Thổ Nhĩ Kỳ trước bài toán an ninh khó giải

Thứ tư, 23/03/2016 16:20
(ĐCSVN) - Trong những ngày gần đây, tình hình an ninh tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên căng thẳng sau một loạt vụ tấn công khủng bố gây thương vong lớn. Dư luận cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với mối đe dọa an ninh nghiêm trọng từ các nhóm cực đoan.

 

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại một trạm kiểm soát biên giới với Syria. (Ảnh Reuters)

Đánh bom nối tiếp đánh bom


Ngày 21/3 đã xảy ra một vụ đánh bom nhằm vào một xe quân sự tại thị trấn Nusaybin, phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Syria, khiến 3 binh sỹ thiệt mạng.

Thị trấn Nusaybin là nơi thường xuyên xảy ra các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và phiến quân thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 2 năm rưỡi giữa chính quyền Ankara và PKK đổ vỡ hồi tháng 7/2015, gây ra tình trạng bạo lực tồi tệ nhất ở khu vực Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ - nơi có đa số người Kurd sinh sống - kể từ những năm 1990.

Trước đó, ngày 19/3, một kẻ đánh bom liều chết cho nổ tung thân mình và làm 4 người thiệt mạng cùng hàng chục người bị thương trong một vụ tấn công khu phố mua sắm nổi tiếng sầm uất Istiklal Caddesi ở trung tâm thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận, 3 người Israel và 1 người Iran đã thiệt mạng trong vụ đánh bom trên.

Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Efkan Ala cho biết, thủ phạm vụ đánh bom trên là Mehmet Ozutrk, sinh năm 1992, ở thành phố Gaziantep, một thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Mehmet Ozutrk không có tên trong danh sách những đối tượng bị truy nã trước khi tiến hành vụ tấn công tàn bạo trên. Tên này đã kích hoạt quả bom trước khi tiếp cận được mục tiêu do sợ cảnh sát. Thị trưởng Istanbul Vasip Sahin cho rằng, mục tiêu ban đầu mà đối tượng tấn công liều chết nhắm đến là toà nhà chính quyền địa phương tại khu vực Beyoglu.

Đây là vụ nổ thứ hai tại Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng một tuần. Trước đó, ngày 13/3, vụ đánh bom xe liều chết tại khu vực Quảng trường Kizilay ở thủ đô Ankara cũng khiến 37 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Nhóm cực đoan người Kurd có tên "Những con chim ưng tự do người Kurd" (TAK) tại Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận thực hiện vụ đánh bom này, với mục đích trả đũa các chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành từ nhiều tháng qua chống người Kurd tại khu vực Đông Nam nước này. Sau đó vài ngày, ngày 18/3, các chuyên gia tháo gỡ bom Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện và vô hiệu hóa một thiết bị nổ bên trong chiếc xe đỗ gần một tòa nhà của chính phủ ở thị trấn Hani, tỉnh Diyarbakir, miền Nam nước này, trong khu vực đông người Kurd sinh sống.

Theo thống kê, trong vòng 8 tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận 6 vụ đánh bom khiến hơn 200 người thiệt mạng, trong đó có 4 vụ do IS tiến hành.

Bài toán an ninh nan giải

Giới phân tích cho rằng, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang đau đầu bởi nước này vừa phải đối phó làn sóng tiến công của lực lượng đảng Công nhân người Kurd (PKK) trong nước vốn bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố, vừa phải ngăn chặn mối đe dọa khôn lường từ IS, tổ chức có “đại bản doanh” ngay sát Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng lo ngại hơn, các mối đe dọa khủng bố từ cả hai lực lượng này đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó khăn trong việc xác định thủ phạm các vụ tiến công và làm tình hình an ninh ngày càng rối loạn.

Nếu như thủ phạm vụ đánh bom liều chết ở thành phố Istanbul ngày 19/3 là phần tử IS không có tên trong danh sách những đối tượng bị truy nã, thì vụ đánh bom ở thủ đô Ankara hôm 13/3 lại do nhóm cực đoan "Những con chim ưng tự do người Kurd" (TAK) tại Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành. Mối đe dọa kép này đang gây rất nhiều khó khăn cho công tác tình báo và các vụ khủng bố ngày càng khó lường hơn. Nhiều tâm lý hoài nghi lẫn nhau đã xuất hiện trong lòng Thổ Nhĩ Kỳ bởi mỗi khi xảy ra khủng bố, dư luận đều đặt ra nhiều câu hỏi về tổ chức nào đứng sau vụ tấn công.

Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính trị và Xã hội Sedat Laciner, Thổ Nhì Kỳ chưa bao giờ trải qua thời kỳ nhiều nguy cơ an ninh như hiện nay, khi mà những lỗ hổng an ninh và thất bại của các cơ quan tình báo đang "dọn đường" cho các hoạt động khủng bố. Các chuyên gia cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ cần nhanh chóng điều chỉnh chính sách đối ngoại và chiến lược chống khủng bố của nước này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng nhận định nước này đang phải hứng chịu một trong những làn sóng khủng bố nghiêm trọng nhất trong lịch sử của mình, đồng thời cam kết sẽ tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đảng Công nhân người Kurd (PKK) - những nhóm đứng sau một loạt vụ tấn công gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan cũng cho biết, nhằm đối phó với các kế hoạch tấn công mới của các phần tử khủng bố, chính quyền Ankara sẽ phát triển các phương pháp chiến đấu mới nhằm nhanh chóng đánh bại chúng. Ông khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ "sẽ tấn công các tổ chức khủng bố này một cách mạnh mẽ nhất có thể".

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẽ phối hợp với các đối tác ở châu Âu nhằm ngăn chặn hoạt động khủng bố đang lan tràn trong khu vực. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, với tình thế hiện nay của Ankara, mặt trận chống khủng bố sẽ càng khó khăn hơn bao giờ hết bởi Thổ Nhĩ Kỳ bị coi là điểm trung chuyển khủng bố từ các nơi trên thế giới đến và đi từ nước láng giềng Syria. Thêm vào đó, theo thỏa thuận mới đây giữa Ankara với Liên minh châu Âu (EU) về người di cư, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhận trở lại những người nhập cư châu Âu bất hợp pháp. Việc này được cho sẽ gây không ít phức tạp cho tình hình an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Rất khó tránh khỏi nguy cơ tiềm ẩn từ việc những kẻ khủng bố trà trộn vào dòng người di cư bị châu Âu đưa trả lại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, việc Ankara tham gia liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu ở Syria đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị lọt vào danh sách trả đũa của các tổ chức cực đoan.

Không chỉ lo đối phó với nguy cơ khủng bố, vấn đề đảng Công nhân người Kurd (PKK) cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ đứng ngồi không yên khi lực lượng này đang có mối liên hệ ngày càng mật thiết với người Kurd trong khu vực, nhất là người Kurd ở Syria. Ankara lo ngại rằng, thắng lợi của người Kurd ở Syria trong việc mở rộng vùng lãnh thổ kiểm soát có thể sẽ “khơi mào” cho người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện quyết tâm đòi ly khai.

Theo thống kê, kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và PKK sụp đổ hồi tháng 7 năm ngoái, các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch hùng hậu nhằm chống lại nhóm khủng bố này, qua đó tiêu diệt hàng nghìn thành viên PKK tại cả Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực miền Bắc Iraq. Đáp lại, lực lượng này cũng tiến hành nhiều vụ đánh bom liều chết nhằm trả đũa. Cuộc xung đột giữa PKK và quân đội chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài hơn 3 thập kỷ qua đã làm hơn 40.000 người thiệt mạng.

Có thể nói, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua những thời khắc khó khăn khi tình hình an ninh ở đây ngày càng trở nên bất ổn. Một số nước châu Âu đã khuyến cáo công dân không nên tới Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại giao Đức mới đây đã tuyên bố tạm đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Ankara do cảnh báo về nguy cơ khủng bố. Hiện cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ được đặt trong tình trạng báo động cao nhằm ngăn chặn nguy cơ tiến công xảy ra vào thời điểm diễn ra lễ hội mùa xuân Newroz của người Kurd ở nước này.

Một số nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh các cuộc xung đột ở khu vực chưa có dấu hiệu chấm dứt, những bất ổn an ninh ở Thổ Nhĩ Kỳ càng làm cho điểm nóng Trung Đông thêm tăng nhiệt./.

Tấn Vũ (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực