Hội thảo “Phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý”.

Thứ năm, 01/12/2016 17:06
(ĐCSVN) - Trong khuôn khổ Chương trình Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2016, ngày 1/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý”.

 

Cốm làng Vòng là một trong những sản phẩm được
 xây dựng thương hiệu theo chỉ dẫn địa lý (Ảnh: comlangvong)

Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các định hướng, khuyến nghị về xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý để phát triển các sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền của Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức còn nhằm đánh giá thực trạng và xem xét các mô hình thành công trong và ngoài nước, qua đó hướng dẫn địa phương và doanh nghiệp xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu hàng nông sản và đặc sản vùng miền, cũng như xác định phương thức phát triển thị trường và gia tăng giá trị cho các sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý. 

Đặc biệt, thông qua các bài phát biểu của các chuyên gia, nhà quản lý, cũng giúp cho địa phương và doanh nghiệp các vấn đề luật pháp về chỉ dẫn địa lý, để hiểu rõ hơn về bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm và hướng dẫn xây dựng hệ thống quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: Việt Nam là một nước nông nghiệp nhiệt đới rất giàu tiềm năng về nông sản, là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu gạo cà phê, tiêu và dồi dào, phong phú các loại trái cây, cây công nghiệp, thủy hải sản. Hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với địa danh như: nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, Chè Thái Nguyên, cốm Làng Vòng, tỏi Lý Sơn, chuối Ngự Đại Hoàng…

Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản đã đạt được những kết quả nhất định trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tuy vậy, vẫn còn nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức và địa phương chưa quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản và rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế. Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, tới 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài, mới khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

Tồn tại trên có nguyên nhân từ nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ; năng lực hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp còn thấp; sự liên kết giữa chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ; kỹ năng kinh doanh thương mại và tiếp thị, phát triển sản phẩm của người sản xuất còn hạn chế, mang tính tự phát; chính quyền cơ sở và người nông dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển thị trường, xây dựng và đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và nhãn hiệu nông sản.

Để có thể phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, đặc biệt là để đặc sản các vùng miền Việt Nam giữ vững thị trường trong nước, tiến tới mở rộng, chiếm lĩnh thị trường quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, vẫn còn không ít vấn đề cần được giải quyết.

Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng Nhà nước bảo hộ, do đó, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm; việc tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm là hết sức quan trọng, cần thiết.

Trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm thông qua chỉ dẫn địa lý như: Ban hành cơ chế chính sách, hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu tập thể: Sữa Ba Vì, bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch, cốm làng Vòng, bún Phú Đô, giò chả Ước lễ, bánh cuốn Thanh Trì, bánh tẻ Phú Nhi…; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ, phối hợp nhiều tỉnh thành trong cả nước tổ chức các chương trình liên kết vùng, kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội. Hầu hết các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương đã có mặt tại các kênh phân phối tại Hà Nội và được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích, tin dùng.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội phát biểu về pháp luật chỉ dẫn địa lý, thực trạng xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu hàng hóa…/.

K.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực