Giáo hoàng Francis kêu gọi thế giới thúc đẩy hòa bình và vượt qua sự chia rẽ
|
Trong bài giảng tại Thánh lễ Đêm Giáng sinh 24/12, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh: "Năm Thánh là thời gian để các tín hữu Công giáo đổi mới tâm hồn và hy vọng. Chúng ta hãy cùng nhau hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn, một nơi không còn những bất công và đau khổ".
(Ảnh: AA/TTXVN).
|
Ngày 25/12, trong thông điệp truyền thống nhân dịp Giáng sinh, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi thế giới ngừng sử dụng vũ khí và thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông, Ukraine và Sudan.
Phát biểu trước đám đông hàng nghìn người tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh tình trạng nhân đạo nghiêm trọng do xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza, kêu gọi các bên ngừng bắn và trả tự do cho các con tin.
Ông cũng kêu gọi thúc đẩy hòa bình ở Sudan, quốc gia Đông Phi đang chìm trong nội chiến kéo dài 20 tháng qua và khủng hoảng nhân đạo trầm trọng ảnh hưởng đến hàng triệu người. Liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, Giáo hoàng Francis kêu gọi các bên "đàm phán vì một nền hòa bình công bằng".
Nhân dịp này, Giáo hoàng cũng bày tỏ mong muốn hòa bình được thiết lập trên toàn cầu, với hy vọng rằng những cuộc xung đột tàn khốc hiện nay sẽ chấm dứt và thế giới sẽ tràn ngập yêu thương và sự đồng cảm. Ông kêu gọi tất cả mọi người ở mọi quốc gia tìm kiếm lòng can đảm trong Năm Thánh 2025 để "làm im tiếng súng và vượt qua sự chia rẽ".
Năm Thánh 2025 đã chính thức bắt đầu với việc Giáo hoàng Francis mở cánh cửa khổng lồ bằng đồng mang tên Cửa Thánh (Holy Door) tại Vương cung thánh đường Thánh Peter. Cánh cửa này chỉ được mở trong các Năm Thánh, tượng trưng cho sự tha thứ và hòa giải.
Trong bài giảng tại Thánh lễ Đêm Giáng sinh 24/12, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh: "Năm Thánh là thời gian để các tín hữu Công giáo đổi mới tâm hồn và hy vọng. Chúng ta hãy cùng nhau hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn, một nơi không còn những bất công và đau khổ".
WHO cảnh báo dịch bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi vẫn "đặc biệt đáng lo ngại"
|
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tại bệnh viện ở tỉnh Bắc Kivu, CHDC Congo ngày 19/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN). |
Ngày 23/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo tình hình dịch tễ học liên quan bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi vẫn "đặc biệt đáng lo ngại", với số ca bệnh tăng cao tại Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo, Burundi và Uganda.
Theo Báo cáo mới nhất của WHO, tính đến ngày 15/12, châu Phi đã ghi nhận 13.769 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 20 quốc gia trong khu vực, trong đó có 60 ca tử vong. CHDC Congo vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 9.513 ca bệnh được xác nhận.
Mặc dù xu hướng dịch bệnh tại tâm dịch là CHDC Congo đã tương đối ổn định trong những tuần qua, WHO cảnh báo các nước không nên chủ quan do lo ngại độ trễ của các số liệu báo cáo. Đáng chú ý, đợt bùng phát mới nhất ghi nhận sự lây lan của biến thể nguy hiểm clade 1b, xuất hiện lần đầu tiên tại CHDC Congo từ tháng 9/2023. WHO cho biết đã ghi nhận những trường hợp nhiễm clade 1b tại 8 quốc gia ngoài châu Phi, trong đó có Thụy Điển và Thái Lan. Tỷ lệ tử vong khi mắc clade 1b là khoảng 3,6%, cao hơn các biến thể trước đó.
Ngày 14/8, WHO đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ gây tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC), khi số ca mắc biến thể Clade 1b tăng vọt tại CHDC Congo và lan rộng ra ngoài biên giới nước này. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO đối với một dịch bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ thường gây ra những triệu chứng giống như cúm và các vết loét có mủ. Thông thường bệnh ở thể nhẹ, tuy nhiên vẫn có nguy cơ gây tử vong hay dẫn tới biến chứng nghiêm trọng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ em, thai phụ và người có hệ miễn dịch yếu, như người có HIV.
Israel lần đầu thừa nhận đứng sau vụ thủ lĩnh Hamas thiệt mạng tại Iran
|
Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Amir Saeid Iravani. (Ảnh: IRNA/TTXVN)
|
Israel lần đầu lên tiếng thừa nhận đứng sau vụ ông Ismail Haniyeh – một trong những thủ lĩnh của phong trào Hồi giáo Hamas - bị thiệt mạng tại Iran hồi tháng 7.
