Tỷ lệ lạm phát tại Đức có thể tăng cao nhất trong nhiều thập kỷ

Thứ hai, 22/08/2022 14:39
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) Joachim Nagel cảnh báo, nước này có thể sắp chứng kiến tỷ lệ lạm phát tăng cao nhất trong nhiều thập kỷ qua và có nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang leo thang tại châu Âu.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức cảnh báo, nước này có thể sắp chứng kiến tỷ lệ lạm phát tăng cao nhất trong nhiều thập kỷ qua. (Ảnh: aa.com.tr)
Phát biểu với báo giới, ông Nagel nhấn mạnh, tỷ lệ lạm phát tại Đức “có thể” sẽ tăng tới 10% trong mùa Thu. Theo ông Joachim Nagel,  đợt tăng giá năng lượng mới nhất do nguồn cung dầu từ Nga giảm có khả năng đẩy giá tiêu dùng lên cao hơn nữa.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức đồng thời cho biết, tỷ lệ lạm phát hai con số được ghi nhận lần gần đây nhất là cách đây hơn 70 năm. Quý IV/1951, Đức ghi nhận tỷ lệ lạm phát ở mức 11%.

Tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Đức trong 3 tháng gần đây nhất (tháng 5, 6, 7) đã lần lượt chạm các mức 7,9%, 7,6% và 7,5%.

Ông Joachim Nagel cho rằng, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, sau khi gói hỗ trợ giảm giá nhiên liệu và cung cấp vé phương tiện giao thông công cộng 9 euro/tháng kết thúc vào cuối tháng này.

Ông Nagel nhận định, trong cả năm 2022, tỷ lệ lạm phát ở Đức ở mức trên 8%. Đối với năm 2023, ông Nagel dự báo lạm phát có thể cao hơn những đánh giá trước đây do những nút thắt về nguồn cung và căng thẳng địa chính trị nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hiện tại.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức cho biết, ông kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể nâng lãi suất vào cuộc họp ngày 8/9 tới đây nhằm kiềm chế lạm phát đang tăng cao tại nhiều quốc gia châu Âu.

Trước đó, kết thúc cuộc họp vào ngày 21/7 vừa qua, ECB đã quyết định nâng lãi suất mạnh hơn dự kiến khi tăng 0,5% lên 0% nhằm kiểm soát lạm phát, khi nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) chịu tác động từ xung đột tại Ukraine.

ECB cho biết đã thực hiện “các bước đi quan trọng” để đảm bảo đưa lạm phát quay trở lại mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương đề ra. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB trong 11 năm.

Hiện Nga đã giảm mạnh nguồn cung khí đốt cho Đức và châu Âu, khiến giá khí đốt tự nhiên và giá điện đã tăng hơn nhiều so với dự kiến. Ngày 17/8 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Gazprom của Nga cho biết, giá khí đốt xuất sang châu Âu có thể tăng thêm 60% trong mùa Đông này vì sản lượng khai thác và xuất khẩu giảm dưới tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2, Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào nền kinh tế Nga, bao gồm cả các biện pháp tác động đến lĩnh vực năng lượng của nước này. Điều này đang khiến hàng loạt quốc gia EU đối mặt tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt nghiêm trọng và có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng an ninh năng lượng vào mùa Đông.

Trong những tuần gần đây, Gazprom đã giảm lưu lượng khí đốt qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) tới Đức xuống chỉ còn 20% công suất sau nhiều tranh cãi liên quan đến các thiết bị vận hành đường ống này. Dòng chảy phương Bắc 1 hiện là một trong những tuyến đường ống dẫn khí chủ chốt từ Nga sang EU còn hoạt động./.

H.Hà (Theo Reuters, ft.com)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực