|
Bức ảnh chụp ngày 15/4/2023 cho thấy khói bốc lên ở thủ đô Khartoum của Sudan. (Ảnh: Xinhua) |
Ngày 17/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo quân đội Chính phủ và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) - nhóm bán quân sự lớn mạnh ở Cộng hòa Sudan chấm dứt ngay các hoạt động thù địch và khởi động tiến trình đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng làm rung chuyển quốc gia Bắc Phi trong những ngày qua.
Thông điệp trên được ông Guterres đưa ra trước khi có bài phát biểu khai mạc một diễn đàn của Liên hợp quốc về tài trợ cho phát triển.
Người đứng đầu Liên hợp quốc lên án mạnh mẽ các cuộc giao tranh ở Sudan, lưu ý rằng bất ổn đã dẫn đến "sự thiệt hại khủng khiếp về con người", trong đó có nhiều thường dân.
Ông Guterres lên án mạnh mẽ những hành vi cướp bóc, gây thương vong dân thường cùng những người làm công tác nhân đạo.
"Tôi nhắc nhở tất cả các bên về sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm đảm bảo an toàn và an ninh cho tất cả các nhân viên Liên hợp quốc cũng như nhân viên cứu trợ nhân đạo…”– người đứng đầu Liên hợp quốc nói.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo rằng bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào cũng có thể tàn phá Sudan và khu vực. Ông kêu gọi tất cả những người có ảnh hưởng đến tình hình hỗ trợ các nỗ lực chấm dứt bạo lực, khôi phục trật tự và quay trở lại con đường chuyển tiếp ở Sudan.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết ông đã nói chuyện với hai nhà lãnh đạo Sudan vào cuối tuần trước, đồng thời đang tích cực hợp tác với Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Ả Rập (AL) và các nhà lãnh đạo trong khu vực. Ông Guterres một lần nữa khẳng định, người dân Sudan sẽ nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của Liên hợp quốc trước những nỗ lực khôi phục quá trình chuyển đổi dân chủ và xây dựng một tương lai hòa bình, an toàn.
Trong một tuyên bố phát đi vào chiều 17/4, người phát ngôn của Liên hợp quốc Stéphane Dujarric cảnh báo “các hành động thù địch sẽ chỉ cản trở các nỗ lực ứng phó nhân đạo của Liên hợp quốc vào thời điểm mà nhu cầu ở Sudan đang ở mức cao nhất”.
“Chúng tôi hiện không có lối vào hoặc ra khỏi Sudan khi mà biên giới và sân bay vẫn đóng cửa”- ông Dujarric nói, đồng thời nhấn mạnh rằng Liên hợp quốc đã buộc phải tạm dừng nhiều hoạt động của mình do giao tranh tiếp diễn.
Ông Dujarric cho biết các vụ giao tranh tại sân bay Khartoum đã làm hư hỏng một máy bay của Liên hợp quốc và điều này có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiếp cận các vùng xa xôi của Sudan, nơi có nhu cầu cứu trợ cao nhất. Ông cho biết hiện có 3,7 triệu người phải di dời ở Sudan.
Sudan đã lâm vào tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021. Căng thẳng giữa lực lượng quân đội và RSF đã leo thang trong nhiều tháng nay khiến các đảng phái chính trị ở nước này chưa thể ký kết một thỏa thuận được quốc tế ủng hộ nhằm nối lại quá trình chuyển tiếp chính phủ trong nước.
Căng thẳng âm ỉ kéo dài suốt nhiều tháng qua tại Sudan đã leo thang đỉnh điểm vào ngày 15/4 khi nổ ra các vụ đụng độ dữ dội giữa quân đội và RSF tại nhiều địa điểm trên toàn quốc, trong đó có cả Thủ đô Khartoum.
Thông báo của Ủy ban trung ương các bác sĩ Sudan nêu rõ, giao tranh kéo dài giữa quân đội chính phủ và RSF cho đến nay đã khiến ít nhất 97 người thiệt mạng cùng hàng trăm người khác bị thương.
Trong khi đó, tại cuộc gặp gỡ trực tuyến với báo giới từ trụ sở Liên hợp quốc ở thủ đô Khartoum vào chiều 17/4, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký về Sudan - ông Volker Perthes, cho biết, căng thẳng tiếp diễn những ngày qua đã khiến hơn 180 người đã thiệt mạng và 1.800 người bị thương, trong khi một số cơ sở của Liên hợp quốc đã bị cướp phá.
Ông Perthes nói: “Các cuộc giao tranh đang diễn ra gần như không ngừng nghỉ… Tôi đã nỗ lực thuyết phục các nhà lãnh đạo của cả hai bên tạm ngừng bắn vì lý do nhân đạo trong vài giờ để người dân Sudan có thể di tản đến những nơi an toàn hơn hoặc nhận đồ tiếp tế cho tháng Ramadan hay tới bệnh viện”. Tuy nhiên, các phe phái quân sự đối địch tại Sudan vẫn chưa có dấu hiệu mong muốn hòa giải ngay lập tức mà thay vào đó lại ra lời kêu gọi đối phương đầu hàng hoặc giải tán./.