Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 (Ảnh: RIA-novosti)
Tuyên bố tranh cử đầy sức mạnh
Trong lời tuyên bố của mình, Tổng thống Putin đã khẳng định “đất nước Nga sẽ chỉ có tiến lên phía trước” và “không bao giờ có thế lực nào có thể chặn bước Nga trên con đường ấy”. Đây là lời tuyên bố tranh cử thể hiện sức mạnh không chỉ của riêng ông Putin mà là còn là lời hiệu triệu sức mạnh của nước Nga
Trước đó, ông Putin đã xác định nhiệm vụ của Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ 2018-2024 sẽ là “xây dựng nước Nga thành đất nước mềm dẻo và có năng lực cạnh tranh ở mức cao nhất”.
Ông Putin được bầu làm Tổng thống Liên bang Nga lần đầu tiên cho nhiệm kỳ 4 năm vào tháng 3/2000 và tái đắc cử vào năm 2004. Từ năm 2008 đến hết năm 2012, ông giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ. Năm 2012, ông được bầu lại vào chức vụ Tổng thống Liên bang Nga và sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 7/5/2018 tới. Nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018, đó sẽ là nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ 4 của ông.
Ngay sau tuyên bố ra tranh cử Tổng thống giai đoạn 2018-2024, dư luận đều cho rằng ông Putin đã có một quyết định sáng suốt có tính toán. Chọn nhà máy ô tô GAZ, trước đông đảo người lao động và tình nguyện viên trẻ để tuyên bố quyết định của mình, ông Putin cho thấy chỗ dựa của ông trong xã hội chính là người dân Nga bình thường và giới trẻ Nga và ông sẽ là người bảo vệ quyền lợi của họ. Dư luận cho rằng động thái này của Tổng thống Putin có tác dụng tập hợp lực lượng, đoàn kết các giai tầng trong xã hội Nga nhằm đối phó với những thách thức địa chính trị bất lợi đối với Nga hiện nay, đồng thời khẳng định hướng phát triển của Nga trong thời gian tới đó là tiếp tục phát triển kinh tế, ổn định xã hội và hội nhập quốc tế.
Khả năng tái đắc cử một nhiệm kỳ Tổng thống nữa của ông Putin là rất cao. Theo số liệu thống kê của Trung tâm nghiên cứu dư luận toàn Nga, kể từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ ủng hộ ông Putin luôn có xu thế tăng, duy trì ở mức trên 80%, cao nhất lên đến 89,9%. Bởi trong suốt 17 năm lãnh đạo đất nước Nga vừa qua, Tổng thống Putin được đánh giá là người đã giúp “hồi sinh” nước Nga trở về đúng giá trị vốn có của mình.
Dự kiến cuộc bầu cử Tổng thống Nga sẽ được tổ chức vào ngày 18/3/2018 và chiến dịch tranh cử sẽ khởi động vào tháng 12/2017.
Vladimir Putin – hình ảnh trỗi dậy của nước Nga
Nhắc đến hình ảnh của một nước Nga phát triển ngày hôm nay, không ai có thể phủ nhận về những đóng góp của Tổng thống Vladimir Putin, một chính khách lão luyện, người đã được phần lớn nhân dân Nga trao gửi niềm tin tưởng về khả năng duy trì được trật tự xã hội, mang lại đời sống thịnh vượng cho người dân và không ngừng nâng tầm vị thế nước Nga trên trường quốc tế. Ông luôn đứng trong những danh sách những nhân vật có ảnh hưởng nhất hành tinh.
Nhìn lại quá khứ, đã gần 2 thập kỷ trôi qua kể từ ngày thế giới và nhân dân Nga biết đến cái tên Vladimir Putin trên chính trường. 17 năm, trong đó 8 năm giữ cương vị Tổng thống đất nước (từ năm 2000-2008), 4 năm giữ cương vị Thủ tướng chính phủ (từ 2008-2012), 5 năm tiếp theo (từ 2012) được bầu lại vào chức vụ Tổng thống Liên bang Nga và sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 7-5-2018 tới, dù ở cương vị nào, thì nhà lãnh đạo 65 tuổi này vẫn luôn được nhắc tới như linh hồn của nước Nga, người mang lại cho nước Nga một bộ mặt hoàn toàn mới so với 2 thập kỷ trước.
