Nhằm nâng cao hình ảnh du khách Việt, ngày 31/3, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch, các cơ sở đào tạo và giới truyền thông.
Báo động văn hóa du lịch của người Việt
Theo số liệu thống kê, năm 2015, có khoảng 45 triệu người Việt du lịch trong nước và hơn 6 triệu người ra nước ngoài. Nhiều người lần đầu đi chơi xa, thiếu sự tư vấn và hướng dẫn, nên vẫn hồn nhiên mang theo những thói quen tự nhiên như ở nhà. Họ vô tư mất trật tự, vứt rác bừa bãi, lãng phí đồ ăn, trễ giờ... Không những thế, hiện tượng đóng vai khách du lịch để trốn ở lại hành nghề hợp pháp ở nước ngoài khá phổ biến và đã đến hồi cảnh báo. Đơn cử như Singapore đã từ chối cho nhập cảnh mỗi tháng hàng trăm du khách nữ và các hãng hàng không của Việt Nam đã bị phạt rất nhiều tiền. Mặt khác, tỉ lệ người Việt trốn lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc đến 32%, vượt xa mức trung bình 17%. Vừa qua, báo chí Hàn Quốc và Việt Nam cũng lên án vụ 56 khách bỏ trốn tại đảo Cheju lập nên kỷ lục số người bỏ trốn một lần tại hòn đảo này. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người Việt Nam ở nước ngoài.
Tọa đàm "Nâng cao hình ảnh du khách Việt"
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Công ty Lửa Việt bày tỏ: Chưa bao giờ hình ảnh Việt Nam lại xuống cấp dưới con mắt bạn bè như vậy. Những thói quen “tự nhiên chủ nghĩa” của người Việt ở nước ngoài không phải bây giờ mới có, mà đã có từ trước nhưng không có biện pháp ngăn chặn.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Travel cho hay, những hành động xấu của số ít người Việt hay du khách Việt đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia và ảnh hưởng đến quá trình hội nhập của Việt Nam. “Chúng ta đang mở rộng hội nhập về kinh tế, tham gia rất nhiều tổ chức quốc tế như WTO, TPP, AEC… nếu hình ảnh đất nước của chúng ta bị coi thường do những hành vi xấu xí thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình hội nhập của Việt Nam và quyền lực mềm của Việt Nam ra thế giới. Tôi rất buồn khi ra nước ngoài thấy những tấm biển ghi bằng tiếng Việt “phạt người để lãng phí đồ ăn”, “sẽ phạt những ai vứt rác bừa bãi”, “cảnh báo có camera an ninh”...Chúng ta chắc không ai muốn tiếng Việt trở nên phổ thông, được quốc tế hóa như thế này” - Ông Nguyễn Tiến Đạt khẳng định.
Làm sao để giữ hình ảnh cho du khách Việt ở nước ngoài?
Đề xuất giải pháp nhằm cải thiện hình ảnh du khách, ông Nguyễn Văn Mỹ đề nghị trang điện tử của Hiệp hội Du lịch Việt Nam nên có phần giới thiệu về văn hóa của các nước để du khách tiếp cận. Bên cạnh đó, cần xác định trách nhiệm của từng cá nhân và đơn vị tổ chức. Có chế tài nghiêm khắc. Mọi vi phạm ở nước ngoài về nước phải xử phạt gấp đôi vì “làm nhục quốc thế”, bởi cơ quan độc lập. Cá nhân có thể bị cấm xuất cảnh có thời hạn đến vĩnh viễn nếu vi phạm trầm trọng và cố ý. Các đơn vị tổ chức thì truy cứu trách nhiệm lãnh đạo, thu hồi giấy phép, cấm kinh doanh có thời hạn cho đến vĩnh viên.
Khách quốc tế tham quan Việt Nam
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình: Để nâng cao hình ảnh du khách Việt thì có ba vấn đề cần thực hiện. Vấn đề đầu tiên là tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm cho những người làm du lịch. Họ là những người chịu trách nhiệm đầu tiên cho các kết quả của những tour du lịch, vậy thì họ phải đi tiên phong, chấn chỉnh hoạt động của hướng dẫn viên, của những người làm điều hành tour, và đặc biệt là của các công ty du lịch bao gồm cả lữ hành, khách sạn và vận chuyển.
Vấn đề thứ hai là phải tuyên truyền cho những người có nguyện vọng đi du lịch để họ hiểu rằng, họ bước chân ra khỏi nhà là họ tiếp cận với rất nhiều hoạt động chung của xã hội và nhiều người nhìn vào họ, nhất là ra nước ngoài, họ cần phải cư xử như thế nào cho phù hợp với hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam, với những tình cảm mà quốc tế dành cho Việt Nam suốt mấy chục năm qua.
Vấn đề thứ ba là các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần thấy trách nhiệm của mình ở đâu, xác định, xử lý các vi phạm, vận động các cơ quan ở Trung ương và địa phương cùng vào cuộc để góp tay chấn hưng hoạt động này.
Là một nhà báo, giảng viên khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, MC Trịnh Lê Anh cho rằng: Một bộ phận người Việt Nam đi du lịch thiếu kỹ năng sinh tồn và tự lập ở nước ngoài. “Tuy nhiên, dưới góc độ truyền thông, chúng ta không nên chỉ trích, bởi nếu chỉ trích sẽ đánh động sự “mong manh”, thái quá về cảm xúc, khi đó, người Việt Nam càng tự ti khi ra nước ngoài. Chúng ta có thể làm những tiểu phẩm nhỏ về các hành vi ứng xử của người đi du lịch nước ngoài, cứ như vậy sẽ tạo ra thói quen của người Việt Nam” - MC Trịnh Lê Anh đề xuất.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tiến Đạt kiến nghị cơ quan quản lý du lịch cần ban hành bản quy tắc văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch. Bắt buộc các công ty du lịch phải triển khai cho khách và nhắc nhở khách về quy tắc văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch. Nghiên cứu đưa mục văn minh du lịch vào Luật Du lịch sửa đổi 2016. Có chế tài xử phạt hành vi phản cảm của người đi du lịch và công ty du lịch vi phạm. Ví dụ, các khách du lịch vi phạm luật ở nước ngoài như ăn cắp, bỏ trốn, hành nghề bất hợp pháp, buôn lậu, đánh nhau… thì tùy mức độ cả khách và công ty du lịch sẽ bị xử lý, nặng thì khách có thể bị cấm xuất cảnh trong 1 khoảng thời gian hoặc vĩnh viễn. Công ty du lịch vi phạm nghiêm trọng có thể bị rút giấy phép. Phối hợp với các cơ quan bộ ngành khác như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ công an, Hàng không và các nước bạn để cùng thông tin và xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, phát động các chương trình quốc gia nhằm nâng cao văn minh khi đi du lịch.