Đây là một trong số 3 kịch bản dự báo và cũng là kịch bản có khả năng xảy ra nhất về diễn biến của đại dịch COVID-19 do Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – Tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 30/3.
Đây cũng là bản cập nhật thứ ba của Kế hoạch chuẩn bị, sẵn sàng và ứng phó chiến lược được WHO công bố. Báo cáo đầu tiên đã được tổ chức này công bố vào tháng 2/2020, thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. Theo ông Ghebreyesus thì đây có thể sẽ là bản cập nhật cuối cùng mà WHO đưa ra.
|
Tổng giám đốc WHO – Tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus . (Ảnh: AFP) |
Ông Ghebreyesus nói: "Dựa trên những thông tin mà chúng tôi có được ở thời điểm hiện tại, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là virus SARS-CoV-2 tiếp tục tiến hóa, nhưng mức độ nghiêm trọng của dịch sẽ giảm xuống theo thời gian, khi khả năng miễn dịch tăng lên nhờ vaccine và lây nhiễm".
Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cũng cảnh báo về những đợt gia tăng số ca nhiễm và tử vong sẽ xảy ra theo giai đoạn khi miễn dịch suy giảm. Điều này đã cho thấy tính cần thiết của việc tiêm bổ sung cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Đề cập tới hai kịch bản còn lại, ông Ghebreyesus cho biết, kịch bản tốt nhất là chúng ta sẽ ít phải chứng kiến sự xuất hiện của các biện thể nghiêm trọng hơn. Điều đó sẽ khiến việc tiêm mũi tăng cường hay điều chế ra các loại vaccine mới trở nên không cần thiết… Tuy nhiên, kịch bản tồi tệ nhất cũng có thể xảy ra khi xuất hiện một biến thể mới của virus có độc lực và khả năng lây truyền cao hơn, khiến khả năng chống lây nhiễm của vaccine giảm xuống nhanh chóng.
Từ những dự báo nêu trên, người đứng đầu WHO đã đưa ra các khuyến nghị của mình đối với các quốc gia để chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch trong năm 2022. Cụ thể, các khuyến nghị bao gồm: Thứ nhất, giám sát, phòng thí nghiệm và theo dõi sức khỏe cộng đồng; thứ hai, tiêm chủng, các biện pháp y tế công cộng và xã hội cùng với sự tham gia của cộng đồng; thứ ba, chăm sóc lâm sàng cho những người nhiễm COVID-19 và thúc đẩy sự phục hồi của hệ thống y tế; thứ tư, nghiên cứu, phát triển, và tiếp cận công bằng với các trang thiết bị và vật tư y tế; thứ năm là sự phối hợp, khi phản ứng chuyển từ chế độ khẩn cấp sang quản lý lâu dài.
Ông Ghebreyesus nhắc lại rằng tiêm chủng công bằng vẫn là công cụ mạnh mẽ nhất để cứu sống sinh mạng con người. Tuy nhiên, dữ liệu thống kê của WHO cũng chỉ ra rằng, trong khi các quốc gia có thu nhập cao bắt đầu chủng ngừa mũi tăng cường thứ 4 cho dân số của họ thì 1/3 dân số thế giới vẫn chưa được tiêm mũi đầu, trong đó có đến 83% dân số châu Phi.
“Điều này là không thể chấp nhận được đối với bản thân tôi cũng như với bất kỳ ai”- người đứng đầu WHO nói. Ông cũng đồng thời cam kết sẽ bảo vệ tính mạng của con người bằng cách bảo đảm quyền tiếp cận công bằng đối với việc xét nghiệm, điều trị và vaccine phòng, ngừa COVID-19./.