|
Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương – ông Takeshi Kasai. (Ảnh: AP) |
Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến diễn ra cùng ngày, ông Kasai khẳng định, các biện pháp phong tỏa đã tỏ ra hiệu quả trong việc làm chậm lại và giảm sự lây nhiễm của dịch bệnh, đồng thời giảm bớt gánh nặng đối với hệ thống y tế đang quá tải.
“Đây sẽ là một cuộc chiến dài và không ngừng nghỉ” – ông Kasai nói. Qua đó, đại diện này của WHO kêu gọi các cá nhân, các xã hội cần sẵn sàng cho “một lối sống mới, mà ở đó, các biện pháp kiểm soát virus cùng việc nối lại các chức năng quan trọng của xã hội và kinh tế được cân bằng hợp lý”.
Ông Kasai kêu gọi mọi người bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng bằng việc giãn cách, thường xuyên rửa tay, che miệng khi ho và hắt hơi, ở trong nhà và không đi ra ngoài, nhất là khi bị bệnh. Ông cũng kêu gọi khu vực tư nhân áp dụng những phương thức làm việc mới như thành lập các nhóm làm việc tại nhà nếu có thể và thực hiện một số biện pháp khác để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại nơi làm việc.
“Đối với chính phủ thì điều này có nghĩa là chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, thiết lập nên một hệ thống hoạt động ở khắp đất nước để phát hiện và chăm sóc cho người dân trong trường hợp xuất hiện tình trạng lây nhiễm bệnh dịch trong cộng đồng ở quy mô lớn” – ông Kasai nói.
Theo đại diện này của WHO thì cho tới nay, đại dịch COVID-19 đã đang đe dọa sinh mạng của hàng triệu người và tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới. Đại dịch cũng đẩy chính phủ các nước trong khu vực vào tình huống phải đưa ra những quyết định “vô cùng khó khăn” về việc áp dụng, tăng cường, nới lỏng hoặc dỡ bỏ phong tỏa cùng các biện pháp giãn cách xã hội.
“Vào thời điểm chúng ta đang bước vào thời khắc khó khăn như hiện nay, thì cuộc sống của chúng ta, hệ thống y tế và phương pháp ngăn chặn sự lây nhiễm dịch bệnh của chúng ta phải tiếp tục thích nghi và thay đổi cùng dịch bệnh…Cho tới khi chế tạo được vắc-xin thì tiến trình thích nghi với dịch bệnh này sẽ phải trở thành một tiêu chuẩn mới” – ông Kasai nhấn mạnh.
Quan chức cấp cao này của WHO khẳng định, không hề tồn tại một cách tiếp cận chung trong thực hiện điều này, song WHO mạnh mẽ kêu gọi các nước đưa ra quyết định về các biện pháp thực hiện dựa trên các nguyên tắc y tế công cộng. Việc dỡ bỏ phong tỏa hay các biện pháp khác cần được thực hiện một cách từ từ.
Ông Kasai cảnh báo: “Nếu việc nới lỏng hay dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được thực hiện trước khi một hệ thống mạnh mẽ được triển khai để xác định, cách ly, chăm sóc người nhiễm bệnh, cũng như lần theo các mối tiếp xúc và cách ly người tiếp xúc với họ, thì kịch bản tái bùng phát dịch bệnh là điều khó tránh khỏi”. Từ đó, đại diện của WHO nhấn mạnh tính cần thiết của việc các nước cần nêu cao tinh thần cảnh giác và cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để kiềm chế đại dịch.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, ông Kasai lưu ý rằng, đại dịch COVID-19 không thể làm gián đoạn các chương trình tiêm chủng chống lại các căn bệnh khác như bại liệt, sởi và rubella. Nếu không, khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới ngay cả khi hệ thống y tế vốn đã bị kéo căng./.