|
Ngày Quốc tế Trẻ em Gái 2020 có chủ đề: “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. (Ảnh: awarenessdays.com) |
Ngày 19/12/2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tuyên bố lấy ngày 11/10 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Trẻ em Gái nhằm nâng cao nhận thức về các quyền của trẻ em gái cũng như những trở ngại đặc biệt mà các em gặp phải trên thế giới. Thêm vào đó, Ngày Quốc tế Trẻ em Gái nhấn mạnh sự cần thiết phải loại bỏ những thách thức mà các trẻ em gái phải đối mặt, thúc đẩy việc trao quyền cho trẻ em gái và tôn trọng quyền con người của các em.
Những cô gái vị thành niên có quyền có một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong những năm tháng trưởng thành quan trọng, mà cả khi các em trở thành phụ nữ. Thực tế cho thấy nếu được bảo đảm các quyền này trong giai đoạn vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới khi trở thành những người lao động trong tương lai, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, người chủ gia đình, và các nhà lãnh đạo chính trị. Đầu tư cho việc hiện thực hóa tiềm năng của trẻ em gái vị thành niên sẽ cho phép bảo vệ quyền của các em hôm nay và bảo đảm một tương lai công bằng và thịnh vượng hơn. Một tương lai mà ở đó, các cô gái sẽ chia sẻ cùng một nửa nhân loại để giải quyết những cuộc khủng hoảng liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột chính trị, tăng trưởng kinh tế, phòng chống dịch bệnh và phát triển bền vững toàn cầu.
Ngày Quốc tế Trẻ em Gái được thành lập dựa trên sáng kiến chung của Tổ chức phi chính phủ Plan International với sự trợ giúp của Chính phủ Canada, EU và các tổ chức khác. Ngày Quốc tế Trẻ em Gái mỗi năm đều được LHQ chọn cho một chủ đề riêng. Bằng việc công nhận ngày 11/10 hàng năm là Ngày Quốc tế Trẻ em gái, thế giới đang chứng minh sự thật rằng làm con gái không hề là việc dễ dàng và trẻ em gái trên toàn cầu xứng đáng đón nhận sự giáo dục, bảo vệ tốt hơn và một tương lai tươi đẹp hơn. Mỗi năm vào dịp này sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh LHQ kéo dài 11 ngày để bàn về sức khỏe, hạnh phúc và các hoạt động liên quan đến trẻ em gái.
Thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh
Ngày 2/10 vừa qua, trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng LHQ Khóa 75 đã diễn ra Phiên Cấp cao kỷ niệm 25 năm Hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ IV với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”. Do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), Phiên họp được tổ chức theo hình thức: Lãnh đạo và đại diện các nước ghi hình phát biểu để phát tại phòng họp Đại hội đồng tại Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Mỹ).
Hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ IV được tổ chức năm 1995 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh nhằm khẳng định quyết tâm tiến tới mục tiêu bình đẳng, phát triển và hòa bình cho tất cả phụ nữ trên thế giới. Cho đến nay, cộng đồng quốc tế thống nhất cho rằng hai văn kiện này là các văn bản thống nhất, toàn diện nhất, đặt nền móng cho việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ, hướng tới bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới. |
Tại Phiên họp, các nước đề cao ý nghĩa của Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh được thông qua tại Hội nghị Thế giới về Phụ nữ lần thứ IV (năm 1995) và những tiến bộ đạt được trong 25 năm qua về đảm bảo và thúc đẩy bình giới, trao quyền cho phụ nữ, hướng tới một xã hội công bằng, tiến bộ, không còn rào cản về giới. Các nước chia sẻ kinh nghiệm cũng như thảo luận các thách thức trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về giới. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tuy đã có những tiến triển trong thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, thế giới vẫn đứng trước nguy cơ không đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể làm gia tăng bất bình đẳng trong xã hội.
Trên cơ sở đó, các nước đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả các biện pháp thực thi trong lĩnh vực này, đặc biệt là việc bảo đảm yếu tố giới trong các chính sách bảo trợ xã hội, tiếp cận dịch vụ công, đảm bảo sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ trên mọi mặt của đời sống xã hội.
Phát biểu tại phiên họp, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện các cam kết cụ thể và tham vọng nhằm thúc đẩy vai trò lãnh đạo và trao quyền quyết định cho phụ nữ. “Để đạt được điều này cần đến những biện pháp có mục tiêu, bao gồm những hành động mang tính chất khẳng định và việc đề ra hạn ngạch. Đây không chỉ là một vấn đề nhân quyền mà còn là mệnh lệnh về kinh tế, xã hội” – người đứng đầu LHQ nói.
