(ĐCSVN) - Theo Văn kiện của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà 12 quốc gia đã ký hồi cuối năm 2015 thì phải đến tháng 7/2017 mới là hạn chót để Quốc hội các nước thông qua. Tuy nhiên, tại Mỹ càng về cuối năm khi thời khắc kết thúc nhiệm kỳ II của Tổng thống Obama đang cận kề, báo giới đã không ít bài viết về số phận của TPP trong cuộc đấu để thuyết phục Quốc hội Mỹ bỏ phiếu ủng hộ Hiệp định này.
Các đại biểu giăng khẩu hiệu phản đối TPP tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ cuối tháng 7 vừa qua. Ảnh: Reuters
Từ xu thế phản đối… Trong 5 năm đàm phán quyết liệt, Mỹ coi TPP như là một trọng tâm của chiến lược “xoay trục về châu Á”, nhằm chuyển dịch nguồn lực của Washington về khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD). Tuy nhiên, giờ đây, với sự phản đối từ cả cánh tả và cánh hữu ở lưỡng viện Mỹ, khiến khả năng Quốc hội nước này thông qua TPP đang có nguy cơ suy giảm.
Thượng nghị sỹ Cộng hòa, ông Pat Toomey, đã lên tiếng phản đối TPP và cho rằng, TPP đã dịch chuyển khỏi mục tiêu ban đầu là việc làm sang nhu cầu hỗ trợ cho các chính sách đối ngoại trong khu vực. Người lao động Mỹ còn lo ngại về nguy cơ mất thêm các cơ hội việc làm khi TPP được vận hành.
Ứng cử viên Tổng thống của lưỡng đảng Cộng hòa và Dân chủ trong quá trình tranh cử cũng đều phản đối TPP. Mặc dù trước đó, bà Hillary đã từng là người ủng hộ và tham gia thiết kế Hiệp định này, nay trước sức ép giành phiếu cử tri bà đã thay đổi lập trường.
Dư luận hẳn còn nhớ, khi đàm phán TPP mới bắt đầu dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush, thỏa thuận này không mang nhiều ý nghĩa chiến lược như hiện nay, thậm chí Trung Quốc còn có ý định tham gia. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi kể từ khi Trung Quốc bắt đầu gửi đi những tín hiệu tự tin thái quá, khiến chính quyền Obama đã quyết định sử dụng TPP như một “mỏ neo” kinh tế để củng cố chiến lược của Mỹ ở CA-TBD.
Đến toan tính được mất…
TPP sẽ cắt giảm khoảng 18.000 hạng mục thuế quan cho các quốc gia thành viên và bao phủ khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu. TPP không chỉ đưa lại lợi ích kinh tế, thương mại mà còn cả lợi ích chính trị to lớn cho Washington với vị thế lãnh đạo toàn cầu.
Trong chuyến thăm Mỹ mới đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã phát biểu: “Đối với những người bạn và đối tác của Mỹ, việc phê chuẩn TPP là một phép thử của sự tin cậy và mức độ quan trọng của mục đích. Chúng ta cần biết rằng thỏa thuận này sẽ được phê chuẩn và rằng châu Á có thể tin tưởng Mỹ. Do đó, việc các bạn phê chuẩn TPP sẽ là một tuyên bố rõ ràng về cam kết và sự tin cậy của các bạn trong khu vực của chúng tôi”.
Trên thực tế, Mỹ đã đầu tư quá nhiều vào TPP, thỏa thuận này có một giá trị toàn diện vượt ra khỏi những lợi ích kinh tế của nó. Nên “Việc Mỹ để cho các đối tác trong TPP phải chờ đợi vào thời điểm này sẽ là một thảm họa đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực”.
Tuy nhiên, việc gắn TPP với các vấn đề địa - chính trị đã làm gia tăng ý nghĩa của thỏa thuận này. Ông Lý Hiển Long còn nói: “Đối với các nước bạn bè và đối tác của Mỹ, việc phê chuẩn TPP là một phép thử đối với uy tín và mức độ nghiêm túc của các vị”.
Tờ Straits Times ngày 24/8 đăng bài viết của tác giả Steven Okun, Chủ tịch AmCham Singapore và Deborah Elms - người sáng lập, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á với nhận định rằng: Hiệp định TPP là một thỏa thuận thương mại giúp Mỹ giữ vị trí lãnh đạo và vai trò trung tâm ở khu vực CA-TBD.
Theo tác giả bài viết, mặc dù TPP còn chưa bắt đầu nhưng thỏa thuận thương mại này đã có được ảnh hưởng nhất định đối với khu vực. Các nước tham gia TPP và cả một số nước có thể sẽ tham gia trong tương lai, đang thay đổi hoặc xem xét thay đổi luật pháp để đáp ứng các tiêu chuẩn và quy tắc của TPP.
Câu hỏi được đặt ra, quốc gia nào sẽ can dự vào khu vực CA-TBD nếu Mỹ không ở đó. Chẳng có ai khác ngoài 3 ứng cử viên dẫn đầu về thương mại là Trung Quốc, EU và Australia. Trong đó, Trung Quốc lại đang thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để làm đối trọng với TPP thì nay lại đứng trước cơ hội không có đối thủ.
Và cuộc đấu cuối cùng…
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn đang tiếp tục hy vọng TPP được thông qua. Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman mới đây đã mô tả rằng: “Chúng ta (tức Mỹ) chỉ còn cách một cuộc bỏ phiếu là đến chỗ củng cố vai trò lãnh đạo của chúng ta trong khu vực, hoặc là sẽ trao chìa khóa mở cửa tòa lâu đài (Châu Á) cho Trung Quốc”.
Ông Yukon Huang, cựu Chủ tịch WB tại Trung Quốc nhận định: Ông “Obama đã thuyết phục các quốc gia cùng nỗ lực để chứng tỏ rằng họ có thể đối trọng với Trung Quốc theo một cách nào đó. Nếu TPP không được thông qua, các quốc gia sẽ hoài nghi nhiều hơn”.
Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam phát biểu: “Chúng tôi vẫn hy vọng ông Obama có thể đưa TPP được thông qua trong những tháng cuối nhiệm kỳ Tổng thống của ông ấy”.
Nhiều chuyên gia thương mại thậm chí còn cho rằng chính quyền Obama đã nâng tầm TPP lên thành sự “sống còn” trong việc quyết định Mỹ hay Trung Quốc sẽ viết nên các quy tắc của thương mại toàn cầu, thì nay có nguy cơ bị lật ngược.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nước Mỹ có mối ràng buộc mật thiết với châu Á thông qua mối quan hệ thương mại quy mô lớn với Trung Quốc và các nền kinh tế khác, cũng như thỏa thuận quốc phòng với các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines… những mối quan hệ này giữa Mỹ và châu Á khó có thể thay đổi, cho dù số phận của TPP có như thế nào.
Còn Tổng thống Obama đã thông báo với Quốc hội rằng, ông sẽ trình một dự luật để thực hiện TPP trước khi chính quyền hiện nay kết thúc nhiệm kỳ. Dự luật này sẽ “chết yểu” nếu Quốc hội Mỹ không thông qua TPP trước khi Nhà Trắng có chủ nhân mới vào tháng 1/2017.
Như vậy, số phận của TPP hiện đang được quyết định tại Washington, thử thách cuối cùng, nhưng không kém phần cam go giữa chính quyền của Tổng thống Obama với ngành lập pháp Mỹ.
Liệu lợi ích địa – kinh tế, địa – chính trị của nước Mỹ tại CA-TBD mà chính quyền của Tổng thống Obama đã tạo dựng có thuyết phục được các nghị sỹ lưỡng đảng trong cuộc bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định TPP hay không? Câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước./.