Thông tin trên được Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz đưa ra trong phát biểu tại buổi lễ vinh danh các quân nhân của Bộ này. Ông tuyên bố Israel sẽ phá hủy cơ sở hạ tầng chiến lược của Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Liban cùng lực lượng Houthi ở Yemen, đồng thời sẽ tiếp tục "tiêu diệt" thủ lĩnh của các lực lượng này, như đã làm đối với các nhân vật như ông Haniyeh ở Tehran.
Theo giới quan sát, sự xác nhận này có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Trung Đông vốn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi xung đột ở Dải Gaza giữa Israel và Hamas cũng như giao tranh giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban vẫn chưa kết thúc.
Ngày 31/7, phong trào Hồi giáo Hamas ra thông cáo cho biết thủ lĩnh Ismail Haniyeh của phong trào này đã thiệt mạng tại thủ đô Tehran của Iran. Chính quyền Iran cho rằng Israel đứng sau vụ việc này. Tại thời điểm đó, Israel không đưa ra tuyên bố trực tiếp nào về vụ việc.
Châu Á tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa sóng thần năm 2004
|
Tín đồ Hồi giáo cầu nguyện cho nạn nhân thảm hoạ động đất sóng thần tại Thánh đường Hồi giáo Baitulrraman, thành phố Banda Aceh, Indonesia. (Ảnh: TTXVN). |
Ngày 26/12, các buổi lễ đầy cảm xúc được tổ chức trên khắp châu Á để tưởng nhớ hơn 220.000 nạn nhân của trận sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004, một trong những thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất trong lịch sử.
Trận động đất có độ lớn 9,1 kèm theo sóng thần ngoài khơi đảo Sumatra của Indonesia vào ngày 26/12/2004, đã tàn phá các vùng ven biển ở 14 quốc gia châu Á, thậm chí lan tới khu vực Đông Phi. Khoảng 1,7 triệu người phải di dời, chủ yếu ở 4 quốc gia Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ và Thái Lan.
Thảm họa đã cướp đi sinh mạng của khoảng 226.000 người, bao gồm nhiều du khách nước ngoài đang đón Giáng sinh trên các bãi biển trong khu vực. Những con sóng cao tới 30 m đã lan rộng khắp Ấn Độ Dương với tốc độ đáng kinh ngạc. Không có cảnh báo sóng thần nào được đưa ra, khiến thời gian sơ tán trở nên hạn chế, mặc dù có khoảng cách kéo dài hàng giờ giữa các đợt sóng.
Tại Indonesia, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 170.000 người thiệt mạng, đông đảo mọi người đã tập trung tại tỉnh cực Tây Aceh để dành một phút mặc niệm và viếng thăm các ngôi mộ tập thể. Tại đây, họ đã cùng nhau tham gia cầu nguyện tại một đền thờ Hồi giáo lớn ở thủ phủ Banda Aceh của tỉnh.
Tại Sri Lanka, nơi có hơn 35.000 người thiệt mạng, những người sống sót và người thân đã tập trung để tưởng nhớ khoảng 1.000 nạn nhân trên một đoàn tàu bị trật bánh do sóng thần. Họ sẽ ngồi đoàn tàu Ocean Queen Express và đi tới Peraliya - nơi tàu bị sóng thần kéo khỏi đường ray, cách Colombo khoảng 90 km về phía Nam - để tham gia một buổi lễ tôn giáo. Ngoài ra, nhiều buổi lễ Phật giáo, Ấn Độ giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo cũng được tổ chức để tưởng nhớ các nạn nhân trên khắp quốc đảo Nam Á này.
Sóng thần cũng đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người ở Thái Lan, với hơn một nửa là du khách nước ngoài. Nhiều người vẫn đang mất tích, với gần 400 thi thể vẫn chưa được xác định danh tính. Các buổi lễ tưởng niệm và cầu nguyện của chính phủ đã diễn ra. Tại một khách sạn ở tỉnh Phang Nga, một buổi triển lãm sóng thần, chiếu phim tài liệu và giới thiệu của các cơ quan chính phủ và Liên hợp quốc đã được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về công tác chuẩn bị và khả năng phục hồi sau thảm họa.
Tai nạn liên tiếp xảy ra
* Ngày 25/12, giới chức Azerbaijan xác nhận 38 người đã thiệt mạng trong vụ rơi máy bay Embraer E190 của hàng không nước này tại Kazakhstan. Trong khi đó, 29 người sống sót đang được điều trị tại bệnh viện.
