|
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. (Ảnh: EPA-EFE) |
“Người dân Phần Lan và các nước EU khác sẽ phải quen với thực tế là nền kinh tế sẽ không còn tăng trưởng từ năm này qua năm khác,” Tổng thống Niinisto cho biết.
“Nó có thể gây bất lợi cho đoàn kết của châu Âu khi đà phát triển bị ngừng đột ngột và thách thức lại gia tăng", Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto trả lời phỏng vấn báo Maaseudun Tulevaisuus.
Theo Tổng thống Phần Lan, liên quan vấn đề này, “các nhiệm vụ trọng tâm là khả năng tự cung tự cấp của Phần Lan trong lĩnh vực an ninh, bất chấp quá trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), và sự độc lập của Phần Lan trong vấn đề cung cấp lương thực cho người dân”.
Ông Niinisto lưu ý rằng EU phải tính đến “nguy cơ leo thang xung đột ở Ukraine”. Theo Tổng thống Niinisto, tình trạng quan hệ giữa Nga và phương Tây nói chung, với Phần Lan nói riêng, phụ thuộc vào diễn biến tình hình ở Ukraine.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng 2, EU đã áp đặt 6 gói trừng phạt nhằm vào Moskva, loại phần lớn ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, tịch thu tài sản của các nhà tài phiệt cùng quan chức Nga, kiểm soát xuất khẩu hàng hóa và cấm nhập khẩu than, dầu, vàng của Nga.
Ông Niinisto đưa ra cảnh báo trong bối cảnh Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố số liệu cho thấy, lạm phát tháng 7 của khu vực đồng tiên chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên 8,9% vào tháng 7, so với mức 8,6% trong tháng 6. Lạm phát tăng kỷ lục do tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt.
Giá năng lượng trong tháng 7 tăng 39,7%, chỉ giảm nhẹ so với mức tháng 6 do lo ngại về nguồn cung khí đốt. Giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 9,8%, nhanh hơn mức tăng được công bố vào tháng 6 do chi phí vận tải cao hơn, tình trạng thiếu hụt và nguồn cung ở Ukraine không chắc chắn.
Rủi ro của châu Âu phần lớn xuất phát từ việc châu lục này phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Kể từ ngày 27/7, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã cắt giảm lượng khí đốt tự nhiên cung cấp cho châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1) xuống còn 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất đã gây khó khăn cho châu lục này trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng đang leo thang./.