Du khách khám phá Hang Luồn trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh TS)
Từ sự tăng trưởng ấn tượng...
Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2017, tổng số lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt trên 7,9 triệu lượt, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách quốc tế đạt 3 triệu lượt, tăng 20%. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2016, lượng khách lưu trú đạt 3,4 triệu lượt, tăng 8% , trong đó khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt, tăng 18%; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 12,1 nghìn tỷ đồng, tăng 28% . Từ đầu năm đến nay, các hoạt động du lịch, lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra sôi động, đa dạng về hình thức, quy mô; nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, kích cầu du lịch nội địa đã được tổ chức, tạo hiệu ứng tích cực.
Đặc biệt, xác định việc đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở lưu trú là vấn đề quan trọng trong thu hút và “giữ chân” khách du lịch nên Quảng Ninh đã tập trung nâng cao chất lượng toàn diện hệ thống các cơ sở lưu trú phục vụ hoạt động du lịch. Theo đó, tỉnh đã chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn như: Công viên Đại dương Hạ Long, Bảo tàng, Thư viện Quảng Ninh, Cung quy hoạch và những khách sạn mang thương hiệu quốc tế như: Wyndham, Royallotus, Novotel, Vinpearl...
Riêng du lịch Vịnh Hạ Long đã khẳng định thương hiệu mạnh, là sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Việc liên kết phát triển du lịch, đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, khách du lịch đến từ thị trường phía Nam, nhất là TP Hồ Chí Minh cũng đã thu được những hiệu quả tích cực. Chủ đầu tư các cơ sở lưu trú đã chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực, xây dựng thương hiệu.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, công suất buồng, phòng bình quân của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Quảng Ninh ước đạt 50%, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm 2016, doanh thu bình quân ước đạt trên 3.000 tỷ đồng. Trong đó, khối khách sạn 1 - 5 sao ước đạt 65,09%, tăng 18% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Cụ thể, khối 5 sao, công suất buồng, phòng trung bình là 58%, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái; khối 4 sao và tương đương là gần 68%, tăng 13%; khối 3 sao trên 68%, tăng 12%; khối 1 - 2 sao và tương đương, nhà nghỉ du lịch, homestay đạt 48%, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016. Nhìn chung, số ngày lưu trú của khách du lịch tại Quảng Ninh có chiều hướng tăng, đặc biệt là khách quốc tế, trung bình 1,93 ngày/khách. Thông qua đó giúp tăng thu nhập cho các cơ sở lưu trú nói riêng và các lực lượng tham gia trong hoạt động du lịch nói chung.
Đến chiến lược phát triển du lịch bền vững, hiệu quả
Quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực du lịch theo hướng khai thác tốt những tiềm năng thuận lợi, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Cụ thể, Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2018 sẽ đón tổng lượng khách du lịch vào khoảng 11 triệu lượt, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế; năm 2019 là 13 triệu lượt với 6 triệu lượt khách quốc tế; năm 2020 là 15 - 16 triệu lượt với 7 triệu lượt khách quốc tế. Thời gian lưu trú của khách du lịch tại tỉnh trung bình từ 3 ngày trở lên; thu ngân sách từ hoạt động du lịch chiếm 10 - 15% thu nội địa; giải quyết việc làm cho khoảng 130.000 người. Năm 2020, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đón 15 - 16 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế; thời gian lưu trú trung bình đạt từ 3 ngày trở lên, tổng doanh thu đạt 40.000 tỷ đồng; đóng góp tối thiểu 15% GRDP và 10 - 15% số thu ngân sách nội địa; giải quyết việc làm cho khoảng 130.000 lao động.
Để hiện thực hoá các mục tiêu nói trên, song song với việc đầu tư phát triển du lịch một cách toàn diện theo quy hoạch đã được phê duyệt, Quảng Ninh đang tiếp tục chú trọng mở rộng không gian phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, gắn với giữ gìn và bảo vệ môi trường, bảo tồn và khai thác hiệu quả các giá trị Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Khu di tích danh thắng tại Yên Tử, hệ thống di tích nhà Trần, khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng và trên 500 di tích đã được công nhận trên toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, chủ trương của Quảng Ninh là sẽ tăng cường huy động các nguồn lực tham gia phát triển và chia sẻ lợi ích từ du lịch, nhất là tập trung đầu tư khai thác các khu vực động lực về phát triển du lịch như: Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái... Đồng thời, đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị trong phát triển các sản phẩm du lịch; tập trung phát triển các loại hình sản phẩm có tính đặc trưng, thế mạnh của tỉnh như: biển, đảo; văn hoá tâm linh; sinh thái cộng đồng; nghỉ dưỡng, chữa bệnh; biên giới; giải trí, vui chơi có thưởng…
Trong phát triển các sản phẩm và không gian du lịch, tỉnh đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm đã có, phát triển một số sản phẩm du lịch mới, với tiêu chí các sản phẩm phải phù hợp với từng thị trường khách, đồng thời gắn các yếu tố văn hóa, giá trị tài nguyên du lịch vào sản phẩm; chú trọng đến các sản phẩm du lịch văn hóa, mua sắm, cảnh quan... Thực hiện Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) để tạo sản phẩm du lịch, trong đó có một số sản phẩm đã được khách du lịch đánh giá cao như: chả mực Hạ Long, sá sùng Vân Đồn, rượu Ba kích, rượu mơ Yên Tử (Uông Bí), miến dong Bình Liêu... và phát triển làng nghề truyền thống tại Quảng Yên, Đông Triều, Tiên Yên... bước đầu đã thu hút được khách du lịch đến tham quan và mua các sản phẩm của người dân tại đây sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch, sản phẩm du lịch. Xây dựng các tuyến du lịch, điểm du lịch, sản phẩm du lịch của các trung tâm, khu, điểm du lịch để liên kết tạo chuỗi sản phẩm và mở rộng không gian du lịch, kéo dài ngày lưu trú của khách tại Quảng Ninh. Mặt khác, liên kết với các địa phương trong khu vực để gắn kết các tuyến du lịch giữa các địa phương.
Đói với công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng nhiều kế hoạch quảng bá, xúc tiến rất bài bản, trên cơ sở đó các cơ quan chức năng, các địa phương và doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình quảng bá, xúc tiến với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Trong đó, nổi bật và có tác động mạnh mẽ như chương trình Carnaval Hạ Long, Lễ hội Yên Tử…. đã có tác động lớn đến hoạt động du lịch. Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục tăng cường các hình thức thông tin tuyên truyền về du lịch, quảng bá hình ảnh Vịnh Hạ Long và các danh thắng tự nhiên, văn hóa lịch sử của tỉnh, bảo đảm du lịch là một trong những nội dung trọng tâm, thường xuyên trong các chương trình truyền thông của các cơ quan thông tin đại chúng các cấp. Tiếp tục nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng để từng bước hình thành văn hóa, văn minh trong ứng xử, kinh doanh dịch vụ du lịch.
Đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Mục tiêu của Quảng Ninh là phấn đấu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh. Thực tế những năm gần đây, ngành du lịch của tỉnh đã có những bước phát triển vững chắc; hiệu quả thu được từ các hoạt động du lịch đã không chỉ giúp nâng cao thu nhập, phát triển đời sống người dân mà còn dần trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh.
Với sự quan tâm, đầu tư của chính quyền các cấp và với chiến lược phát triển du lịch bền vững, hiệu quả, tin tưởng ngành du lịch Quảng Ninh sẽ tiếp tục có sự phát triển nhanh theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; từng bước khẳng định thương hiệu, vị thế và đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước./.