Đánh giá về Putin, người ta cho rằng, ông Putin là hiện thân cho sự trỗi dậy của nước Nga ngay từ khi đặt bước chân đầu tiên lên vũ đài chính trị Nga và quốc tế. Nhiều người đã nhận xét, vận may chính trị của ông Putin gắn liền với dầu mỏ. Nhưng thực tế thì trước khi ông Putin trở thành Tổng thống Nga, nước Nga dù có sẵn dầu mỏ, khí đốt nhưng vẫn chìm trong suy thoái, nợ nần và nợ cả lương hưu... Trong khi đó, dưới thời Tổng thống Nga Putin, GDP của nước Nga đã tăng từ 200 tỉ USD trong năm 1999 lên 1.281 tỷ USD (năm 2016). Đời sống của nhiều người Nga được cải thiện rõ rệt. Vì thế, sẽ là không quá khi người ta cho rằng, quyết định đề cử V.Putin làm người kế nhiệm là lựa chọn sáng suốt nhất của Tổng thống Boris Yeltsin.
Trong hai nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên (từ 2000-2008), thiết chế chính trị đa đảng ở nước Nga đã được điều tiết theo hướng khắc phục tình trạng quá nhiều đảng, mà tập trung vào các đảng có khả năng cạnh tranh cao, lựa chọn một hoặc một số đảng mạnh, đảng “của chính quyền”, đóng vai trò hậu thuẫn, ủng hộ đường hướng, kế hoạch phát triển đất nước của chính quyền Nga. Những cải cách này đã mang lại kết quả tích cực cho chính quyền của Tổng thống Putin và tiếp đến là của Tổng thống Dmitry Medvedev (từ 2008-2012).
Không những ổn định về chính trị, cuộc sống người dân cũng được cải thiện rõ rệt. Đây là những thành công đáng kể mà ông Putin gây dựng được từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Trong giai đoạn 2000-2008, từ quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 22 thế giới, Nga đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới; với mức tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm. Số người sống dưới mức nghèo khổ đã giảm xuống còn 14% trong năm 2008, tầng lớp trung lưu tăng lên 7 lần…
Năm 2011, Nga là nước có nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới và là nước có tốc độ phát triển nhanh thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Năm 2012, Nga đã vượt qua nhiều thử thách, chính thức bước vào sân chơi thương mại toàn cầu, trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO)…
Trong nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ 3 (từ 2012 đến nay), dưới sự lãnh đạo của Putin, nước Nga đã xây dựng được một hình ảnh độc lập, trở thành một cực mạnh trong trật tự thế giới đa cực.
Về đối ngoại, ông Putin luôn để lại ấn tượng về một chính khách rất cứng rắn trong các chính sách và khá nhạy bén trong các cuộc đàm phán song phương và đa phương. Nước Nga đã trở thành một chủ thể quan trọng trong các tổ chức lớn về kinh tế chính trị trên thế giới như nhóm G20, nhóm các cường quốc công nghiệp G8, nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi BRICS… Tổng thống Putin cũng là nguyên thủ có nhiều ảnh hưởng trong các vấn đề lớn của khu vực và quốc tế. Điều này có thể thấy rõ trong mối quan hệ của Nga với Trung Quốc, tình hình Trung Đông hay vấn đề Ukraine…
Trong lĩnh vực quân sự, nước Nga dưới thời ông Putin cũng được đánh giá là một trong những thế lực mạnh nhất thế giới. Trong bảng xếp hạng các lực lượng vũ trang của Global Firepower đưa ra năm 2014, Nga là quốc gia được xếp hạng hùng mạnh thứ 2 chỉ sau nước Mỹ. Đặc biệt, uy tín của nước Nga nói chung và của Tổng thống Putin nói riêng đã tăng mạnh sau quyết định quyết đoán can thiệp vào cuộc nội chiến ủy nhiệm ở Syria và sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.
Cuộc chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Syria hiện đang ở giai đoạn cuối cùng. Trong 2 năm tham gia cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo của lực lượng không quân Nga trên lãnh thổ Syria (từ tháng 9-2015), nhiều mục tiêu của tổ chức khủng bố quy mô lớn này đã bị đập tan, nhiều điểm dân cư then chốt đã được giải phóng và nhiều tuyến giao thông liên lạc chính đã được khai thông. Các cuộc không kích của Nga đã góp phần phá hủy hơn 200 điểm khai thác dầu khí, 184 nhà máy hóa dầu, 126 trạm bơm nhiên liệu và khoảng 4.000 xe chở xăng của Nhà nước Hồi giáo. Hàng chục nghìn phiến quân khủng bố cũng đã bị tiêu diệt. Có thể nói, sự can thiệp quân sự kịp thời cũng như sự hỗ trợ vũ khí hiệu quả của Nga đã giúp đảo ngược thế trận, liên tiếp đem lại thắng lợi lớn cho quân đội chính phủ Syria, đồng thời là chiến thắng trên mặt trận ngoại giao của Nga.
Trong khi đó, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine (vào tháng 3-2014) tuy khiến nền kinh tế của Nga phải gánh chịu những đòn trừng phạt từ các nước phương Tây, song bản lĩnh của ông Putin đã được bộc lộ rõ qua cách ông chèo lái, xoay xở để đưa Nga vượt qua những khó khăn mà các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra. Nhờ vậy, bước sang năm 2017, những gam màu tươi sáng đã bắt đầu xuất hiện trên bức tranh kinh tế tổng thể của nước Nga, xua đi sự ảm đạm bao trùm sau một khoảng thời gian dài chịu ảnh hưởng của giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đầu năm 2017, lần đầu tiên kể từ quý IV-2014, kinh tế Nga đã tăng trưởng với mức tăng GDP là 0,3%. Dự kiến trong giai đoạn từ 2017-2020, kinh tế Nga sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình là 1,7%. Những thành quả này có được là nhờ nỗ lực quyết liệt tái cơ cấu và đa dạng hóa nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga. Các biện pháp nhằm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao, mở rộng hợp tác kinh tế với các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương… đã phát huy tác dụng, đưa con tàu kinh tế nước Nga từng bước vượt qua giông bão. Các nhà bán lẻ lớn như IKEA của Thụy Ðiển hay Leroy Merlin SA của Pháp… đã bắt đầu bơm hàng tỷ USD vào các cửa hàng mới và các nhà máy của Nga, một minh chứng cho thấy sự tin tưởng của những doanh nghiệp này vào triển vọng tươi sáng của thị trường tiêu dùng Nga sau 2 năm chìm vào suy thoái.
Hiện nước Nga đang hướng tới mục tiêu trở thành một nền kinh tế thông minh và cởi mở, dựa vào tiềm năng tri thức của dân tộc cũng như các thành tựu khoa học, công nghệ. Chính phủ cũng sẽ chú trọng tạo ra môi trường bền vững để phát triển kinh doanh và bảo đảm việc làm. Những thành công về điều hành kinh tế, từng bước đưa nước Nga trở lại vị thế cường quốc thời hậu Xô Viết, đã giúp ông Putin ghi điểm trong mắt cử tri.
Ngoài ra, trong nhiều lĩnh vực khác, nước Nga dưới thời của Tổng thống Putin cũng thể hiện được năng lực của mình, như việc nước Nga đã vượt qua nhiều nền bóng đá khổng lồ của thế giới để giành được quyền đăng cai World Cup 2018...
Theo nhận xét của các nhà phân tích, người Nga và nước Nga bây giờ đang có quá nhiều dấu ấn của Tổng thống Putin, có tinh thần và nhiệt huyết của Putin. Tổng thống Putin đã đem lại cho nước Nga và người Nga niềm tự hào, hay nói đúng hơn là giành lại cho nước Nga cường quốc vĩ đại đã từng tồn tại trong quá khứ./.