Triển vọng nào cho đàm phán thương mại Mỹ - Trung?

Thứ ba, 07/05/2019 16:50
(ĐCSVN) – Tổng thống Mỹ D.Trump vừa công bố kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc do sự “thiếu tiến triển” trong tiến trình đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Động thái này được cho là sẽ tạo ra những rào cản mới trong bối cảnh hai bên đang chuẩn bị nối lại đàm phán trong những ngày tới.

Mỹ sẽ tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc

 Trung Quốc tiếp tục khẳng định thiện chí đàm phán với Mỹ

Ngày 7/5, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo Phó Thủ tướng nước này Lưu Hạc sẽ thăm Mỹ từ ngày 9-10/5 để đàm phán thương mại song phương theo lời mời của các quan chức cấp cao nước chủ nhà. Tuy nhiên, bộ trên không công bố thêm thông tin về cuộc đàm phán cũng như các chủ đề dự kiến sẽ được thảo luận trong vòng đàm phán tới.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 6/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cũng đã khẳng định rằng nước này vẫn đang chuẩn bị cử một phái đoàn sang Washington để nối lại các vòng đàm phán thương mại với Mỹ, ngay cả sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump đã cảnh báo sẽ tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. (Ảnh: Reuters)

Đây là phản ứng mới nhất do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra trước câu hỏi liên quan tới thông điệp trên trang Twitter của Tổng thống D.Trump về việc sẽ tăng mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 10/5 tới.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng đã tuyên bố Mỹ đã sẵn sàng tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc theo thời hạn mà Tổng thống D.Trump đưa ra và có khả năng sẽ đưa ra thông báo về điều này vào ngày hôm nay (7/5).

“Phía Mỹ đã nhiều lần cảnh báo về việc tăng thuế… Trung Quốc cũng đã đưa ra những lập trường rõ ràng và phía Mỹ đã nắm rất rõ điều này” – ông Cảnh Sảng nói.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hy vọng các vòng đàm phán thương mại giữa nước này với Mỹ sẽ tiến triển và phía Mỹ sẽ tỏ ra hợp tác để có thể tìm ra một hướng đi chung, giúp đạt được một thỏa thuận mang lại lợi ích cho cả đôi bên. “Trung Quốc và cộng đồng quốc tế đang rất quan tâm tới vòng đối thoại sắp tới, và chúng tôi cũng đã nắm được thông tin về những sự thay đổi liên quan. Phái đoàn Trung Quốc đang chuẩn bị lên đường sang Mỹ để tiến hành đàm phán” – phát ngôn viên Cảnh Sảng nêu rõ.

Tuy nhiên, phát ngôn viên này không nêu rõ những thông tin cụ thể bao gồm số lượng thành viên trong phái đoàn của Trung Quốc hay chuyến đi này sẽ kéo dài trong bao lâu. Thay vào đó, ông Cảnh Sảng gợi ý rằng các phóng viên có thể liên hệ với các nhà chức trách có liên quan để nắm được thông tin.

Theo quan điểm của ông Cảnh Sảng thì những sự thay đổi tương tự đã được ghi nhận trong các vòng đàm phán thương mại trước đó, đồng thời lưu ý thêm rằng vòng đàm phán gần đây nhất giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt được “tiến triển tích cực”.

Những kịch bản nào có thể xảy ra?

Thông điệp trên được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra vào thời điểm đang xuất hiện những nhận định về khả năng Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Washington trong tuần này để nối lại vòng đàm phán thương mại thứ 11 với Mỹ. Sự kiện này cũng được kỳ vọng là sẽ giúp mang lại một thỏa thuận chấm dứt thế đối đầu về thương mại kéo dài 10 tháng qua giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Sau thông điệp cảnh báo về việc tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc mà Tổng thống D.Trump đăng tải trên trang Twitter, ngày 5/5, nhiều chuyên gia đang đưa ra dự báo về 2 kịch bản trong các vòng đàm phán thương mại sắp tới giữa hai nước: Hoặc là Trung Quốc sẽ đưa ra thêm nhượng bộ; hoặc là không lùi bước trước những yêu cầu từ Washington và phá bỏ đàm phán.

Từ trái sang phải: Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong một cuộc đàm phán gần đây giữa hai nước.(Ảnh: AFP)

Những diễn biến gần đây cho thấy, dù còn nhiều rào cản song Mỹ và Trung Quốc vẫn tỏ rõ quyết tâm theo đuổi tiến trình đàm phán để tiến tới một thỏa thuận thương mại cuối cùng. Tuy nhiên, việc Tổng thống D.Trump đưa ra lời cảnh báo tăng thuế lên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đã đẩy Bắc Kinh vào một tình thế khó khăn bởi việc đạt được bất kỳ một thỏa thuận nào với Mỹ cũng có thể khiến dư luận nước này đặt câu hỏi hoài nghi về một sự nhượng bộ trước những động thái gây sức ép từ Nhà Trắng.

Trong khi đó, cũng có ý kiến khác cho rằng, thông qua tuyên bố mới nhất, ông D.Trump đang tỏ rõ “sự mất dần kiên nhẫn” trước những nhượng bộ khiêm tốn từ Trung Quốc. Sự hối thúc này của người đứng đầu Nhà Trắng có thể sẽ giúp mang lại một kết quả đột phá song cũng có thể tạo thêm rào cản trong tiến trình đàm phán vốn dĩ đã nhiều chông gai giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Bà Tao Wang – một chuyên gia kinh tế tại ngân hàng UBS đánh giá lời đe dọa của ông D.Trump là “một điều bất ngờ lớn” sau khi hai nền kinh tế lớn đã đạt được những tiến triển tích cực trong các vòng đàm phán thương mại kéo dài nhiều tuần qua. Bên cạnh đó, bà Tao Wang cũng cho rằng, hiện vẫn chưa rõ để đi tới kết luận rằng, liệu thông điệp trên của ông D.Trump có thể hiện một “sự thay đổi lập trường hay chiến thuật đàm phán” hay không. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này khẳng định một điều chắc chắn, đó là thị trường tài chính thế giới sẽ phản ứng dữ dội trước nguy cơ gia tăng rủi ro về một kịch bản leo thang toàn diện trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Dù còn nhiều ý kiến hoài nghi thận trọng, song một kết quả tốt đẹp cuối cùng vẫn có thể hé lộ khi các đại diện hai bên cùng ngồi vào bàn đàm phán với một thiện chí đủ lớn để làm lu mờ mọi khoảng cách. Đây không chỉ là sự mong muốn từ phía Mỹ và Trung Quốc mà còn là sự kỳ vọng từ các nước khác trên thế giới, bởi triển vọng tăng trưởng mong manh của kinh tế toàn cầu luôn dễ bị tổn thương nếu như mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới gặp sóng gió.

Lời cảnh báo trên trang Twitter của Tổng thống D.Trump ngày Chủ nhật (5/5) về việc tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã khiến các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc chìm trong sắc đỏ ngay khi thị trường vừa mở cửa phiên đầu tuần, với độ giảm mỗi lúc một sâu hơn. Lúc đóng cửa, chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải sụt 5,58%. Chỉ số Shenzhen Composite Index và Shenzhen Component Index của sàn Thâm Quyến giảm tương ứng 7,56% và 7,38%. Chỉ số CSI 300, một thước đo giá cổ phiếu blue-chip niêm yết tại thị trường Trung Quốc đại lục, rớt 5,84%.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ cũng chứng kiến 1 phiên sụt giảm. Chỉ số S&P 500 trên sàn chứng khoán Mỹ ngày 6/5 có thời điểm mất 1,6%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng giảm do nhà đầu tư tìm đến các tài sản rủi ro thấp. Tuy vậy, hầu hết các chỉ số lớn sau đó hồi phục, do nhà đầu tư vẫn hy vọng hai nước vẫn sẽ đạt thỏa thuận thương mại. Chốt phiên, S&P 500 mất 0,45%. DJIA giảm 0,25% và Nasdaq Composite mất 0,5%. 

Thu Lan (Theo CNN, NHK, CNBC, Politico)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực