Hồi sinh khu vườn ngự uyển, tạo điểm nhấn đón khách du lịch đến Huế

Thứ năm, 07/03/2013 17:06

Nhằm tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch dịp Festival Huế 2014, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã bảo tồn, hồi sinh vườn Cơ Hạ - một khu vườn ngự uyển trứ danh của triều Nguyễn. Khu vườn này từng được vua Thiệu Trị - một ông vua thời Nguyễn vịnh đến trong tranh gương hoặc trên tranh mộc bản của triều Nguyễn. Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại để đón khách du lịch.

 

 Tùng, một loại cây kiểng quý được trưng bày
tại vườn Cơ Hạ. (Nguồn: Báo Thanh Niên)


Trên nền móng cũ chỉ còn là dấu tích của khu vườn xưa, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã đầu tư, dựng lên ba ngôi nhà rường truyền thống theo hình ảnh để lại của các công trình xưa, cùng với cầu Kim Nghê được dựng lại bằng tre nứa buộc lạt mây. Động Phước Duyên, núi Thọ An được sửa sang, bên cạnh Minh Hồ, sông Trại Vũ được nạo vét, trồng hoa sen, hoa súng và thả cá chép vàng. Còn lại phần lớn diện tích vườn đã được quy hoạch và trang trí bằng các thảm cỏ, thảm hoa và hàng trăm cây kiểng quý của các nghệ nhân hàng đầu xứ Huế.

Trong các dịp lễ, Tết, khi hoàng hôn buông xuống, tại đây có hơn 300 ngọn đèn đặt trong các giỏ tre xinh xắn của nghệ nhân làng đan lát Bao La đã được thắp lên, làm cho khu vườn trở nên lung linh kỳ ảo. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế khẳng định: Từ chốn hoang tàn đổ nát, vườn Cơ Hạ nay trở thành khu vườn huyền thoại, khu vườn cổ tích, mà ở mỗi nơi, mỗi chốn, trên từng bước chân, du khách như cảm thấy bóng hình, hơi thở, lời thơ, giọng hát của người xưa còn phảng phất đâu đây. Đặc biệt, trong những đêm nhạc Trịnh Công Sơn được tổ chức trên đỉnh núi Thọ An, mảnh trăng khuyết làm nền bên bóng cây đa cổ thụ cùng giọng hát vút cao của ca sỹ Ánh Tuyết trong dịp Festival vừa qua càng như khiến người ta chơi vơi trong cõi mộng… Một sự trùng hợp đầy thú vị là, cùng với sự hồi sinh của vườn Cơ Hạ, từng đàn chim lớn với nhiều giống loài khác nhau không biết từ đâu đã về chọn các lùm cây trên đảo Doanh Châu sát vườn để sinh sống, đậu chen chúc trên những cành lộc vừng cổ thụ, khiến du khách càng thêm thích thú, muốn ghi lại hình ảnh này khi có dịp ghé thăm.

Vườn Cơ Hạ là một trong 5 khu vườn thượng uyển nằm trong hoàng cung Huế. Vườn tọa lạc ở góc đông bắc, rộng khoảng 3 mẫu (1,5ha), phía trước giáp phủ Nội vụ, sau giáp Hậu Hồ, hai mặt Đông Tây giáp tường Hoàng thành và Tử cấm thành. Đầu thế kỷ 19, đây là Cơ Hạ Đường dành cho thái tử học tập, vui chơi. Năm 1837, vua Minh Mạng mới cho nâng cấp lên thành một khu vườn uyển, nhưng vườn chỉ thực sự nổi tiếng dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847), khi nhà vua cho xây thêm nhiều đình, viện, đài, tạ, mà đặc biệt là dải trường lang hình chữ “khẩu” chạy vòng quanh các công trình chính, gọi là Tứ Phương Ninh Mật Hồi Lang.

Vườn Cơ Hạ vì thế mang phong cách riêng, hoàn toàn khác biệt với các khu vườn còn lại trong cung. Cổng chính của vườn quay mặt về phía Nam, mang tên Thượng Uyển Môn. Trong cửa là điện Khâm Văn, lợp ngói lưu li vàng. Sau điện là Minh Hồ, giữa hồ dựng gác Quang Biểu; phía sau lại có lầu Thưởng Thắng. Bên trái lầu có nhà tạ Hòa Phong, bên phải có hành lang Khả Nguyệt; bao quanh có hồi lang Tứ Phương Ninh Mật. Phía Đông vườn có Minh Lý Thư Trai, phía Tây có hiên Nhật Thận. Phía tây Minh Hồ còn có sông Trại Vũ, động Phước Duyên, động Đào Nguyên. Chếch qua phía Đông có cầu Kim Nghê trên có mái che. Bên trái lầu Thưởng Thắng là núi Thọ Yên, núi Trùng Đình, ao Thụy Liên, núi Quân Tử.

Vua Thiệu Trị đã từng vịnh đến 14 cảnh vườn khác nhau: Ngoài vườn Cơ hạ còn có Hồ tân liễu lãng, Tiên động phương tung, Vũ giang thắng tích…Các cảnh này đều được nhà vua cho vẽ tranh để minh họa (tranh gương, tranh mộc bản), thơ thì khắc vào bia đá dựng trong vườn./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực