|
Thế giới vừa trải qua một ngày Black Friday ảm đạm do tác động của dịch bệnh COVID-19. Trong ảnh là một người phụ nữ đi ngang qua một khu mua sắm với những tấm biển giảm giá trong ngày Black Friday ở Mississauga, Toronto, Canada, ngày 26/11/2021. (Ảnh: Xinhua)
|
Còn về diễn biến dịch bệnh, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 27/11 cho thấy, hiện toàn thế giới có 2345.654.125 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 19.991.354 ca bệnh đang điều trị thì có 19.908.214 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 83.140 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 72.373.470 trường hợp, trong đó có 1.400.888 ca tử vong và 63.876.947 ca được điều trị khỏi.
Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 27/11, hiện 53,9% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 7,85 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 29,4 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp chỉ được cải thiện khiêm tốn, ở mức 5,6%.
|
Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 411.050 ca nhiễm mới, cao nhất xét trên quy mô các khu vực trên thế giới. Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với Bỉ trở thành quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và là trụ sở của các cơ quan EU - xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể B.1.1.529, nhiều nước châu Âu đã tính tới các biện pháp “mạnh tay” để phòng chống dịch.
Ngày 26/11, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo nguy cơ "từ cao tới rất cao" biến chủng Omicron của virus SARC-CoV-2 sẽ lan rộng ra châu Âu. Trong báo cáo đánh giá về nguy cơ lây lan của biến chủng Omicron, ECDC nhận định: "Mức độ rủi ro tổng thể của biến chủng Omicron đối với EU/EEA (Liên minh châu Âu/Khu vực Kinh tế châu Âu) được đánh giá là cao tới rất cao, xét về khả năng các vaccine hiện tại sẽ không có tác dụng và khả năng lây lan nhanh của biến chủng Omicron”. Tuy nhiên, ECDC cũng cho biết hiện vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn về khả năng lây nhiễm, nguy cơ tái nhiễm, tác động tới hiệu quả vaccine cũng như các đặc tính khác của biến chủng mới này.
Trước mối lo ngại từ siêu biến chủng mới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 26/11 kêu gọi dừng tất cả liên kết không vận với các địa điểm đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đồng thời kêu gọi công dân EU tiêm chủng vaccine và nâng cao khả năng bảo vệ với mũi tăng cường.
Ngày 26/11, EU cũng đã đề cập tới việc kích hoạt cơ chế "phanh khẩn cấp" để ngăn chặn việc di chuyển bằng đường hàng không từ khu vực phía Nam châu Phi trong một nỗ lực nhằm trì hoãn sự lây lan của siêu biến chủng mới ở châu Âu. Sau khuyến cáo của EU, một loạt các nước trong khu vực như Ireland, Hy Lạp, CH Síp, Italy ... đã có các động thái nhằm hạn chế đi lại và siết chặt nhập cảnh từ 9 nước châu Phi.
|
Hành khách tại sân bay Fiumicino ở thủ đô Rome, Italy. (Ảnh: Xinhua) |
Hiện Bắc Mỹ có 58.710.472 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.189.069 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 49.044.219 ca nhiễm và 799.088 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại.
Trước sự lo ngại về sự xuất hiện của siêu biến chủng Omicron, Mỹ thông báo sẽ hạn chế đi lại từ Nam Phi và 7 quốc gia châu Phi khác từ thứ Hai tuần tới. Theo đó, 7 quốc gia nằm trong lệnh cấm đi lại của Chính quyền Tổng thống Joe Biden gồm có: Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi. Giới chức cấp cao Mỹ cho biết chính sách này được thực hiện trong tình trạng hết sức thận trọng do mức độ nguy hiểm của biến thể mới. Chính quyền sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ và đánh bại đại dịch. Tuy nhiên, các hạn chế đi lại mới sẽ không áp dụng cho công dân Mỹ và thường trú nhân hợp pháp.
Tính đến sáng 27/11, Nam Mỹ có 38.918.736 ca nhiễm COVID-19, với 1.1780.403 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 22.067.630 ca nhiễm.
Tại châu Á, tình hình dịch dường như được cải thiện khi số ca nhiễm mới giảm, trong khi tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng, mở đường cho các nước soạn thảo lộ trình mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh. Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại khu vực này là 81.779.273 trường hợp, với 1.208.117 ca tử vong và 79.058.962 ca điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận 79.827 ca nhiễm mới.
Tính đến sáng 27/11, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.706.838 trường hợp, trong đó có 223.161 ca tử vong và 8.105.604 ca bình phục. Trong tổng số 378.073 ca đang điều trị thì có 1.864 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 2.955.328 ca nhiễm COVID-19 và 89.783 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 26/11, Chính phủ Nam Phi cũng đã kêu gọi người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở nước này.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 1.910 ca nhiễm COVID-19. Hiện khu vực này có tổng số 361.807 trường hợp ca mắc COVID-19, với 4.185 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 205.277 ca, tiếp theo sau là Fiji với 52.494 ca./.