Thế giới đang thiếu hụt 140 triệu phụ nữ và trẻ em gái
|
Giám đốc điều hành UNFPA Natalia Kanem đưa ra thông điệp nhân Ngày Quốc tế Trẻ em Gái 2020. (Video: unfpa.org) |
Với thông điệp: "Xóa bỏ những thực hành làm tổn hại tới phụ nữ và trẻ em gái và gia tăng bất bình đẳng", Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2020 do Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) công bố chỉ rõ, mỗi năm trên thế giới có hàng triệu trẻ em gái là nạn nhân của các thực hành có hại ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần của các em. Đáng nói là gia đình, bạn bè và cộng đồng của các em đều biết rõ những tác hại này nhưng vẫn để cho những thực hành có hại này tiếp tục hoành hành.
Cũng theo báo cáo của UNFPA, có ít nhất 19 thực hành có hại được coi là vi phạm quyền con người. Trong đó, báo cáo tập trung vào ba thực hành phổ biến nhất là cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ, tảo hôn và định kiến khắc nghiệt với con gái vì ưa thích con trai. Giám đốc điều hành của UNFPA, Tiến sĩ Natalia Kanem cho biết “Những thực hành có hại đối với trẻ em gái gây ra những sang chấn sâu sắc và dai dẳng, cũng như cướp đi của các em quyền được phát triển hết tiềm năng của mình.”
Năm nay, ước tính 4,1 triệu trẻ em gái sẽ phải trải qua hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ. Hiện nay, 33.000 trẻ em gái dưới 18 tuổi sẽ bị ép buộc kết hôn với những người chồng thường lớn hơn các em rất nhiều tuổi. Ngoài ra, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái diễn ra tại một số quốc gia đã tiếp tay cho sự phát triển của vấn nạn lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và sao nhãng trẻ em gái, dẫn đến cái chết của nhiều trẻ em gái và sự “thiếu hụt” tới 140 triệu nữ giới.
Báo cáo của UNFPA nhận định, kinh nghiệm và nghiên cứu tích lũy hàng thập kỷ nay cho thấy các hướng tiếp cận cấp cơ sở mang lại hiệu quả cao hơn trong việc tạo ra sự thay đổi. Cũng theo Tiến sĩ Kanem: “Chúng ta cần giải quyết vấn đề này qua việc giải quyết nguyên nhân gốc rễ, đặc biệt là các chuẩn mực thiên lệch về giới. Chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác hỗ trợ cộng đồng để họ tự hiểu được tác động tiêu cực mà những thực hành này đang gây ra cho các bé gái và lợi ích mà xã hội sẽ được hưởng khi chấm dứt những thực hành đó.”
Nhân ngày Quốc tế Trẻ em Gái 2020, Giám đốc điều hành UNFPA Natalia Kanem đã đưa ra thông điệp: “Tất cả trẻ em gái đều có quyền cất tiếng nói cũng như quyền được lắng nghe. Ngay bây giờ, hơn bao giờ hết, đã đến lúc để chúng ta lắng nghe. Ngày hôm nay, khi chúng ta kỷ niệm Ngày Quốc tế Trẻ em Gái, chúng ta có cơ hội chưa từng có để nâng cao tinh thần trẻ em gái, thúc đẩy sự tiến bộ trên toàn thế giới…”. ”Bởi nếu chúng ta đầu tư vào thể chất và tinh thần cho trẻ em gái, họ sẽ biến đổi thế giới của mình”, bà Natalia Kanem nhấn mạnh.
Bà Natalia Kanem cũng khẳng định, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái là điều “không thể mang ra đàm phán”, để từ đó kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới cần “tăng tốc” hành động và đầu tư trong vấn đề này. Theo quan điểm của bà Kamen, đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái không chỉ đơn thuần là một vấn đề về quyền lợi, mà đó còn là mục tiêu hướng tới một nền kinh tế thông minh, mang lại cho xã hội những lợi ích lớn hơn gấp nhiều lần chi phí bỏ ra.
Hàng năm, nhân ngày Dân số Thế giới 11/7, UNFPA lựa chọn một chủ đề cấp thiết cho nhân loại, đặt ra những mục tiêu cần giải quyết, bằng những thông điệp kêu gọi mọi người cùng hưởng ứng. Và chủ đề cho ngày Dân số Thế giới 11/7/2020 là: “Đẩy lùi COVID-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại” nhằm kêu gọi hãy bảo vệ sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái trong mọi hoàn cảnh.
Hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới năm nay, văn phòng UNFPA tại các quốc gia được khuyến khích nâng cao nhận thức về nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, cũng như tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh đại dịch; nhấn mạnh đến các cách thức bảo vệ những thành tựu không dễ gì đạt được. Bảo đảm nội dung về quyền và sức khỏe sinh sản và tình dục được đưa vào chương trình nghị sự quốc gia và tìm kiếm những phương pháp duy trì đà phát triển hướng tới việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030./.