Hãng thông tấn Nga Interfax dẫn lời Phó Thủ tướng Azerbaijan Kanat Bozumbayev công bố số người thiệt mạng trên trong một cuộc họp với phái đoàn điều tra của nước này tại Aktau. Ngoài ra, trong một cuộc họp báo tại thủ đô Astana của Kazhastan, công tố viên Kazakhstan Timur Suleimenov cho biết hộp đen của máy bay, chứa dữ liệu chuyến bay giúp xác định nguyên nhân gây ra vụ tai nạn, đã được tìm thấy. Kazakhstan đã thành lập một ủy ban chính phủ để điều tra vụ tai nạn đồng thời khẳng định sẽ hợp tác với Azerbaijan trong cuộc điều tra.
|
Hiện trường vụ rơi máy bay của hãng hàng không Azerbaijan Airlines gần sân bay Aktau, Kazakhstan, ngày 25/12/2024. (Ảnh: THX/TTXVN). |
Trước đó, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết theo thông tin ban đầu được báo cáo, máy bay đã thay đổi hướng do thời tiết xấu, nhưng nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn chưa được xác định chính xác và phải được điều tra đầy đủ. Cơ quan giám sát hàng không của Nga cho biết có thể nguyên nhân do va chạm với một đàn chim. Hãng hàng không Azerbaijan Airlines đã đình chỉ các chuyến bay từ Baku đến khu vực Chechnya của Nga cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất.
Chuyến bay J2-8243 của hãng hàng không Azerbaijan Airlines đã bay lệch hàng trăm km so với lộ trình dự kiến từ Azerbaijan đến Nga. Một video tình cờ được quay từ bờ Biển Caspi về vụ tai nạn cho thấy máy bay hạ độ cao nhanh chóng trước khi lao xuống bờ biển và bốc cháy. Các trang web theo dõi hàng không thương mại đã theo dõi chuyến bay về phía Bắc theo lộ trình đã định dọc theo bờ biển phía Tây trước khi đường bay của nó không còn được ghi lại nữa. Sau đó, máy bay xuất hiện trở lại ở bờ biển phía Đông, bay vòng quanh gần sân bay Aktau trước khi lao xuống bãi biển. Các quan chức không giải thích tại sao máy bay lại bay qua biển.
Azerbaijan đã tuyên bố quốc tang vào ngày 26/12. Nhiều nước đã bày tỏ sự đoàn kết và gửi lời chia buồn tới chính phủ và nhân dân Azerbaijan về vụ tai nạn.
* Ngày 23/12 (giờ địa phương), Cơ quan Phòng vệ Dân sự Quốc gia Brazil cho biết, ít nhất 16 người đã mất tích, cùng 1 người đã thiệt mạng, trong vụ sập cầu Juscelino Kubitschek ở miền Bắc nước này.
Cầu Juscelino Kubitschek, dài 533m, nối các bang Tocantins và Maranhao, khánh thành năm 1960, đã sập ngày 22/12 trong lúc có 8 phương tiện đang lưu thông trên cầu, trong đó có 1 xe tải chở axit sunfuric. Công tác tìm kiếm các nạn nhân hiện gặp khó khăn bởi các thợ lặn không thể xuống sông do nước bị nhiễm axit.
Các cơ quan chức năng tại Tocantins và Maranhao đã ra cảnh báo tới cư dân sinh sống tại 19 huyện dọc theo con sông bị ô nhiễm không uống nước và tắm trên sông cho tới khi có thông báo mới.
Tổng thống Lula da Silva đã bày tỏ tình đoàn kết với thân nhân các nạn nhân vụ tai nạn và cam kết hỗ trợ tối đa công tác cứu hộ. Bộ trưởng Giao thông Calheiros Filho đã tới thị sát hiện trường vụ tai nạn, đồng thời thông báo sẽ tổ chức đấu thầu ngay trong những ngày cuối năm để triển khai việc xây dựng lại cây cầu, nằm trên tuyến đường quốc lộ huyết mạch nước Nam Mỹ. Nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn đang được điều tra.
* Ngày 24/12, ít nhất 12 người đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong vụ nổ tại một nhà máy sản xuất thuốc nổ ở tỉnh Balikesir, Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ.
Thống đốc tỉnh Balikesir, ông Ismail Ustaoglu, cho biết vụ nổ xảy ra tại nhà máy thuốc nổ ở khu vực Karesi. Một phần khu nhà máy đã bị sập do tác động của vụ nổ. Nhà chức trách loại trừ khả năng đây là vụ phá hoại.
Hiện nguyên nhân vụ việc đang được điều tra làm rõ./.