|
Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc Phó Công. (Ảnh: VCG) |
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về quan hệ hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU), ông Phó Công nêu rõ, các nước châu Phi đã thoát khỏi chế độ thực dân và giành được độc lập dân tộc. Tư cách thành viên của các nước châu Phi đã chuyển đổi Liên hợp quốc và mở rộng đáng kể tính phổ quát của tổ chức này.
Tuy nhiên, ông Phó Công cho biết trật tự quốc tế hiện tại vẫn bị định hình bởi những yếu tố bất công và vô lý đối với các quốc gia châu Phi, trong khi sự bình đẳng thực sự trong việc tiếp cận các quy tắc, cơ hội và quyền lực vẫn còn khó nắm bắt.
Ông Phó Công lưu ý rằng trong Phiên thảo luận chung của Khóa họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra vào tuần trước, các nhà lãnh đạo châu Phi đã kêu gọi đẩy nhanh cải cách hệ thống quản trị toàn cầu để xóa bỏ bất công lịch sử mà châu Phi đã phải gánh chịu trong thời gian dài.
"Trung Quốc kiên quyết ủng hộ các yêu cầu chính đáng của châu Phi" - Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc khẳng định.
Ông Phó Công nhấn mạnh Trung Quốc luôn ủng hộ các nước đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia châu Phi có đại diện và tiếng nói lớn hơn trong hệ thống quản trị toàn cầu, đồng thời ủng hộ cải cách cấu trúc tài chính quốc tế để các tổ chức tài chính đa phương có thể hỗ trợ nhiều hơn cho sự phát triển của châu Phi.
"Liên quan đến việc cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc ủng hộ việc đưa ra các sắp xếp đặc biệt nhằm ưu tiên giải quyết nguyện vọng của châu Phi" – ông Phó Công nói.
Theo đánh giá của ông Phó Công, các hoạt động giao tiếp và hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi ngày càng mạnh mẽ hơn trong những năm qua, đại diện cho một trong những quan hệ đối tác bền vững, toàn diện và hiệu quả nhất. Nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng, trong tương lai, Liên hợp quốc và AU sẽ nỗ lực hơn nữa trong bốn lĩnh vực, bao gồm: chấm dứt xung đột và bạo lực ở châu Phi và bảo vệ an ninh chung; hỗ trợ các hoạt động gìn giữ hòa bình do châu Phi lãnh đạo và tăng cường hợp tác trên cơ sở bình đẳng; loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của xung đột ở châu Phi và thúc đẩy phát triển chung; cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu và khắc phục bất công lịch sử đối với châu Phi.
Ông Phó Công nêu rõ, Chương trình nghị sự 2063 của Liên hợp quốc đã nêu rõ tầm nhìn hiện đại hóa của châu Phi, cũng như thiện chí của châu lục này trong việc hợp tác với Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương khác để giải quyết những thách thức cấp bách nhất mà nhân loại đang phải đối mặt, chẳng hạn như an ninh, đói nghèo, khí hậu và phát triển. Trung Quốc sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc tăng cường hợp tác với AU, đồng thời cam kết đồng hành cùng châu Phi trên con đường hiện đại hóa.
Trước đó, phát biểu tại một cuộc tranh luận cấp cao diễn ra hồi tháng 8/2024, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng thừa nhận rằng châu Phi không được đại diện đầy đủ trong các cấu trúc quản trị toàn cầu, nhưng lại phải đối mặt với nhiều thách thức mà các cấu trúc này được thiết kế để giải quyết. Qua đó, nhà lãnh đạo Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường sự hiện diện hiệu quả của châu Phi tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhằm đảm bảo "uy tín và tính hợp pháp đầy đủ" của tổ chức này, đồng thời hối thúc hành động để tiếng nói của châu Phi được lắng nghe, các sáng kiến của châu Phi được hỗ trợ và nhu cầu của châu Phi được đáp ứng"./.