong 4 ngày trước đó, việc bỏ phiếu được tổ chức theo các địa phương, hoặc gửi các lá phiếu theo đường bưu điện, hoặc giới chức trách đến nhà thu phiếu. Kết quả dự kiến sẽ được công bố vào ngày 28/9.

Chính quyền ly khai ở 4 tỉnh miền Đông Ukraine đều cam kết sẽ tối đa hóa tính minh bạch và hợp pháp của các cuộc trưng cầu ý dân, quá trình bỏ phiếu sẽ "được các quan sát viên quốc tế giám sát".

Ukraine và các đồng minh phương Tây đã lên tiếng chỉ trích các cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Nga là bất hợp pháp.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định các cuộc trưng cầu dân ý sẽ không ảnh hưởng đến lập trường và mục tiêu của Kiev; đồng thời tiếp tục kêu gọi các quốc gia phương Tây hỗ trợ nhiều hơn cho các lực lượng vũ trang của Ukraine, nhằm giành lại quyền kiểm soát Donbass và một số khu vực khác.

Về phần mình, Mỹ tuyên bố sẽ không công nhận kết quả các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga của 4 khu vực trên. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg thì nói rằng liên minh này sẽ coi cuộc trưng cầu dân ý sắp tới về việc gia nhập Nga là "bất hợp pháp", đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế chỉ trích những bước đi như vậy. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng tuyên bố kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề sáp nhập vào Nga vi phạm rõ ràng Hiến chương Liên hợp quốc và độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine…

Tuy nhiên, trong thông điệp video vừa gửi đến toàn thể người dân Nga trước đó, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố Nga sẽ ủng hộ quyết định của người dân Donbass và các vùng lãnh thổ được giải phóng trong việc tiến hành trưng cầu ý dân về tương lai của họ.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thì nói việc sáp nhập vào Nga là vấn đề do người dân tại các tỉnh của Ukraine tự quyết. Nhiều quan chức cấp cao của Nga đã bày tỏ ủng hộ hoạt động này.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo

 Người dân theo dõi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên qua truyền hình tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc ngày 25/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông vào rạng sáng 25/9, hai ngày sau khi tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ tới Busan để tham gia tập trận chung với Hải quân Hàn Quốc vào cuối tháng này.

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết đã phát hiện vụ phóng của Bình Nhưỡng từ một khu vực trong hoặc quanh Taechon, tỉnh Bắc Pyongan, vào lúc 6h53 theo giờ địa phương. Thông báo không cho biết thêm chi tiết, dù khẳng định quân đội Hàn Quốc vẫn duy trì trạng thái sẵn sàng hợp tác mật thiết với Mỹ.

Động thái của Bình Nhưỡng diễn ra sau khi có tin nước này dường như đang chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM). Đây là vụ phóng tên lửa thứ 5 của Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-Yeol lên nắm quyền hồi tháng 5 vừa qua.

Cảnh sát biển Nhật Bản dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng cũng xác nhận một vụ phóng tên lửa đạn đạo có thể xảy ra và cảnh báo các tàu cần lưu ý. Đài truyền hình NHK của Nhật cho biết vật thể này dường như đã rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Các quốc gia tăng tốc chống lạm phát

 FED quyết định lần thứ 3 liên tiếp tăng lãi suất thêm 0,75%, đưa lãi suất cơ bản liên bang
lên mức 3% - 3,25%. (Ảnh: Getty Images)

Các Ngân hàng Trung ương của nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, dẫn đầu là Mỹ.

Ngày 22/9, sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định lần thứ 3 liên tiếp tăng lãi suất thêm 0,75%, đưa lãi suất cơ bản liên bang lên mức 3% - 3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp của Mỹ trong năm nay nhằm kiểm soát tình hình lạm phát.

Trong một tuyên bố, FED cho biết, FOMC đã kết luận rằng không thể mạo hiểm để lạm phát tiếp tục leo thang, gây tổn hại đến người lao động và doanh nghiệp. Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố giới chức nước này sẽ tiếp tục hành động dứt khoát để “hạ nhiệt” nền kinh tế, đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% hàng năm, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và nguy cơ suy thoái trong ngắn hạn.

Ở châu Âu, ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % lên 2,25%, với quan điểm cần phải thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa để kiểm soát lạm phát. Với quyết định này, lãi suất chuẩn của BoE lên mức cao nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) cũng thông báo điều chỉnh tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên mức 2,5%. Ngân hàng Trung ương Na Uy thông báo tăng lãi suất từ 1,75% lên 2,25%.

Ở châu Á, các ngân hàng trung ương Philippines và Indonesia đồng loạt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất cơ bản lên 4,25%. Với Indonesia, đây là tháng thứ 2 liên tiếp ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát và bình ổn đồng nội tệ - điều nằm ngoài dự báo của phần lớn các chuyên gia phân tích./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực