|
WHO cảnh báo thế giới đang thiếu gần 6 triệu y tá. (Ảnh: sarkardaily.com) |
Trong báo cáo công bố ngày 7/4, WHO cùng các đối tác là Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế (ICN) và Nursing Now cho biết, thế giới đang có khoảng 28 triệu y tá sau khi bổ sung thêm 4,7 triệu y tá trong vòng 5 năm (từ 2013 – 2018).
Tuy nhiên, thế giới hiện vẫn còn thiếu khoảng 5,9 triệu y tá, chủ yếu ở các khu vực châu Phi, Đông Nam Á và khu vực phía Đông Địa Trung Hải cũng như các khu vực Mỹ La tinh.
Theo báo cáo, hơn 80% lực lượng y tá trên thế giới chỉ đang phục vụ cho 50% dân số thế giới. Báo cáo nêu rõ, cứ 8 y tá thì có 1 người hiện làm việc tại quốc gia không phải là nơi họ được sinh ra hoặc được đào tạo. Tuổi tác cũng đang đe dọa đến đội ngũ y tá làm việc. Cứ 6 y tá thì có 1 y tá được cho là sẽ nghỉ hưu trong vòng 10 năm tới.
Bà Mary Watkins, Chủ tịch tổ chức Nursing Now, đồng tác giả báo cáo trên, cho rằng nhiều nước giàu không đào tạo đủ y tá để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ trong nước, phải phụ thuộc vào lực lượng lao động nhập cư, khiến tình trạng thiếu hụt y tá ở các nước nghèo trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhằm ngăn chặn sự thiếu hụt y tá toàn cầu, báo cáo đánh giá, các quốc gia hiện đang thiếu hụt lực lượng y tá cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điều dưỡng lên trung bình 8%/năm, cùng với đó cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tuyển dụng và giữ lại làm việc trong hệ thống ngành y tế.
Chủ tịch ICN, bà Annette Kennedy cho biết: “báo cáo nhấn mạnh sự đóng góp của lực lượng y tá và khẳng định việc đầu tư vào đào tạo đội ngũ y tá chuyên nghiệp sẽ mang lại lợi ích cho xã hội. Thế giới cần thêm hàng triệu y tá, và chúng tôi kêu gọi chính phủ các nước hãy làm những điều đúng đắn, hãy đầu tư vào ngành nghề tuyệt vời này”.
Hiện nay, khoảng 90% y tá là nữ nhưng không mấy y tá nắm giữ các vị trí lãnh đạo cao trong ngành y tế. Ông Lord Nigel Crisp, đồng Chủ tịch tổ chức Nursing Now, nhấn mạnh: “Báo cáo cung cấp dữ liệu và bằng chứng quan trọng để kêu gọi tăng cường vai trò lãnh đạo của y tá”.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng "y tá là bộ xương sống trong bất kỳ hệ tống y tế nào. Nhiều y tá hiện nay đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19”. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết báo cáo nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ y tá và kêu gọi sự giúp đỡ cần thiết để hỗ trợ họ tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình.
Trong thông điệp gửi đi nhân Ngày Sức khỏe Thế giới 2020, WHO đã tôn vinh đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt là lực lượng y tá, điều dưỡng và hộ sinh. WHO kêu gọi mọi người hãy dành thời gian để nói lời cảm ơn tới lực lượng này, những người luôn sát cánh cùng các bác sĩ tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19.
COVID-19 sẽ khiến 195 triệu lao động mất việc làm trong quý II
|
195 triệu lao động được dự báo mất việc làm trong quý II/2020. (Ảnh: aa.com.tr) |
Ngày 7/4, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) có thể sẽ cướp đi 6,7% tổng số giờ làm việc trên toàn cầu trong quý II năm 2020 – tương đương 195 triệu việc làm toàn thời gian.
Phát biểu tại trụ sở ILO tại Geneva, Thụy Sĩ thông qua một cuộc họp trực tuyến với các phóng viên báo chí, Tổng giám đốc ILO Guy Ryder cho biết: “Người lao động và doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt với một thảm họa, ở cả các nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển”. “Chúng ta phải hành động nhanh chóng, quyết đoán trên cơ sở phối hợp cùng nhau. Các biện phát đúng đắn và khẩn cấp có thể tạo nên sự khác biệt giữa sống sót hoặc sụp đổ”, ông Guy Ryder nhấn mạnh.
Theo ông Ryder, lao động tại các khu vực chịu tác động nghiêm trọng dự kiến là các nước Arab mất 8,1% số giờ làm việc, tương đương 5 triệu người lao động toàn thời gian); châu Âu mất 7,8%, tức 12 triệu người lao động toàn thời gian và châu Á - Thái Bình Dương sẽ mất 7,2%, tương đương 125 triệu lao động toàn thời gian. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn nhất bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, bán lẻ, các hoạt động kinh doanh và hành chính.
Các thiệt hại lớn dự kiến được chia theo các nhóm có mức thu nhập khác nhau. Các nước thu nhập trung bình cao bị tác động mạnh nhất khi mất 7% tổng số giờ làm việc, tương đương 100 triệu người lao động toàn thời gian. “Thiệt hại này sẽ vượt xa tác động của cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008-2009”, ông Ryder cho hay. Tổng giám đốc Guy Ryder giải thích, đại dịch COVID-19 khiến 195 triệu lao động toàn thời gian mất việc trong quý II, tương đương thế giới sẽ mất 40 giờ làm việc mỗi tuần.
Báo cáo cho biết, hơn 4/5 người – khoảng 81% trong tổng số 3,3 tỷ lao động toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa một phần hoặc toàn phần tại các cơ sở làm việc. Con số tổng kết về tình trạng thất nghiệp toàn cầu trong toàn bộ năm 2020 sẽ còn phụ thuộc nhiều vào các diễn tiến sắp tới và các biện pháp chính sách. ILO cho biết nhiều khả năng con số tổng kết cuối năm sẽ cao hơn nhiều so với dự báo ban đầu của tổ chức này trước đó, vốn kỳ vọng mức thất nghiệp chỉ ảnh hưởng tới 25 triệu người.
Báo cáo cũng nêu rõ cần có các biện pháp chính sách trên diện rộng và đồng bộ, tập trung vào bốn trụ cột: Hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập; kích thích nền kinh tế và việc làm; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; sử dụng đối thoại xã hội giữa Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động để tìm kiếm giải pháp.
Thế giới ghi nhận hơn 1,4 triệu người mắc COVID-19
Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 7h sáng ngày 7/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có 1.425.932 người dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 81.987 ca tử vong và 301.828 ca bình phục.
* Mỹ hiện vẫn là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới với 395.739 người, tiếp đến là Tây Ban Nha với 141.924 ca, Italy với 135.586 ca. Pháp ghi nhận 109.069 ca và Đức là 107.663 ca.
* Italy là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 nhiều nhất thế giới với 17.127 người, tiếp đến là Tây Ban Nha với 14.045 ca, Mỹ 12.805 ca.
Thủ tướng Anh Johnson phải thở ôxy
|
Thủ tướng Johnson chủ trì cuộc họp trực tuyến về việc chống dịch COVID-19 hôm 28/3.
(Ảnh: Reuters)
|
Chiều 7/4 (giờ Việt Nam), giới chức Chính phủ Anh thông báo Thủ tướng nước này Boris Johnson đã phải thở hỗ trợ ôxy, sau khi ông nhập viện vì nhiễm COVID-19.
Phát ngôn viên Thủ tướng cho biết, sức khỏe của ông hiện đã bình thường và tinh thần rất tốt. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này vẫn tiếp tục phải điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện St.Thomas. Trong thời gian Thủ tướng Johnson nhập viện, Ngoại trưởng Dominic Raab là người tạm nắm quyền điều hành đất nước.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải nhập viện tối 5/4 để điều trị tích cực do tiếp tục xuất hiện các triệu chứng dai dẳng của bệnh COVID-19, khoảng 10 ngày sau khi ông tự cách ly vì bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến nay, Anh ghi nhận có 55.242 ca mắc COVID-19, trong đó 6.159 ca tử vong. Trong vòng 24h qua, nước này cũng ghi nhận có 3.634 ca nhiễm mới và 786 ca tử vong. Đây là số ca tử vong cao nhất trong một ngày tại nước này kể từ đầu dịch tới nay.
Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp
|
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ban bố tình trạng khẩn cấp tại 7 tỉnh, thành. (Ảnh: AFP/Getty Images) |
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ngày 7/4 đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại 7 tỉnh, thành, bao gồm cả thủ đô Tokyo trong vòng 1 tháng nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.
Phát biểu tại cuộc họp báo được phát trên truyền hình, Thủ tướng Abe cho biết, sự gia tăng nhanh chóng của dịch COVID-19 gần đây tại Tokyo cũng như ở các khu vực thành thị đã buộc ông phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Theo đó, tình trạng khẩn cấp sẽ được kéo dài tới ngày 6/5, và trước tiên sẽ được áp dụng tại thủ đô Tokyo, thành phố Osaka và 5 tỉnh khác bao gồm Chiba, Kanagawa, Saitama, Hyogo và Fukuoka. Tình trạng khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến cuộc số của khoảng 44% dân số Nhật bản trong khoảng 1 tháng.
Với quyết định này, người dân được khuyến cáo ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi cần thiết như mua sắm nhu yếu phẩm hay lý do y tế. Thủ tướng Abe đề nghị người dân giảm đến 70-80% tiếp xúc với người khác nhằm tránh nguy cơ lây lan COVID-19.
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Abe Shinzo cho biết nói: "Quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp bởi sự lây lan nhanh chóng của SARS-CoV-2 trên toàn quốc sẽ có tác động to lớn đối với đời sống và kinh tế".
Cùng ngày, chính phủ Nhật công bố gói kích cầu kinh tế kỷ lục, trị giá 108.000 tỉ yen (khoảng 990 tỉ USD) nhằm giảm bớt tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.
Tuy dịch COVID-19 ở Nhật Bản không bùng phát mạnh như ở nhiều quốc gia châu Âu, song gần đây, số ca mắc virus SARS-CoV-2 tại một số tỉnh thành của nước này có xu hướng tăng nhanh. Theo trang worldometers.info, tính đến nay, Nhật Bản ghi nhận có 3.906 ca nhiễm COVID-19 và 92 ca tử vong.
Lần đầu tiên Nga ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong ngày
Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu và diễn biến xấu đi đang có chiều hướng gia tăng tại Nga.
Ngày 7/4, Nga thông báo nước này ghi nhận thêm 1.154 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân lên 7.497 người. Đây cũng là lần đầu tiên Nga ghi nhận số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 1.000 ca trong vòng 24 giờ qua. Tổng số bệnh nhân tử vong đã tăng lên 58 ca với 11 ca tử vong mới được ghi nhận trong vòng 24h qua.
Thủ đô Moskva vẫn là "điểm nóng" nhất của dịch COVID-19 tại Nga với tổng số ca nhiễm là 5.181 người, tiếp đến là thành phố St.Petersburg với 69 ca. Kể từ ngày 30/3 vừa qua, 12 triệu cư dân tại Moskva được yêu cầu hạn chế ra khỏi nhà, ngoại trừ lý do bất khả kháng.
Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu Phi lên hơn 10.000 người
Ngày 7/4, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi (Africa CDC), một cơ quan đặc biệt trực thuộc Liên minh châu Phi (AU), cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở châu lục này đã lên tới 10.075 ca và 487 người đã tử vong.
Theo Africa CDC, dịch COVID-19 đã lan tới 52 quốc gia ở “Lục địa đen”. Trung tâm này cũng cho biết thêm 913 ca đã phục hồi. Từ ngày 27/1, thông qua Africa CDC, AU đã kích hoạt Trung tâm Hoạt động khẩn cấp (EOC) và Hệ thống Quản lý sự cố (IMS).
Bộ trưởng Tài chính Ghana, Ken Ofori-Atta, ngày 7/4 tuyên bố Trung Quốc phải làm nhiều hơn nữa để giảm nhẹ gánh nặng nợ cho các nước châu Phi trong bối cảnh nền kinh tế chung chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19.
Phát biểu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, ông Ofori-Atta cho biết châu Âu cũng có thể giúp sức bằng cách cấp quyền rút vốn đặc biệt, tức thành lập một quỹ dự trữ ngoại hối do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) quản lý, để bảo vệ châu Phi tránh khỏi cảnh vỡ nợ./.