|
Chiến dịch tiêm chủng tập trung mục tiêu đạt ít nhất 90% diện cần bao phủ để ngăn bệnh bại liệt lây lan tại dải Gaza . (Ảnh: Mohammed Saber/EPA) |
Chiến dịch tiêm chủng đã được đẩy nhanh sau khi các nhà chức trách phát hiện ca bại liệt đầu tiên ở một trẻ nhỏ tại Gaza vào tháng trước. Các hoạt động tiêm chủng được thực hiện vào thời điểm hiệu lực của lệnh ngừng giao tranh tám giờ mỗi ngày giữa Israel và phong trào Hamas tại các khu vực cụ thể ở Gaza.
Đại diện của WHO tại các vùng lãnh thổ Palestine – ông Rik Peeperkorn cho biết chiến dịch tập trung mục tiêu đạt ít nhất 90% diện cần bao phủ để ngăn bệnh bại liệt lây lan tại dải Gaza và mở rộng ra các khu vực khác. Các nhân viên đã tiêm chủng cho hơn 161.000 trẻ em dưới 10 tuổi ở khu vực trung tâm Gaza trong hai ngày đầu tiên của chiến dịch, con số này vượt xa so với dự kiến ban đầu là khoảng 150.000 trẻ. Độ bao phủ tiêm chủng tương đương khoảng 1/4 tổng dân số mục tiêu trong chiến dịch ngăn chặn sự lây lan của bệnh bại liệt có thể gây ra chứng tê liệt và thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ.
"Cho đến nay mọi thứ vẫn đang diễn ra tốt đẹp…Những đợt ngừng bắn nhân đạo cho vẫn đang phát huy tác dụng. Chúng ta vẫn còn 10 ngày nữa để hành động” – ông Peeperkorn nói.
Đại diện của WHO cho biết, vào cuối tuần này, các nhóm y tế sẽ di chuyển đến miền Nam Gaza - nơi họ đặt mục tiêu tiếp cận tiêm chủng cho khoảng 340.000 trẻ em và tiếp theo là miền Bắc Gaza. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ em sinh sống ngoài khu vực được áp đặt lệnh ngừng bắn và các cuộc đàm phán mang lại cơ hội tiếp cận tiêm chủng cho các em vẫn đang diễn ra.
Nhằm mở đường cho chiến dịch tiêm chủng, Israel đã cho phép khoảng 1,3 triệu liều được đưa vào Gaza hồi tháng trước. Hiện số vaccine này đang được lưu giữ trong kho lạnh tại một nhà kho ở thị trấn trung tâm Deir al-Balah. Dự kiến, một lô hàng khác gồm 400.000 liều vaccine sẽ sớm được đưa đến Gaza.
Theo tính toán của WHO, chiến dịch tiêm chủng cần bao phủ tối thiểu 90% trẻ em Gaza để có thể phát huy hiệu quả cũng như ngăn chặn nguy cơ lây lan bệnh bại liệt trong và ngoài phạm vi dải đất này.
WHO cho biết, các chiến dịch tấn công liên miên của Israel đã tàn phá hệ thống chăm sóc sức khỏe của Gaza, với 31 trong số 36 bệnh viện bị hư hại hoặc phá hủy. Bất ổn kéo dài cũng khiến khoảng 90% trong số 2,3 triệu người sống ở dải Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa, phần lớn sống trong các trại tập trung tạm bợ đông đúc và mất vệ sinh. Không chỉ phải đối mặt với xung đột, người dân Gaza còn đối mặt với nguy cơ lây lan bệnh viêm gan, viêm phổi và tiêu chảy, ghẻ, chấy và phát ban… trên diện rộng.
Cho đến nay, số ca tử vong do bệnh tật ở Gaza vẫn chưa được công bố cụ thể. Tuy nhiên, một trong những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của nhân viên y tế đã được xác nhận vào tuần trước khi Gaza ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh bại liệt loại 2 trong một phần tư thế kỷ. Căn bệnh truyền nhiễm này có thể gây tê liệt và tử vong, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Cụ thể, ca nhiễm bệnh bại liệt đầu tiên ở Gaza được báo cáo vào tuần trước là một bé trai 10 tháng tuổi, bị liệt một chân. Cậu bé này không được tiêm vaccine thường quy cho trẻ em vì chiến tranh. Theo dự báo của WHO, hàng trăm người khác có thể đã bị nhiễm bệnh nhưng không biểu hiện triệu chứng, kéo theo nguy cơ bệnh tật đối với hàng trăm nghìn trẻ em ở Gaza./.