Cảnh tượng hoang tàn do xung đột bạo lực tại Syria (Ảnh: Reuters)
Lệnh ngừng bắn dự kiến sẽ chấm dứt chiến sự tại Syria. Thỏa thuận này sẽ được áp dụng cho tất cả các bên liên quan đến cuộc chiến ở Syria đã cam kết chấp thuận các điều khoản. Theo đó, các bên cần thể hiện cam kết và chấp hành các điều khoản chấm dứt chiến sự kể từ 12h00 ngày 26/2 (giờ Damascus). Tuy nhiên, thỏa thuận loại trừ các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Mặt trận Al-Nursa và các tổ chức khác bị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xác định là khủng bố.
Chính phủ Syria ngày 23/2 đã tuyên bố chấp thuận các điều khoản của lệnh ngừng bắn. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syria, chính phủ nước này sẽ ngừng các hoạt động chiến đấu nhưng sẽ “duy trì những nỗ lực chống khủng bố” nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận Al-Nusra có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qeada.
Trong khi đó, Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC), phe đối lập chính ở Syria, cũng tuyên bố thông qua thỏa thuận ngừng bắn này với điều kiện chấm dứt phong tỏa các khu vực kiểm soát của lực lượng đối lập, cho phép tiến hành hoạt động cứu trợ nhân đạo, trả tự do cho những người bị giam giữ và ngăn chặn các cuộc không kích nhằm vào dân thường.
Những kỳ vọng của cộng đồng quốc tế
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp của Mỹ Barack Obama và hai lãnh đạo hoan nghênh kế hoạch trên, ca ngợi đây là một kết quả quan trọng sau nhiều vòng đàm phán kín. Phát biểu trên kênh truyền hình nước này, Tổng thống Nga nêu rõ: "Đây là cơ hội thực sự để chấm dứt đổ máu tại Syria cũng như thực hiện cứu trợ nhân đạo". Ông Putin cho biết Nga sẽ dùng ảnh hưởng của mình để tác động lên Damascus; đồng thời bày tỏ hy vọng Mỹ cũng có chung nỗ lực này với các lực lượng, liên minh đối lập ở Syria.
Ngoài ra, Mỹ và Nga cũng sẽ thành lập một đường dây nóng và có thể là một nhóm chuyên trách để trao đổi thông tin sau khi lệnh ngưng chiến đi vào hiệu lực.
Thư ký báo chí của Nhà Trắng Josh Earnest cũng đánh giá: “Đây là cơ hội của hòa bình và chúng tôi hy vọng rằng tất cả các bên sẽ tận dụng điều đó”.
Ngay khi thông báo vừa được đưa ra, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã tuyên bố hoan nghênh sáng kiến của Nga – Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng lệnh ngừng bắn là một “dấu hiệu hy vọng cho người dân Syria”. Đề xuất chấm dứt xung đột này được đưa ra vào thời điểm gần 3 tuần sau khi các cuộc đàm phán hòa bình cho Syria tại Geneva thất bại và trong bối cảnh một lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ thứ 6 tuần trước cũng đã hoàn toàn bị bỏ qua.
Phát biểu tại một buổi họp báo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết: “Thông qua hỗ trợ nhân đạo, đất nước chúng tôi sẽ nỗ lực vì sự cải thiện và ổn định tình hình Syria. Nhật Bản sẽ tiếp tục xem xét các biện pháp hỗ trợ bổ sung cho Syria nhằm thực thi đầy đủ trách nhiệm của họ trong cộng đồng quốc tế và hợp tác chặt chẽ với các nước liên quan”.
Trong một tuyên bố đưa ra, Liên đoàn Arab kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột ở Syria tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn. Theo Tổng thư ký Liên đoàn Arab Nabil Elaraby, thỏa thuận này sẽ là “một bước tiến quan trọng hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng” đang ngày càng leo thang tại Syria.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Abu Zeid tuyên bố nêu rõ thỏa thuận ngừng bắn vừa được Nga – Mỹ công bố đặc biệt cần thiết để chấm dứt bạo lực và tạo ra môi trường thích hợp cho giải pháp chính trị dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc hướng tới một thỏa thuận đầy đủ cho một lệnh ngừng bắn. Ông Zeid cũng kêu gọi tất cả các bên cần cam kết đưa thỏa thuận có hiệu lực và phải đặt lợi ích của người dân Syria lên trên hết.
