Tổng thống Mỹ mong gặp lại nhà lãnh đạo Triều Tiên

Thứ tư, 02/01/2019 15:54
(ĐCSVN) – Ngày 1/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đang chờ đợi cuộc gặp thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ D.Trump
tại cuộc gặp lịch sử ở Singapore, tháng 6/2018. (Ảnh: Yonhap)


Tuyên bố này được ông D.Trump đưa ra ngay sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ thiện chí “sẵn sàng gặp” Tổng thống Mỹ vào bất cứ thời điểm nào trong thông điệp đầu năm mới 2019 được phát trong vòng 30 phút đồng hồ trên Đài truyền hình trung ương Triều Tiên (KCTV), ngày 1/1.

 

Trên trang cá nhân, ông D.Trump dẫn lại nội dung bài phát biểu năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với lời cam kết sẽ không chế tạo, thử nghiệm, hay chuyển giao vũ khí hạt nhân cho các bên khác và sẵn sàng gặp lại Tổng thống Mỹ vào “bất cứ thời điểm nào”. Người đứng đầu Nhà Trắng bày tỏ thêm rằng, ông đang trông đợi cơ hội được gặp lại Chủ tịch Kim Jong-un – người được ông D.Trump đánh giá là nhận thức rất rõ về những tiềm năng kinh tế lớn lao của Triều Tiên.

 

Tuy nhiên, thông điệp mà ông D.Trump đưa ra ngày 1/1 đã không đề cập đầy đủ tới những nội dung trong bài phát biểu đầu năm mới của Chủ tịch Kim Jong-un, trong đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cảnh báo Mỹ không nên “thử thách sự kiên nhẫn của Triều Tiên bằng những động thái gia tăng sức ép và lệnh trừng phạt”.

 

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Yonhap, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối bình luận về thông điệp năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

 

Trong khi đó, giới phân tích lại xem những nội dung mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề cập tới trong bài phát biểu ngày 1/1 là một “sự gợi mở” nhằm phá vỡ thế bế tắc trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên. Kênh tin tức PBS News Hour của Mỹ cho biết, trong thông điệp đầu năm mới, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định Triều Tiên đã thực hiện “một loạt các biện pháp khả thi khác nhau” sau khi tuyên bố với người dân trong nước và cộng đồng thế giới rằng Bình Nhưỡng sẽ không chế tạo, thử nghiệm, sử dụng hay phổ biến vũ khí hạt nhân. Thông điệp của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nêu rõ, nếu như Mỹ đưa ra các hành động hồi đáp “một cách thiết thực và đáng tin cậy”, thì các mối quan hệ giữa hai nước sẽ được thúc đẩy một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, việc Mỹ tiếp tục theo đuổi các chính sách gây sức ép và áp đặt trừng phạt như hiện nay sẽ buộc Triều Tiên phải tìm kiếm “một con đường mới” để bảo vệ những lợi ích dân tộc và đạt được mục tiêu thiết lập hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

 

Hãng thông tấn NHK đưa tin thêm, trong thông điệp đầu năm mới, ông Kim Jong-un cũng khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với các bên tham gia Thỏa thuận đình chiến giữa hai miền Triều Tiên nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán đa phương để có thể nâng bản thỏa thuận này trở thành một bản Hiệp ước hòa bình. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự chung vì xem đây là “nguồn cơn gây căng thẳng” trên bán đảo Triều Tiên.

 

Tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên diễn ra ở Singapore hồi tháng 6/2018, Tổng thống D.Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa toàn bộ bán đảo Triều Tiên để đổi lấy sự bảo đảm an ninh từ Mỹ. Dù cho tới nay, các vòng đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể, song triển vọng thúc đẩy tiến trình này trong năm 2019 đang rộng mở sau khi Tổng thống D.Trump dành nhiều sự ca ngợi cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un và bày tỏ mong muốn nối lại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 1 hoặc tháng 2/2019.

 

Chuyên gia về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên – ông Victor Cha cho rằng, bài phát biểu đầu năm mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như đã mở ra một cánh cửa đàm phán sau một thời gian các nỗ lực ngoại giao bị đình trệ vào cuối năm 2018. Đây cũng được xem là một cơ hội để các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thể gặp gỡ, hay ít nhất là gợi mở về những nội dung mà các nhà đàm phán mong muốn đề cập tới. Tuy nhiên, một số người theo quan điểm hoài nghi lại nhận định rằng, tuyên bố trên của ông Kim Jong-un đang thiên nhiều hơn về những mong muốn hạ nhiệt căng thẳng, đi kèm theo việc Triều Tiên được công nhận là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có trách nhiệm, và sẽ không chuyển giao hay tăng cường thêm năng lực hạt nhân trong tương lai.

 

Trong khi đó, cũng có ý kiến thận trọng cho rằng, tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều, dù có được nối lại, song cũng không thể đạt được kết quả như mong muốn “trong một sớm một chiều”, khi mà Mỹ đã tỏ rõ hai quan điểm trái ngược với những mong muốn của Triều Tiên, đó là việc sẽ tiếp tục gia tăng sức ép trừng phạt cho tới khi nào tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trở thành sự thật cũng như việc Mỹ sẽ duy trì việc tổ chức các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc vào mùa xuân năm nay, cho dù đã thu hẹp về quy mô so với thường lệ./.

Thu Lan (Theo NHK, Yonhap)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực