Thỏa thuận về người di cư tại châu Âu: Còn nhiều trở ngại
Thứ sáu, 18/03/2016 04:36 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, ngày 16/3, đánh giá: Còn rất nhiều trở ngại đang đặt ra trước khi Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được một thỏa thuận về việc xử lý cuộc khủng hoảng người di cư; trong đó, đặc biệt là vấn đề về các quan hệ với Cộng hòa Síp, vốn bị chia cắt từ năm 1974 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng 1/3 lãnh thổ phía Bắc đảo này.
Người di cư Pakistan biểu tình tại Hy Lạp ngày 16/3/2016 (Ảnh: AFP)
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu ở Brussels (Bỉ), ông Donald Tusk cho biết: “Nhiệm vụ của tôi là thúc đẩy một thỏa thuận phù hợp với luật pháp Liên minh châu Âu và luật pháp quốc tế để có thể đi vào thực hiện và tất nhiên là phải được sự chấp nhận của tất cả các nước thành viên, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ. Song đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Chúng ta phải nhanh chóng thiết lập được một danh mục các vấn đề cần phải quyết với nhau nếu muốn đạt được thỏa thuận tại hội nghị sắp tới”.
“Mọi việc đang tốt lên song vẫn còn rất nhiều điều phải làm” – ông Tusk nói. Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu, thỏa thuận trong cuộc khủng hoảng người di cư là “một cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy các cuộc đàm phán giải quyết với Síp” và chỉ với điều kiện này thì “chúng ta mới sẽ có thể tiến về phía trước”.
Những bất đồng còn ở phía trước…
Theo dự thảo thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ, nước này sẽ nhận lại toàn bộ người di cư và tị nạn đã đi qua đây để vào các nước châu Âu khác. Đổi lại, Ankara yêu cầu EU hỗ trợ thêm 3 tỷ Euro, nới lỏng quy định thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ tại EU từ tháng 6 tới, đẩy nhanh quá trình xét duyệt đơn xin gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như cam kết tái ổn định những người nhập cư Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ đang hỗ trợ.
Tại Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp Liên minh châu Âu – Thổ Nhĩ Kỳ vừa diễn ra tại Brussels ngày 7/3, các nhà lãnh đạo EU đã tuyên bố không nhất trí với những đề xuất mới của Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra đề xuất, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz tuyên bố, việc gia nhập EU không được đưa ra làm điều kiện để Ankara thực thi những trách nhiệm của mình trong vấn đề di cư. Ông Martin Schulz nhấn mạnh, châu Âu sẽ phân biệt rõ ràng các cuộc đàm phán về gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ với cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.
Ngoài ra, giới chức ngoại giao EU cũng khẳng định các đề xuất, trong đó có việc tăng gấp đôi khoản hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ là rất hệ trọng. Các nước thành viên EU cần nhiều thời gian hơn để thảo luận về vấn đề này.
Và cho tới hôm nay (17/3), các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu lại bắt đầu họp tại Brussels để tiếp tục bàn thảo về thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn dòng người di cư vào các đảo của Hy Lạp. Trong hai ngày 17 – 18/3, hội nghị sẽ đối mặt không ít khó khăn như: Kế hoạch trục xuất ồ ạt người cư có thể đối mặt với sự chỉ trích của quốc tế và tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ với đảo Síp, một thành viên của Liên minh châu Âu đe dọa thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ.
Síp là quốc gia thành viên có mối quan hệ phức tạp nhất với Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là quốc gia hoài nghi nhất đối với thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Đảo Síp bị chia cắt từ năm 1974 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng 1/3 lãnh thổ phía Bắc đảo này và lập nên "Cộng hòa miền Bắc đảo Síp" của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, song không được quốc tế công nhận.
Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades tuyên bố phản đối tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara không hoàn thành nghĩa vụ của mình là mở các cảng biển và sân bay cho tàu thuyền và máy bay của Síp. “Một lần nữa tôi xin nhắc lại lập trường của chúng tôi rằng, Síp không có ý định đồng ý với đề xuất mở thêm các chương trình đàm phán mới nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình như đã nêu trong khuôn khổ đàm phán cũng như nghị định thư Ankara đạt được năm 2005, yêu cầu nước này phải mở cửa các hải cảng và sân bay cho giao thương của người Síp” – ông Anstasiades nêu rõ.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 15/3, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cũng cho biết, nước này sẽ ra khuyến nghị với Ủy ban châu Âu, kêu gọi sự hợp tác hiệu quả với Thổ Nhĩ Kỳ, song sẽ từ chối “bất kỳ sự đe dọa nào” dù là nhỏ nhất từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Không những thế, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans cũng tuyên bố khẳng định: “Chúng ta sẽ không thể đưa ra những lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ mà không xem xét”. Ông Frans Timmermans đồng thời nhắc lại rằng, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cần thực hiện một loạt các biện pháp để người dân Thổ Nhĩ Kỳ được cho phép đi lại tự do trong khu vực Schengen từ tháng 6 tới đây.
… Áp lực vẫn tiếp tục đè nặng
Trong bối cảnh căng thẳng trước thềm các cuộc đàm phán và khi hàng chục nghìn người di cư và người tị nạn vẫn tiếp tục bị mắc kẹt tại Hy Lạp sau khi tuyến đường di cư của khu vực Balkans bị đóng cửa, Thủ tướng Đức Angela Merkel, ngày 16/3, tiếp tục lên tiếng chỉ trích về sự thiếu đoàn kết của nhiều quốc gia châu Âu.
Thủ tướng Đức cũng thừa nhận những lợi ích từ việc đóng cửa tuyến đường di cư của khu vực Balkan, song theo bà, giải pháp này không thể bền vững trong khi nó lại tạo ra quá nhiều sức ép đối với Hy Lạp. Tình trạng căng thẳng còn ngày một gia tăng trên biên giới giữa Hy Lạp và Macedonia, nơi điều kiện sống quá khó khăn, hàng nghìn người di cư vẫn đang bị mắc kẹt.
Trong khi đó, những người di cư vẫn tiếp tục sử dụng các tuyến đường khác để tới châu Âu. Lực lượng bảo vệ bờ biển của Italy, ngày 16/3, thông báo cho biết hơn 1.800 người di cư đã được cứu kể từ ngày 15/3 tại bờ biển Libya và hai người đã mất tích.
Angelina Jolie - Đại sứ thiện chí của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, đã gặp những người tị nạn ở Hy Lạp và Thủ tướng Alexis Tsipras, hy vọng sẽ "đẩy nhanh các phương tiện để đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng xấu đi này".
Cơ hội “đầu tiên” để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư
Giữa cơn bão dư luận cùng những chỉ trích từ phía các tổ chức quốc tế, ngày 16/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel, người có vai trò quan trọng trong việc thông qua thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, lại lên tiếng bảo đảm châu Âu có thể nhìn thấy một cơ hội “đầu tiên” để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư nhờ vào thỏa thuận đầy tranh cãi với Ankara này.
Phát biểu trước các nghị sĩ của Quốc hội, bà Angela Merkel cho biết: “Tại Hội đồng châu Âu (ngày 17 – 18/3), cần phải biết liệu chúng ta sẽ có thể đạt được một thỏa thuận mà lần đầu tiên đem lại cho chúng ta một cơ hội thực sự về một giải pháp bền vững và đồng nhất toàn châu Âu về vấn đề người tị nạn”.
Tờ Handelsblatt cùng ngày cũng dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết: “Tôi lạc quan thận trọng về khả năng thông qua một thỏa thuận ràng buộc với Thổ Nhĩ Kỳ”.
Có thể thấy, sau khi nỗ lực vực dậy từ cơn bão khủng hoảng tài chính, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu lại tiếp tục chật vật tìm ra giải pháp tối ưu cho cuộc khủng hoảng người di cư. Thỏa thuận vốn đang được đánh giá là một “canh bạc” của EU với Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt ra nhiều tranh cãi trong nội bộ các quốc gia cũng như còn vấp phải nhiều trở ngại trên hành trình thông qua, song cũng không thể phủ nhận đây chính là cơ hội đầu tiên giúp EU tìm ra được một giải pháp mang tính tập thể nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục lan rộng.
Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu, diễn ra trong hai ngày 17 – 18/3 lần này, vì vậy, lại tiếp tục được kỳ vọng tìm ra lời giải cho câu hỏi: Liệu các nước châu Âu có thể dựa vào giải pháp Thổ Nhĩ Kỳ để điều tiết dòng người tị nạn tới châu lục này hay không?
Khánh Linh