Xung quanh việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết siết chặt trừng phạt Triều Tiên

Thứ năm, 03/03/2016 23:16


(ĐCSVN)
 Với tuyệt đối số phiếu ủng hộ, trong phiên bỏ phiếu ngày 2/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên để đáp lại vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa do Bình Nhưỡng thực hiện trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, bên cạnh sự đón nhận của dư luận vẫn còn tồn tại những ý kiến hoài nghi về tác dụng của văn kiện này trong mục tiêu kêu gọi Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.

 

Với tuyệt đối số phiếu ủng hộ, ngày 2/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết 2270
siết chặt trừng phạt Triều Tiên. (Ảnh: UN)

Từ một bản nghị quyết siết chặt trừng phạt “cứng rắn chưa từng có tiền lệ”…

Báo chí nước ngoài đưa tin, trong phiên họp ngày 2/3, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã đồng loạt bỏ phiếu thông qua nghị quyết 2270, bao gồm các biện pháp trừng phạt được xem là “cứng rắn nhất từ trước tới nay” nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân lần thứ 4 do Triều Tiên thực hiện ngày 6/1/2016 và vụ thử tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh lên quỹ đạo do nước này thực hiện ngày 7/2/2016.

Nội dung cụ thể của bản nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên yêu cầu giám sát một cách bắt buộc tất cả mọi hoạt động lưu chuyển hàng hóa vào và ra khỏi lãnh thổ Triều Tiên bằng đường bộ, đường biển hoặc đường hàng không. Bên cạnh đó, bản nghị quyết 2270 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng cấm Triều Tiên xuất khẩu than đá, sắt và một số khoáng sản khác – vốn chiếm gần 50% doanh thu từ các họat động xuất khẩu của Triều Tiên. Một nội dung đáng chú ý khác được đề cập tới trong bản nghị quyết mới là cấm tất cả các hoạt động buôn bán vũ khí loại nhỏ, các vũ khí thông thường, đồng thời cấm cung cấp nhiên liệu máy bay và tên lửa cho Bình Nhưỡng.

Bản nghị quyết mới liệt 16 cá nhân và 12 thực thể Triều Tiên vào danh sách đen (trong đó gồm cả Tổng cục Do thám Triều Tiên), đồng thời yêu cầu các nước trục xuất các nhà ngoại giao Triều Tiên có liên quan tới các hoạt động bị cấm theo nghị quyết của Liên hợp quốc. Nghị quyết cũng yêu cầu nối lại các cuộc đàm phán sáu bên để tiến tới "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo cách hòa bình và có thể kiểm chứng được".

Đây là lần thứ 5 Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết áp đặt trừng phạt nhằm vào các hoạt động phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Các bản nghị quyết trước đó gồm nghị quyết 1717, 1874, 2087 và 2094 lần lượt được cơ quan quyền lực Liên hợp quốc thông qua sau khi Triều Tiên thực hiện các vụ thử hạt nhân và tên lửa mang theo vệ tinh vào các năm 2006, 2009, 2012 và 2013.

…Cho tới thái độ hoan nghênh của cộng đồng quốc tế

Không nằm ngoài dự đoán, bản nghị quyết siết chặt trừng phạt Triều Tiên vốn được trông đợi trong nhiều ngày qua – ngay sau khi được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua đã được cộng đồng thế giới đón nhận.

Trong một phản ứng đầu tiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama hoan nghênh bản nghị quyết 2270 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời xem đây là văn kiện “đặt nền móng cho các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ mới”, hướng tới mục tiêu chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên. Tuyên bố của Tổng thống Obama còn nêu rõ rằng nhà lãnh đạo này đã từng nhiều lần cảnh báo Triều Tiên sẽ phải đối mặt với hậu quả do các hành động của mình mang lại.

Tuyên bố của ông Obama cũng cho rằng, bản nghị quyết mới đã đưa ra một phản ứng “cứng rắn, thống nhất và phù hợp” từ phía cộng đồng quốc tế trước các hành vi gây hấn và vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Triều Tiên thực hiện. Văn kiện này cũng phát đi một thông điệp nhằm kêu gọi “Triều Tiên từ bỏ các chương trình phát triển vũ khí nguy hiểm, đồng thời lựa chọn một lối đi tốt đẹp hơn cho người dân”.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng ra tuyên bố hoan nghênh bản nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, xem đây là một sự “thể hiện ý chí cứng rắn của cộng đồng quốc tế trước các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên”.

