Tổng thống Mỹ Barack Obama với Nhà vua Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al-Saud trong cung điện Erga,
ngày 20/4/2016, tại thủ đô Riyadh. (Ảnh: AFP).
Chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Barack Obama diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang “nóng lên” khi các nghị sĩ của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ tìm cách thúc đẩy thông qua dự luật 11/9, cho phép các gia đình có người thân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11/9/2001 khởi kiện Chính phủ Saudi Arabia.
Đặc biệt, vào thời điểm 9 tháng trước khi rời Nhà Trắng, Tổng thống Obama vẫn phải nỗ lực để trấn an các đồng minh dòng Sunni (Saudi Arabia, Bahrain, UAE, Kuwait, Oman, Qatar), vốn đang không mấy hài lòng trước việc Mỹ mở cửa đối với Iran – đối thủ lớn theo dòng Hồi giáo Shiite của những nước này, và trước những nhận định của Tổng thống Mỹ về tầm nhìn của ông đối với khu vực.
Không những thế, với những tiến bộ mạnh mẽ đạt được nhiều tháng vừa qua trong cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria nhờ sự hỗ trợ của các cuộc không kích do liên quân quốc tế được Mỹ lãnh đạo tiến hành, ông Obama mong muốn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ này, đối mặt với các phần tử thánh chiến “trên thế phòng thủ”.
Ngoài ra, Mỹ vừa thông báo triển khai thêm gần 220 binh sĩ và trực thăng chiến đấu để hỗ trợ các đội quân của Iraq, nhất là trong nỗ lực tái chiếm Mosul – thành phố lớn thứ hai của quốc gia này bị các phần tử IS chiếm đóng từ tháng 6/2014. Tuy nhiên, Washington cũng mong muốn tập trung vào việc tái thiết các thành phố từng bị các chiến binh thánh chiến chiếm đóng, bị tàn phá bởi các cuộc xung đột, như thành phố Ramadi ở phía Tây Bagdad.
Điều chỉnh các cuộc xung đột
Ngày 20/4, phát biểu trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng 6 nước thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tại Saudi Arabia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định Mỹ mong muốn tham gia nhiều hơn vào quá trình hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố cùng các nước GCC, cũng như việc tạo lập an ninh và ổn định tại khu vực. Ông Carter lưu ý sự “hỗ trợ của Sunni” cho công cuộc tái thiết sẽ đóng vai trò “mấu chốt” để bảo đảm chiến thắng cuối cùng chống lại các phần tử thánh chiến.
Thêm vào đó, không thể phủ nhận rằng trong thời gian vừa qua, Mỹ cũng dựa vào các đồng minh Vùng Vịnh để giải quyết các cuộc xung đột tại khu vực.
Theo ông Rob Malley, một cố vấn của Tổng thống Mỹ, vào thời điểm hiện tại, vấn đề cấp bách là phải nghiên cứu tìm ra một giải pháp ngoại giao, đặc biệt vì những lý do nhân đạo tại Syria và Yemen, cũng như “để các quốc gia đang chịu xung đột có thể tập trung vào cuộc chiến chống IS và Al-Qaeda khi tìm thấy một giải pháp chính trị”.
Tuy nhiên, những bước tiến ngoại giao vẫn còn đang tiềm ẩn và thậm chí còn quá mong manh. Các thủ lĩnh của lực lượng đối lập Syria đã bắt đầu rời bàn đàm phán tại Geneva, và tiếp tục tấn công chính quyền của Tổng thống Bachar al-Assad. Tại Yemen, các phần tử nổi dậy Houthis cuối cùng đã sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình dự kiến bắt đầu vào cuối ngày 21/4 tại Kuwait, nhưng nhiều cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục diễn ra tại lãnh thổ nước này và một giải pháp chính trị dường như còn rất xa vời.
Xoa dịu hoài nghi và lấy lại niềm tin
Theo nhận định của giới phân tích, sau hội nghị với các nước GCC, Tổng thống Mỹ Obama sẽ tận dụng cơ hội này để bảo đảm với các đồng minh Vùng Vịnh rằng Mỹ sẽ không giảm sự chú ý trước các “hành động gây mất ổn định” của Iran – quốc gia đang hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Assad tại Syria, lực lượng Hezbollah ở Lebanon và các đội quân nổi dậy Houthi ở Yemen.
Trước đó, vào tháng 5/2015, trong tiến trình đàm phán với Tehran về chương trình hạt nhân của quốc gia này, Tổng thống Mỹ cũng đã gặp các nhà lãnh đạo của GCC tại Trại David.
Khẳng định lại "cam kết kiên định" của Mỹ với các đối tác Arab của mình, ông Obama nhấn mạnh rằng mục tiêu của hợp tác an ninh không phải là "duy trì một cuộc đối đầu trong thời gian dài với Iran hay thậm chí là gạt Iran ra ngoài lề".
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Washington cũng đã bật đèn xanh cho “hơn 33 tỷ USD” bán các thiết bị quân sự cho các quốc gia Vùng Vịnh kể từ một năm trở lại đây.
Các tàu chiến tuần tra chung cũng đã tăng lên, cũng như các cuộc tập trận chung. Và cả hai bên đang cùng làm việc về một dự án phòng thủ tên lửa chung cho 6 quốc gia vùng Vịnh.
Chuyến thăm Saudi Arabia kéo dài 3 ngày là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 6 ngày tới 3 nước bao gồm cả Anh và Đức của Tổng thống Mỹ Barack Obama./.