Những trở ngại vẫn còn ở phía trước
Theo nhiều nhà phân tích, thỏa thuận ngừng bắn không áp dụng cho tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm Mặt trận Al-Nusra, điều này đặt ra câu hỏi lớn về tính khả thi của thỏa thuận nói trên. Chính Mặt trận Al-Nursa, liên minh với các nhóm nổi dậy tại nhiều khu vực là một trở ngại lớn đối với việc áp dụng lệnh ngừng bắn bởi họ cho rằng các liên minh quân sự của chính quyền Damascus vẫn sẽ có quyền tấn công vào các khu vực do Al-Nursa và IS kiểm soát.
Ngoài ra, hãng thông tấn AFP (Pháp) dẫn lời ông Abou Ibrahim, một chỉ huy của phe nổi dậy “Lữ đoàn 10” chiến đấu ở phía Tây và Tây – Bắc Syria đánh giá: “Đó là một thỏa thuận rất khó để áp dụng. (…) Ai có thể bảo đảm rằng chính quyền sẽ ngừng các cuộc tấn công vào quân nổi dậy?”.
Không những thế, ngay cả khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng nước ông sẽ làm hết sức có thể để bảo đảm các quyền hợp pháp của Syria thì dư luận quốc tế vẫn đang còn hoài nghi về ý chí thực sự của Moscow trong việc giữ vững các cam kết. Thực tế đã cho thấy mặc dù tiến trình đàm phán hòa bình cho Syria đã được nối lại từ đầu tháng này tại Geneva song Nga vẫn phát động một chiến dịch ném bom quy mô lớn tại Aleppo nhằm vào lực lượng đối lập.
Về phần mình, Washington cũng có thể gặp khó khăn trong việc áp đặt một lệnh ngừng bắn đối với các nhóm đối lập đang chiến đấu trên lãnh thổ Syria chống lại chế độ Damascus và các phần tử IS; cũng như đối với các nhà tài trợ Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, vốn luôn đối đầu với chính quyền Damascus, mặc dù đã hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn nhưng cũng tuyên bố không mấy lạc quan về việc triển khai thỏa thuận. Thậm chí, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus còn tuyên bố với báo giới trong trường hợp xảy ra tấn công, nước này sẽ tiến hành trả đũa chống lại các binh sĩ người Kurd bất chấp lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Phân phát hàng cứu trợ tại ngoại ô Damascus ngày 23/2/2016 (Ảnh: AFP)
Phương án phòng bị
Dường như đã lường trước những khó khăn có thể vấp phải, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 23/2 đã trình lên Thượng viện nước này một “kế hoạch B” dành cho Syria trong trường hợp tiến trình ngoại giao và chính trị mà Nga và Mỹ đưa ra bị thất bại, đặc biệt là lệnh ngừng bắn được kỳ vọng.
Các thỏa thuận quốc tế cũng dự kiến một tiến trình chính trị, như các cuộc bầu cử và một bản Hiến pháp mới trong những tháng tới.
“Chúng ta sẽ biết trong một hay hai tháng nữa liệu tiến trình chuyển đổi này có được tiến hành thực sự nghiêm túc hay không” – ông Kerry cho biết. “Nếu không (…) các điều khoản của một kế hoạch B sẽ được triển khai” – ông nhấn mạnh song không đưa ra những chi tiết cụ thể.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo tình hình tại Syria có thể "trở nên xấu hơn" do sẽ rất khó để duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ nếu xung đột vẫn tiếp diễn giữa lực lượng chính phủ và phe đối lập.
Không thể phủ nhận rằng những nỗ lực ngoại giao đã đạt được một số kết quả bước đầu và mở ra một dấu hiệu hy vọng cho người dân Syria. Tuy nhiên, trong bối cảnh khi hơn 370.000 người đã mất đi sự sống do chiến tranh kể từ khi quốc gia này rơi vào xung đột năm 2011 (theo đánh giá mới nhất của tổ chức Giám sát nhân quyền tại Syria) và hàng triệu người vẫn đang cần cứu trợ nhân đạo thì việc làm thế nào để biến kỳ vọng thành thực tại càng khẩn cấp hơn bao giờ hết. Để không còn một lệnh ngừng bắn nào bị rơi vào quên lãng, để không còn một thỏa thuận nào bị rơi vào vòng luẩn quẩn đòi hỏi thiện chí thực sự của các bên liên quan, dung hòa những bất đồng, hài hòa các lợi ích riêng và trên hết là lưu ý tới quyền lợi của chính người dân Syria – những người đã phải chìm đắm trong xung đột và bạo lực suốt hơn 5 năm qua./.