Cho tới nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức nào trước bản nghị quyết 2270 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, một bài xã luận đăng trên hãng thông tấn Tân Hoa (Xinhua) của Trung Quốc, ngày 3/3 nêu rõ, các biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được xem là “cái giá cần thiết” mà Triều Tiên phải trả sau khi thực hiện các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa mang theo vệ tinh mới đây.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng ra tuyên bố hoan nghênh bản nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời nhấn mạnh: “Văn kiện này đã phát đi một thông điệp rõ ràng Triều Tiên cần tuân thủ các cam kết về giải trừ vũ khí hạt nhân”.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini tuyên bố EU sẽ nhanh chóng chuyển bản nghị quyết mới của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thành luật áp dụng tại EU.

Trong khi đó, Anh và Đức cũng ra tuyên bố tương tự và tỏ rõ thái độ hoan nghênh bản nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Và sự hoài nghi về tác dụng của bản nghị quyết trừng phạt mới

Ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua bản nghị quyết mới, Mỹ tiếp tục tuyên bố các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Bình Nhưỡng. Theo đó, sẽ có 11 cá nhân và 5 thực thể của Triều Tiên (gồm cả Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên) tiếp tục bị liệt vào bản danh sách đen của Mỹ với những cáo buộc có liên quan tới chương trình phổ biến vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên đang theo đuổi. Các cá nhân Triều Tiên bị liệt vào bản danh sách đen của Mỹ gồm Giám đốc Tổng cục Chính trị thuộc lực lượng Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) Hwang Pyong-so – một trong những trợ lý thân cận nhất của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un; Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Pak Yong-sik và phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên Ri Yong-mu…

Tuy nhiên cho tới nay, những bản nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ liệu sẽ phát huy tới đâu trong nỗ lực kiềm chế chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên vẫn là một vấn đề còn để ngỏ. Trước bản nghị quyết 2270, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua 4 nghị quyết trừng phạt Triều Tiên song kết quả thực tế thu lại hoàn toàn trái ngược so với với mong đợi.

Báo chí Nhật Bản cho biết, trước khi diễn ra phiên bỏ phiếu về nghị quyết 2270, một quan chức cấp cao của phái đoàn Triều Tiên tại Liên hợp quốc đã không bình luận gì về vấn đề này mà chỉ tuyên bố rằng “Bình Nhưỡng sẽ không công nhận các bản nghị quyết bất hợp pháp do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua”. Thái độ “yên lặng” và tuyên bố ngắn gọn nhưng rõ ràng của đại diện ngoại giao Triều Tiên về bản nghị quyết mới đã cho thấy rõ lập trường của Bình Nhưỡng trước các biện pháp gây sức ép từ cộng đồng quốc tế.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin ngày 3/3, Triều Tiên đã bắn một số tên lửa tầm ngắn ra bờ biển phía Đông nước này. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun cho biết vụ bắn tên lửa được tiến hành lúc 10 giờ sáng (giờ địa phương) tại bãi phóng Wonsan của Triều Tiên. Đáng lưu ý là động thái trên xảy ra chỉ vài giờ sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí thông qua nghị quyết mở rộng trừng phạt Triều Tiên.

Những diễn biến trên đã cho thấy một sự hoài nghi về tác dụng thực sự của bản nghị quyết mới trong mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đằng sau thái độ đón nhận và hoan nghênh từ phía dư luận quốc tế. Thực tế giải quyết các vấn đề lớn đều cho thấy, mọi nỗ lực quốc tế sẽ không thể thu được kết quả như mong muốn nếu thiếu vắng thiện chí hợp tác từ chính nước mà vấn đề đó được phát sinh. Việc thông qua các biện pháp trừng phạt là một lẽ, song nhiệm vụ khó khăn hơn là các nước cần thuyết phục Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán và kêu gọi được thái độ hợp tác từ phía Triều Tiên. Có lẽ đây mới là bước đi cuối cùng và mang tính quyết định để hướng tới mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo này./.

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực