(ĐCSVN) – Tờ The Japan Times cho biết, trong cuộc gặp Thủ tướng David Cameron ngày 5/5 nhân chuyến thăm Vương quốc Anh, Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe cho rằng, ngày 23/6 tới, cử tri Anh sẽ đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý cho việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ khiến Anh kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Nhiều nước trước đó cũng có quan điểm tương tự Nhật Bản.
Nhiều nước muốn Anh ở lại EU
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định: “Nhật Bản rõ ràng mong muốn Anh ở lại EU. Nhiều công ty Nhật Bản hoạt động ở Anh bởi Anh là cửa ngõ vào EU”. Ông cho biết, hiện có khoảng 1.000 công ty Nhật Bản hoạt động tại Anh, với khoảng 140.000 lao động.
Thủ tướng Anh David Cameron đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 5/5 tại London.
(Ảnh: AP)
Cũng theo ông Shinzo Abe, mặc dù việc có tiếp tục gắn bó với EU hay không là quyền của người dân Anh, nhưng ông cho rằng các lợi ích của Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi cuộc trưng cầu
dân ý sắp tới.
Đáp lại lời của Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Cameron cũng khẳng định, Anh được hưởng lợi từ đầu tư của Nhật Bản nhiều hơn bất cứ nước nào ngoài Mỹ. Tổng giá trị đầu tư của Nhật Bản tại Anh đạt khoảng 38 tỷ bảng. Ông cho rằng, đầu tư của Nhật Bản đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phục hồi ngành công nghiệp chế tạo ô tô của Anh.
Trước đó, trong chuyến thăm Anh vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi cử tri Anh nói không với quyết định rời khỏi EU. Ông Obama cảnh báo rằng hai nước sẽ phải mất rất nhiều năm để đạt được thỏa thuận thương mại song phương nếu như Anh không còn là thành viên EU. Ông cũng khẳng định, việc ở lại EU không khiến tầm ảnh hưởng của nước Anh bị hạn chế, mà trái lại, sẽ được nhân lên gấp bội. Một châu Âu mạnh không đe dọa vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Anh, mà còn củng cố vị thế này.
Bên cạnh đó, một cuộc thăm dò vào giữa tháng 4/2016 của Nhật báo Le Figaro (Pháp) cho thấy, với hơn 5.731 người tại 5 nước châu Âu là Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan và Anh cho thấy đa phần người dân ở các quốc gia này ủng hộ việc nước Anh ở lại EU. Có tới 78% người Đức, 67% người Tây Ban Nha, 59% người Pháp và 54% người Ba Lan ủng hộ việc nước Anh ở lại EU. Đối với bản thân người dân Anh, các ý kiến lại đa chiều: 38% đồng tình, 34% phản đối và 28% không có ý kiến.
Trong khi đó, theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây của ORB được đăng trên tờ The Telegraph hôm 19/4, tỷ lệ người ủng hộ nước Anh ra khỏi EU là 41%, trong khi 53% người được hỏi mong muốn nước này ở lại.
Quan điểm của người đứng đầu Chính phủ Anh
Tuy không nói rõ trong cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản hôm 5/5, vì quyết định cuối cùng của việc Anh có ở lại EU hay không phụ thuộc vào người dân Anh trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới, nhưng quan điểm của người đứng đầu Chính phủ Anh đã được thể hiện trước đó. Vào tháng 2/2016, Thủ tướng David Cameron đã khai màn cuộc vận động nhằm giữ nước Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU) sau khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk công bố kế hoạch dự thảo các điều khoản thành viên mới dành cho xứ sở sương mù.
Thủ tướng Cameron bày tỏ hài lòng với những đề xuất của EU và nhấn mạnh rằng nước Anh có thể có được "những điều tốt đẹp nhất ở cả hai thế giới" nếu như lựa chọn ở lại trong một EU đã cải cách. Như vậy, ông Cameron đã chính thức đứng về phía lựa chọn "ở lại". Vào năm 2013, ông Cameron cũng đã hứa sẽ trưng cầu dân ý khả năng Anh rời EU trước cuối năm 2017, nhưng cũng nói sẽ thương lượng với EU về những điều khoản có lợi cho Anh.
Ông Cameron muốn Anh ở lại EU, chừng nào khối này sẵn lòng thực thi những cải cách then chốt mà London đề xuất. Theo bản dự thảo thỏa thuận giữa EU và Anh được công bố, một trong những điều khoản gây tranh cãi nhất đó là nước Anh muốn hoãn việc chi trả phúc lợi cho những người di cư EU đang làm việc nếu họ có thâm niên làm việc dưới 4 năm tại Anh. Với đề xuất này, giới chức Anh muốn chặn dòng người di cư từ các nước EU khác sang Anh và xin hưởng các phúc lợi về việc làm, nhà ở. Đây là một điều khoản mà lãnh đạo Ủy ban châu Âu cho là “rất rắc rối”.
Nhiều người dân Anh muốn rời khỏi EU?
Trong khi rất nhiều ý kiến cho rằng Anh nên ở lại EU, thì một luồng ý kiến khác lại cho thấy sự trái chiều. Những người cổ vũ Anh rời khỏi EU tranh luận rằng việc này có thể giúp tiết kiệm hàng tỷ USD phí thành viên, giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn các tuyến biên giới và giải phóng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Anh khỏi các quy định của EU.
Nhóm những người có tư tưởng này đã không ngừng lớn mạnh, đến độ trong cuộc tranh cử năm 2013, Thủ tướng David Cameron cam kết sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về tương lai của Anh tại EU nếu đắc cử nhiệm kỳ hai. Lời hứa này đã giúp ông đánh bại các nhân vật có tư tưởng cứng rắn. Và giờ ông Cameron sẽ phải thực hiện lời hứa của mình.
Đứng trước hai ngã rẽ vẫn còn nhiều băn khoăn của Anh, nhiều nhà phân tích cho rằng, “Brexit” (việc Anh có thể rời bỏ EU) đồng nghĩa với những rào cản ngăn nước Anh đến với một thị trường 500 triệu người tiêu dùng là EU. Chính phủ Anh sẽ mất khoảng 36 tỷ bảng tiền thuế ròng nếu nước này rời khỏi EU và phải thương lượng lại hiệp định thương mại tự do với liên minh này.
Theo Bộ trưởng Tài chính Anh G.Osborne, EU là đối tác thương mại quan trọng nhất của nước Anh và cảnh báo các gia đình Anh sẽ phải trả một "cái giá đắt đỏ" và sẽ nghèo hơn nếu Anh rời EU. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong báo cáo mới nhất về "Triển vọng kinh tế thế giới", đánh giá "Brexit" sẽ làm gián đoạn các mối quan hệ thương mại đã được xác lập và gây ra "những thách thức lớn" cho cả Anh và phần còn lại của châu Âu.
Những “cái được” và “cái mất” xung quanh việc “đi” hay “ở lại” EU của nước Anh có thể đã được dự đoán và phân tích. Tuy nhiên, nước Anh sẽ đi theo ngã rẽ nào và tương lai của xứ sở sương mù sẽ ra sao, câu trả lời sẽ có trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6 tới./.