Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông vừa nhận được một bức thư từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Yonhap)
Phát biểu trước các phóng viên từ Nhà Trắng, ông D.Trump cho biết ông đã nhận được bức thư từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 10/6. Đây là hoạt động trao đổi thư từ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.
“Tôi vừa nhận được một lá thư tốt đẹp từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đây là một lá thư riêng tư, rất ấm áp và rất hay. Tôi đánh giá cao điều này” – người đứng đầu Nhà Trắng nói.
Tuy không tiết lộ nội dung của bức thư trên, song Tổng thống D.Trump tỏ rõ sự tin tưởng rằng, Triều Tiên có “tiềm năng to lớn" dưới vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong-un.
“Chúng tôi có một mối quan hệ rất tốt đẹp với nhau. Tới thời điểm hiện tại tôi có thể khẳng định điều này dựa trên lá thư mà tôi đã nhận được vào ngày hôm qua. Tôi cho rằng, một điều gì đó rất tích cực sẽ diễn ra”- Tổng thống D.Trump nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ D.Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã bắt đầu các hoạt động trao đổi thư từ kể từ khi hai nhà lãnh đạo khởi động các nỗ lực ngoại giao giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vào đầu năm 2018. Thông tin về việc nhận được một lá thư với những “nội dung tốt đẹp” từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un được Tổng thống D.Trump đưa ra vào dịp tròn 1 năm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ nhất tại Singapore vào ngày 12/6/2018. Tại sự kiện này, hai nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa và thiết lập cơ chế hòa bình lâu dài, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ D.Trump
tại cuộc gặp lần đầu tiên ở Singapore ngày 12/6/2018. (Ảnh: Xinhua)
Dựa trên cơ sở những thành tựu ngoại giao đã đạt được, vào tháng 2/2019, các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ đã nối lại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 tại Hà Nội. Tuy nhiên, sự kiện này đã không mang lại kết quả như kỳ vọng do bất đồng chưa thể thu hẹp liên quan tới mức độ phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Về phía Triều Tiên tuyên bố nước này đã thực hiện một số bước đi phi hạt nhân hóa, gồm việc đóng cửa một bãi thử hạt nhân và ngừng các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Trong khi đó, Mỹ lại duy trì lập trường cho rằng Triều Tiên cần “hành động trước tiên”, và Washington sẽ không gỡ bỏ các lệnh trừng phạt cho tới khi nào Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Hiện chính phủ Mỹ vẫn đang tiếp tục theo đuổi nhiều nỗ lực, trong đó có việc phối hợp với các nước khác để hối thúc Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.
Tháng 5/2019, Triều Tiên đã phóng một số tên lửa tầm ngắn trong một động thái được cho là nhằm tỏ rõ “sự phản đối” trước sự ngưng trệ của các vòng đàm phán hạt nhân giữa nước này và Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống D.Trump lại bày tỏ lập trường mềm mỏng trước diễn biến này khi xem đây chỉ là một nỗ lực “thu hút sự chú ý” của Triều Tiên.
Trong lời phát biểu đưa ra ngày 11/6, người đứng đầu Nhà Trắng tiếp tục khẳng định rằng những thiết bị mà Triều Tiên phóng đi từ tháng trước là “tên lửa tầm ngắn”, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng, trong thời gian qua, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giữ lời hứa khi không thử vũ khí hạt nhân hay tên lửa tầm xa. Theo quan điểm của Tổng thống D.Trump thì việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giữ vững lời hứa trước ông là một điều “vô cùng quan trọng”.
Bên cạnh đó, ông D.Trump cũng để ngỏ khả năng tiến hành Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đây cũng là nội dung được Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói tới trong một cuộc hội thảo do tờ Wall Street Journal tổ chức cùng ngày. Ông Bolton tuyên bố, Hội nghị thượng đỉnh lần ba giữa Tổng thống D.Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un “hoàn toàn có thể” xảy ra và đây là điều tùy thuộc vào Bình Nhưỡng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Bolton nhấn mạnh: “Ông Kim Jong-un thực sự giữ vai trò then chốt”, đồng thời khẳng định Washington sẵn sàng tham gia hội nghị nói trên bất cứ khi nào Bình Nhưỡng muốn.
Hiện điều mà dư luận quan tâm hiện nay là liệu bức thư “tốt đẹp” mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un gửi tới Tổng thống D.Trump ngày 10/6 có thể mang lại kết quả “đột phá" nào trong việc đưa Mỹ và Triều Tiên xích lại gần nhau hơn về lập trường cũng như khai thông tiến trình đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ hay không./.